Luật Giao thông đường bộ được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ban hành Luật này là cần thiết phù hợp với chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Không nên quy định nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức bằng "0” như hiện nay
Thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đại biểu Nguyễn Quốc Luận tham gia vào một số nội dung cụ thể.
Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 6), đại biểu nêu khoản 5 quy định "Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an có trách nhiệm tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học”.
Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương. Thực tế trong thời gian gần đây, việc học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc đã để lại hậu quả thương tâm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia gia giao thông và việc tuân thủ pháp luật về giao thông đường bộ chưa được các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Để khắc phục tình trạng này, đảm bảo công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được thống nhất, xuyên suốt, trang bị đầy đủ kiến thức, nhận thức pháp luật khi tham gia giao thông đối với học sinh, sinh viên, hình thành thói quen tích cực khi tham gia giao thông; đồng thời đảm bảo sự thống nhất thực hiện giữa các địa phương, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng: "Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy chính khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học”.
Bày tỏ đồng tình với khoản 1, Điều 8: "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, đại biểu bày tỏ sự ủng hộ rất cao việc kiểm soát nồng độ cồn của các lái xe khi tham gia giao thông. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nghiêm cấm sử dụng rượu, bia và chất có cồn khi tham gia giao thông đã góp phần rất lớn hạn chế tai nạn giao thông. Có thể khẳng định đây là một chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân và cần được đẩy mạnh hơn nữa.
"Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là cứ có nồng độ cồn là vi phạm, mặc dù nồng độ rất thấp, khi đi khảo sát thì chúng tôi cũng nhận được một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc quy định, không nên quy định nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức bằng "0” như hiện nay mà quy định nồng độ cồn tối thiểu mới bị xử phạt” - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm các ý kiến này.
Về sử dụng đèn, dự thảo quy định: "Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau’’. Đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt vào mùa đông trời tối từ khoảng 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, nếu các phương tiện tham gia giao thông không bật đèn sẽ gây mất an toàn. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh như sau: "Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau’’.
Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 33) tại điểm c khoản 1 quy định: "Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 12 Điều 3 dự thảo Luật quy định "Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm: xe ô tô; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe mô tô; xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả phương tiện giao thông thông minh”.
Cho biết thực tế hiện nay xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự là loại phương tiện di chuyển cá nhân, hầu hết không kinh doanh vận tải, do vậy, đại biểu cho rằng việc quy định xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự cũng phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định là rất khó thực hiện trong thực tế, việc thực hiện sẽ gây khó khăn, tốn kém cho chủ phương tiện, cho toàn xã hội. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, có quy định phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.
Cần có quy định cụ thể về giải quyết giấy tờ cần xác minh hoặc tạm giữ sau khi đã tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước
Đối với khoản 1 và khoản 2, Điều 49, đại biểu đồng tình với quy định "Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo (bao gồm: Chứng nhận đăng ký xe, Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển, Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, phương tiện giao thông thông minh theo quy định của pháp luật, Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới).
"Như vậy sẽ giảm bớt phiền hà cho người dân, tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa quy định trong trường hợp vi phạm cần phải xác minh hoặc tạm giữ các giấy tờ này thì sẽ giải quyết thế nào, tôi cho rằng nếu không quy định cụ thể trong luật thì sẽ khó khăn, vướng mắc cho người dân và các lực lượng chức năng khi thực hiện công vụ” - đại biểu Luận nêu ý kiến.