18 giờ 30 phút ngày 4/10/2013, đang chuẩn bị nấu cơm chiều, tôi nhận được điện thoại của người em gái công tác tại Hà Nội báo tin dữ: "Đại tướng của mình vừa mất rồi, chị ạ. Cả Hà Nội đang buồn lắm”...
Là nhà báo công tác tại tờ báo Đảng địa phương, cũng như những người dân Yên Bái tôi không thể tin đó là sự thật, mặc dù biết rất rõ vị Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mệt từ rất lâu nhưng giây phút hay tin Người ra đi vẫn có một cảm giác hụt hẫng, bàng hoàng vô hạn!
Chẳng riêng gì "trái tim của Tổ quốc” mà ngay từng giờ sau giây phút đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tờ báo, các trang mạng xã hội trong nước và quốc tế đã một đêm không ngủ, dày đặc những thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – thiên tài quân sự của thế kỷ 20 vừa qua đời ở tuổi 103 lúc 18 giờ 9 phút ngày 4/10/2013 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Hà Nội.
Vậy là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không thể được chứng kiến sự đổi thay của đất nước thêm một mùa xuân nữa, càng không thể nghe được những lời ca, điệu múa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc mừng 60 năm giải phóng Điện Biên xuân Giáp Ngọ 2014 sắp tới này.
"Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó” là câu nói của người con Lộc Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình) - vị tướng tài ba, thao lược của thời đại mà nhà báo và cũng là một sử gia nổi tiếng Bernard Fall đã thừa nhận trong cuốn "Võ Nguyên Giáp - con người và huyền thoại” viết ½ thế kỷ trước đây (1962): "Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”.
Là phóng viên sinh ra sau chiến tranh, tôi đã vinh dự và may mắn hơn các đồng nghiệp của mình là đã được gặp, được ngắm nhìn và được nghe vị tướng quân sự huyền thoại ấy của Việt Nam nói chuyện tại nhà riêng ở số 30, phố Hoàng Diệu một lần - lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong cuộc đời làm báo.
Đó là ngày 22/12/2004, đúng vào dịp cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 15 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Lần đó, tôi được cử đi theo đoàn đại biểu lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy - HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tới thăm, chúc thọ và tặng quà người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng do đồng chí Hà Quyết - Bí thư Tỉnh ủy lúc đó làm trưởng đoàn. Đây cũng là lần đầu tiên đoàn đại biểu lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự và các ngành, đoàn thể của tỉnh được gặp mặt và trò chuyện trực tiếp với vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tôi còn nhớ rất rõ, trong khuôn viên rộng, thoáng và đẹp ở số 30 – phố Hoàng Diệu ấy, ngoài một nhà khách nhỏ treo rất nhiều những bức trướng, những tấm huân chương, những biểu tượng và kỷ vật của nhân dân, đồng bào và các bạn bè trong nước, quốc tế là ngôi nhà nghỉ xinh xắn của Đại tướng xây theo kiến trúc cổ. Ngôi nhà nép mình bên những cây hoàng lan cổ thụ là để tưởng nhớ tới khu căn cứ địa Mường Phăng (Điện Biên) mà Đại tướng đã từng gắn bó suốt những năm tháng chiến tranh. Đại tá nguyễn Huyên là thư ký gần 30 năm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cẩn thận mời chúng tôi ngồi và giới thiệu về xuất xứ của những bức trướng treo đỏ rực xung quanh phòng khách nhà Đại tướng.
Trong buổi tiếp xúc với Đại tướng hôm ấy cùng với đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái còn có Đoàn đại biểu Quốc hội do đồng chí Phó chủ tịch Nguyễn Phúc Thanh và Đoàn đại biểu thanh thiếu nhi Trung ương Đoàn do đồng chí Hoàng Bình Quân – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn dẫn đầu cũng vinh dự được nghe Đại tướng tiếp chuyện.
Rồi căn phòng nhỏ ấm áp bỗng dậy lên tràng pháo tay khi Đại tướng cùng phu nhân là bà Đặng Bích Hà bước vào. Đại tướng và phu nhân rất cảm động khi nhận bức tranh đá quý "Giải phóng Điện Biên” do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt đoàn trao tặng. Chúng tôi ngồi nghe vị Đại tướng mà tên tuổi của ông luôn song hành với những thắng lợi của dân tộc kể chuyện như nuốt từng lời.
Đại tướng kể lại chuyện đánh trận Phai Khắt - Nà Ngần ở Cao Bằng nhanh gọn, thắng lợi được Bác Hồ khen ngợi cho cả đoàn nghe với chất giọng trầm ấm, truyền cảm, hào hùng mà xúc động. Càng nghe, càng ngắm vị tướng thiên tài, tôi càng khâm phục, tự hào và thêm kính yêu ông – một vị tướng của thời chiến chưa từng theo học một khóa huấn luyện quân sự nào nhưng lại là một nhà quân sự lỗi lạc đã góp phần không nhỏ vào việc định hình nên một trật tự thế giới ngày nay.
Khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo về những kết quả, thành tựu nổi bật của tỉnh Yên Bái, Đại tướng rất hài lòng về những nỗ lực vượt khó vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Yên Bái, rồi ông nhắc ngay đến địa danh Ba Khe, Nghĩa Lộ đã đánh dấu sự trưởng thành của quân đội và nhân dân Yên Bái xưa và nay.
Năm đó, đã sắp bước sang tuổi 95 nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn rất tinh tường, nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Đại tướng nghe rõ và cũng trả lời rất nhanh những nội dung câu chuyện với các đại biểu trong căn phòng nhỏ. Nhắc đến công lao của quân và dân Yên Bái mở đường cho bộ đội ta tiến vào giải phóng Điện Biên làm nên chiến dịch lịch sử "chấn động địa cầu”, Đại tướng đã khuyên Yên Bái cũng như các đoàn đại biểu đang ngồi bên Người là phải nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng của Hồ Chí Minh. Chỗ nào, cơ sở nào có nhiều gương tốt cần phát triển lên thành phong trào, và Đại tướng khẳng định: "Có như thế nhân dân ta mới giàu, quân đội ta mới mạnh”.
Đến đây, tôi chợt nhớ tới cuốn sách "Các vị tướng lừng danh” của tác giả Tao - xơn xuất bản ở Luân Đôn (Anh) năm 1975 viết về "những bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh từ 25 thế kỷ trước và sau Công nguyên” đã khẳng định: "Chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích Việt Nam thắng lợi là một đóng góp lớn vào nghệ thuật chiến tranh thế giới”, ông đã xếp Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ vào 1 trong 21 vị tướng vĩ đại nhất, 1 trong 21 trận đánh vĩ đại bậc nhất suốt 2.500 năm đó, vị tướng Giáp và Điện Biên Phủ đã tạo ra một trong những bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh. Chỉ đứng sau người thầy vĩ đại của mình là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cầm lái cùng Đảng và Nhà nước đưa đất nước tới độc lập, chiến lược và nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu sắc tới phong trào đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới.
Tôi đang miên man suy nghĩ, phải chăng vị tướng quân sự lỗi lạc ấy vẫn đang tỏa sáng, vẫn đang tạo bước ngoặt cho thế kỷ 21 này của chúng tôi và những thế kỷ tiếp theo của lớp lớp con cháu thì nghe Đại tướng kết luận: "Là cán bộ lãnh đạo hôm nay hay chiến sĩ năm xưa, muốn đạt được thành công, muốn nhanh đi tới thắng lợi cần phải "quyết và biết”. Đó là phải có quyết tâm, có hiểu biết trí thức thì mới có thể xây dựng đất nước, quê hương giàu mạnh lên được”. Một tràng pháo tay nữa lại vang lên trong căn phòng nhỏ số 30 - Hoàng Diệu năm ấy rồi chúng tôi chào Đại tướng ra về trong cái bắt tay thật chặt, ấm áp nhưng đầy lưu luyến cho tới tận bây giờ.
Biết rằng, vị anh hùng dân tộc ấy không thể sống mãi với đất nước, với non sông, nhưng sự ra đi của Đại tướng dường như vẫn quá đường đột, quá nhanh và quá chóng vánh như con người ông từng chỉ huy và kết thúc một cuộc chiến, chỉ khác là cuộc chiến của tuổi tác và sức khỏe hôm nay đã làm cho không chỉ Đại tướng, chúng tôi mà cả thế giới phải bất ngờ, đứng lặng và nghiêng mình tiễn biệt.
Khi tôi viết những dòng chữ này thì ở Thủ đô, nơi góc đường Hà Nội, tất thảy dòng người già trẻ, gái trai, các bạn bè quốc tế cũng đang có mặt trước ngôi nhà số 30 – phố Hoàng Diệu cùng hàng hoàng lan cổ thụ đang cúi mình đứng lặng vĩnh biệt vị thiên tài quân sự của thế kỷ 20.
Tang lễ của Đại tướng đã được Đảng và Nhà nước quyết định tổ chức với nghi thức Quốc tang. Vị Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cả cuộc đời đi cùng với thắng lợi vẻ vang của dân tộc nay sẽ trở về yên nghỉ tại quê mẹ Quảng Bình chói chang cồn cát để mãi tỏa sáng cho quê hương, cho dân tộc hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Thưa Đại tướng, tiễn biệt người, nơi miền Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc, bài viết này, dòng xúc cảm này, chúng con xin được thay cho nén nhang trầm thắp lên tiễn đưa người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam về với đất mẹ anh hùng – điểm dừng chân cuối cùng của vị thiên tài quân sự duy nhất Việt Nam ở thế kỷ 20.
Thanh Hương (Ngày 7/10/2013)