5 năm thực hiện Đề án 11 của Tỉnh ủy Yên Bái - Bài 1: Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên”

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/10/2023 | 11:30:44 AM

YênBái - Ngày 08/8/2018, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Đề án số 11-ĐA/TU về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035" (gọi tắt là Đề án số 11-ĐA/TU). Đến nay sau 5 năm thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ của tỉnh trong giai đoạn hiện nay..

Cán bộ Đề án 11 được điều động, luân chuyển tạo môi trường rèn luyện và trưởng thành
Cán bộ Đề án 11 được điều động, luân chuyển tạo môi trường rèn luyện và trưởng thành


Kỹ lưỡng, chắc chắn từ khâu tuyển chọn, đào tạo

Ngay sau khi ban hành Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc, bài bản các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Đề án đến các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Quá trình thực hiện Đề án 11, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án luôn được cấp ủy các cấp và các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, nhất là quán triệt mục tiêu đã xác định, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, xuyên suốt, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Công tác tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án 11 đảm bảo công khai, minh bạch, kỹ lưỡng, chắc chắn, có điều chỉnh, rút kinh nghiệm, đổi mới về cách thức, phương pháp thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm lựa chọn những cán bộ thực sự nổi trội, có tố chất, triển vọng phát triển.


Cô giáo Lương Thị Thanh Loan - Giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là cán bộ nữ đã trúng tuyển qua kỳ thi tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án 11

Cô giáo Lương Thị Thanh Loan - Giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là cán bộ nữ đã trúng tuyển qua kỳ thi tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án 11 năm 2022 chia sẻ: "Đây là cơ hội quý giá đối với bản thân tôi khi được tham gia vào Đề án 11. Qua đó, tôi được tiếp thu chương trình đào tạo bài bản và được học tập, rèn luyện, thử thách qua thực tiễn nhằm nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý. Tôi rất trân trọng cơ hội này và quyết tâm rèn luyện, phấn đấu nỗ lực học tập để đem kiến thức, kỹ năng được trang bị và nhiệt huyết của mình để cống hiến xây dựng cơ quan, đơn vị và quê hương ngày càng phát triển”.

Từ khi thực hiện đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức 2 kỳ tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án thông qua thi tuyển. Tại kỳ tuyển chọn năm 2018 đã lựa chọn được 150 cán bộ; tại kỳ tuyển chọn năm 2022, đã lựa chọn bổ sung 60 cán bộ tham gia Đề án, thành tổng số 210 cán bộ tham gia Đề án sau 5 năm. 

Ngay sau khi hoàn thành công tác tuyển chọn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đề án, với cách thức đổi mới, nội dung được chọn lọc. Tỉnh đã cử 48 đồng chí đi đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị; 21 đồng chí đi đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị. Đến nay, số cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị chiếm 58,8%; trình độ trung cấp lý luận chính trị chiếm 34,5%; chưa qua đào tạo 12 người, chiếm 6,7%. 

Về chuyên môn, tỉnh đã cử 24 cán bộ  tham gia Đề án đi đào tạo trình độ thạc sỹ, 3 cán bộ đi đào tạo bác sỹ chuyên khoa I. Đến nay, số cán bộ có trình độ chuyên môn sau đại học chiếm 58,8%.  

Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý, các khóa tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp, các lớp bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số...; Đồng thời để cán bộ Đề án có cơ hội tiếp cận, tham gia các hoạt động chính trị, bổ sung kỹ năng hoạt động, các kỳ họp HĐND tỉnh các cấp cũng đã mời cán bộ tham gia Đề án với 90% đã tham dự; 100% cán bộ đã dự đại hội đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Quan tâm quy hoạch cán bộ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp

Để nâng cao chất lượng Đề án, trong cách thức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ Đề án trên cơ sở bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương để thực hiện đồng bộ, liên thông với các khâu trong công tác quản lý cán bộ, đảm bảo quy trình theo quy định. 

Trong đó, chú trọng mở rộng và tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; mở rộng quy hoạch các chức danh theo quy định để tạo nguồn, đảm bảo tính kế thừa và tạo điều kiện cho cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhất là cao cấp lý luận chính trị. Tăng cường quy hoạch chức vụ cao hơn cấp liền kề, cho phép quy hoạch vượt cấp đối với cán bộ Đề án để tạo nguồn, rèn luyện, lựa chọn, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, đảm bảo yêu cầu chuyển tiếp giữa các thế hệ.  

Thời điểm năm đầu thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã rà soát, bổ sung 133/150 cán bộ (tuyển chọn năm 2018) vào quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó có 51 đồng chí, gồm 25 cán bộ trẻ, 12 cán bộ nữ, 14 cán bộ người DTTS quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 2025. 

Đến nay, đối chiếu, rà soát theo các quy định hiện hành, có 174/177 cán bộ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc trung tâm, chi cục, đơn vị sự nghiệp, lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trở lên. Trong đó: 70 đồng chí được quy hoạch chức vụ cao hơn cấp liền kề; điều chỉnh, bổ sung 102/177 đồng chí quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030, trong đó có 7 đồng chí quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, gồm 2 cán bộ trẻ, 2 cán bộ nữ, 3 cán bộ người DTTS. Qua đó, góp phần xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, triển vọng phát triển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tạo môi trường rèn luyện và trưởng thành

Đồng chí Chu Đình Ngữ - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: "Để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS tham gia Đề án được rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách qua thực tiễn công tác, nhất là rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc luân chuyển, điều động, biệt phái đối với cán bộ tham gia Đề án theo hướng đưa cán bộ tham gia từ các cơ quan, đơn vị khối tỉnh về cấp huyện, cấp xã; từ cấp huyện về cấp xã giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý để tạo môi trường rèn luyện, thử thách cán bộ qua thực tiễn công tác; đưa cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp xã lên cấp huyện, từ cấp huyện lên cấp tỉnh để mở rộng tư duy, tầm nhìn, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý; mở rộng luân chuyển, điều động, biệt phái”. 

Anh Phạm Thái Sơn là cán bộ trẻ tham gia Đề án 11 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn từ tháng 7/2022. Quá trình được bổ nhiệm, điều động về cơ sở đã giúp anh Sơn được rèn luyện và trưởng thành rất nhiều. 

Anh Sơn tâm sự: "Khi về cơ sở, tôi đã được tiếp cận với thực tiễn nhiều hơn và nắm bắt, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách tại địa phương, nhất là vùng đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó, tôi đã vận dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị qua các lớp tập huấn của Đề án 11 để làm tốt công tác tham mưu với Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy để nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước tại địa phương".

Bám sát chủ trương của tỉnh, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch của cấp mình, chủ động xây dựng phương án thực hiện việc luân chuyển, điều động, biệt phái, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ Đề án đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; bảo đảm cân đối, hài hòa giữa luân chuyển, điều động, biệt phái với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ tạo môi trường rèn luyện, thử thách để cán bộ có điều kiện trưởng thành qua thực tiễn công tác.

Đồng chí Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: "Những cán bộ tham gia Đề án 11 được điều động, luân chuyển về địa phương là những đồng chí đã được tuyển chọn kỹ lưỡng, đào tạo bài bản, có trình độ năng lực chuyên môn. Trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương, cơ bản các đồng chí tham gia Đề án thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó, có nhiều đổi mới, phương pháp lãnh đạo, tiếp cận sát thực, có tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Kết quả từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện điều động, luân chuyển, bổ nhiệm 126 lượt cán bộ. Trong đó: cán bộ trẻ 61 lượt, cán bộ nữ 30 lượt, cán bộ người DTTS 35 lượt. Đến nay, có 40 đồng chí trong Đề án tham gia cấp ủy cấp cơ sở, 25 đồng chí tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở; 25 đồng chí tham gia HĐND các cấp. 

Đề án 11 của Tỉnh ủy là đề án đầu tiên có tính chất căn cơ, bài bản về công tác cán bộ, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách dài hơi. Thành công bước đầu của Đề án còn được thể hiện ở việc đã khơi dậy tinh thần, khát vọng cống hiến, năng động, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS. 

Đây thực sự là bước tiến quan trọng, mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh, góp phần bồi dưỡng, tạo nguồn cho Đảng đội ngũ cán bộ vừa "hồng” vừa "chuyên”, xứng đáng là những "hạt giống đỏ” trong công tác cán bộ của tỉnh Yên Bái. 
Đức Toàn
(Bài 2: Bố trí sử dụng cán bộ theo hướng thực chất, hiệu quả)

Tags 5 năm thực hiện Đề án 11 Tỉnh ủy Yên Bái xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên”

Các tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhờ thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, Chính phủ đã trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu đánh giá hiệu quả giống lúa nếp thơm tại xã Hát Lừu.

Thực hiện Chương trình hành động 135 của Tỉnh ủy Yên Bái về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tiễn của địa phương, Huyện ủy Trạm Tấu đã ban hành Kế hoạch số 106 ngày 16/12/2022 để cụ thể hóa thành 43 chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Sáng nay, sau khi các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội họp phiên trù bị để thông qua chương trình kỳ họp. Phiên khai mạc chính thức bắt đầu vào lúc 9h và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Đồng chí Trần Ngọc Luận, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy phát biểu tại buổi sinh hoạt Chi bộ thôn Khe Cọ.

Sáng 22/10, đồng chí Trần Ngọc Luận - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cùng cán bộ công chức cơ Văn phòng Tỉnh ủy đã tham gia Chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân” và dự sinh hoạt chi bộ tại thôn Khe Cọ, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục