Tuy nhiên, trước bối cảnh phức tạp, biến động, khó lường của tình hình quốc tế và khu vực; bên cạnh những thành tựu to lớn mà Đất nước, Đảng và nhân dân ta đã đạt được, chúng ta cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về chủ quan và khách quan khi bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Điều này đã đặt ra những yêu cầu vô cùng bức thiết, đòi hỏi công tác thông tin đối ngoại cần phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để bắt kịp với xu thế của thời đại, của khoa học - công nghệ. Chính vì vậy, với sự quan tâm, chú trọng phát triển của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại phiên họp ngày 23/3/2023, Bộ Chính trị đã xem xét, thông qua báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW.
Ngày 15/6/2023, Bộ Chính trị chính thức ban hành Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Nội dung cốt lõi, điểm mới của Kết luận số 57-KL/TW thể hiện cụ thể trong 05 nội dung sau:
Thứ nhất, về quan điểm chỉ đạo, điểm mới đầu tiên là nội hàm của công tác thông tin đối ngoại. Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại khi coi đây "là bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân”.
Bên cạnh việc gắn kết chặt chẽ, triển khai đồng bộ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại, giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, thông tin đối ngoại cần đi trước, có tính dự báo cáo; kết hợp hài hoà giữa "xây” và "chống”. Như vậy, thông tin đối ngoại là lực lượng tiên phong của công tác đối ngoại
Thứ hai, phương châm của thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới là "Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”.
Chủ động trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của đất nước; trong nghiên cứu, dự báo tình hình; trong giành ưu thế trên mặt trận dư luận.
Đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như triển khai và phối hợp, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Kịp thời, đúng thời điểm, với tinh thần không né tránh những vấn đề nhạy cảm.
Sáng tạo, hiệu quả trên mọi phương diện từ cách nghĩ tới cách làm, từ nội dung tới phương thức, từ tìm kiếm, vận động tới sử dụng nguồn lực.
Thứ ba, điểm mới về mục tiêu cao hơn, bao trùm hơn. Bộ Chính trị đã chỉ rõ việc tuyên truyền, quảng bá nâng cao vị thế, uy tín của đất nước gắn với khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này song song với việc thúc đẩy gia tăng thứ hạng quốc gia tại các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, phù hợp với lợi ích của Việt Nam; hình thành mặt trận công luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, nhất là trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của ta; nhằm củng cố, tăng cường niềm tin của các đối tác, nhà đầu tư, khách du lịch và bạn bè quốc tế với Việt Nam.
Thứ tư, 05 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với nội hàm mới gồm: giải pháp về nâng cao nhận thức; giải pháp về tăng cường phối hợp; giải pháp về đổi mới nội dung, phương thức; giải pháp về đẩy mạnh đấu tranh phản bác; giải pháp về tăng cường nguồn lực.
Trong đó, đối tượng hướng đến của công tác thông tin đối ngoại là rộng khắp; là công tác chính trị, tư tưởng thì trước hết là đảng viên, cán bộ, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ rồi đến cộng đồng, bạn bè quốc tế. Như vậy, đối tượng thông tin đối ngoại đã mang tính đặc thù.
Lực lượng chủ lực, chủ công triển khai công tác thông tin đối ngoại trong hệ thống chính trị gồm 09 cơ quan ban, bộ, ngành, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan báo chí.
Về phương thức, nội dung, thông tin đối ngoại cần tích cực đổi mới theo hướng chuyên nghiệp - hiện đại - hiệu quả - sát thực tiễn - đẩy mạnh ứng dụng khoa học & công nghệ, chuyển đổi số. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong Kết luận đề cập cụ thể tới tầm quan trọng của quảng bá giá trị văn hoá trong thúc đẩy kết nối giữa Việt Nam với thế giới bằng việc "thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hoá”;"nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm thông tin - văn hoá của Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa bàn trọng điểm trên thế giới”;"khuyến khích xã hội hoá, phát triển các cơ sở văn hoá, du lịch tại các địa bàn chiến lược”.
Có thể khẳng định, Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới được ban hành xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, có tính chất "kim chỉ nam”, khơi dậy ý chí phấn đấu vượt khó, bứt phá sáng tạo cho toàn thể đội ngũ lực lượng làm thông tin đối ngoại trong, ngoài nước vì mục tiêu chung với những tư duy mới. Đồng thời, là sự "mở đường” để chủ trương trở thành các quy định pháp luật, tạo cơ sơ pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng các chương trình hành động, Đề án, nhân rộng các mô hình, giải pháp đột phá một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước trong tình hình mới.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 30/8/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Thông tin đối ngoại tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 82-HD/BTGTU về nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh tập trung triển khai Kết luận bằng hình thức phù hợp, đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả; góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về công tác thông tin đối ngoại và các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.
Nguyễn Minh Tuấn
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,
Trưởng Ban chỉ đạo công tác TTĐN tỉnh Yên Bái