Vị Bí thư quê Thái Bình và những món quà "độc nhất vô nhị" của đồng bào Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/11/2023 | 10:27:18 AM

YênBái - Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay có "bóng dáng” đậm nét của nhiều bí thư tỉnh ủy không là người địa phương. 6 năm gắn bó với Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy (quê Thái Bình) đã có những ngày tháng chia ngọt sẻ bùi cùng người dân chống lũ,làm đường. Ông cảm động với những món quà "độc nhất vô nhị" đồng bào dành tặng.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 khóa 12 về "tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp tỉnh không là người địa phương.

Đến nay, số bí thư cấp tỉnh không là người địa phương ngày càng nhiều, được lựa chọn kỹ lưỡng và chất lượng. Việc này đã mang đến luồng gió mới, góp phần đổi mới và tạo nhiều chuyển biến cho địa phương. 

Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay có "bóng dáng” đậm nét của nhiều bí thư tỉnh ủy không là người địa phương. Đồng thời, nhiều cán bộ qua luân chuyển về địa phương đã trưởng thành và trở về giữ chức vụ quan trọng ở Trung ương.

Qua các cuộc gặp gỡ, trò chuyện với một số bí thư tỉnh ủy được luân chuyển thời gian qua, VietNamNet khái quát lại kết quả bước đầu trong triển khai, thực hiện chủ trương "bí thư không là người địa phương”.



Bắt đầu cuộc trò chuyện với VietNamNet về hành trình của một bí thư không là người địa phương, ông Đỗ Đức Duy chia sẻ: "Khi về địa phương, một trong những nhiệm vụ đầu tiên tôi làm là báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà khi đó rất ủng hộ cho điều chỉnh quy hoạch TP Yên Bái”.

Yên Bái đã mời tư vấn Nikken Sekkei của Nhật Bản (tổ chức tư vấn nổi tiếng về quy hoạch xây dựng) phối hợp với một số chuyên gia Việt Nam lập đồ án quy hoạch TP Yên Bái đến năm 2030 định hướng 2040.

"Quy hoạch xây dựng càng dài hạn càng tốt, nếu 10 năm, 20 năm không phải điều chỉnh thì đó mới là quy hoạch thành công”, Bí thư Yên Bái chia sẻ.

Với quan điểm đó, TP Yên Bái đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung với các trục giao thông chính, đến nay cơ bản đã hoàn thành.



Ngày 24/9/2023 vừa qua, Yên Bái khánh thành cầu Giới Phiên, bắc qua sông Hồng, là một trong những dự án trọng điểm của Yên Bái với tổng mức đầu tư 650 tỷ. Công trình này được khởi công ngày 1/1/2022, theo dự kiến ban đầu xây dựng trong 24 tháng, nhưng chỉ sau 20 tháng đã hoàn thành và giải ngân gần 100%.

"Đây là một điển hình về giải ngân vốn đầu tư công nhanh với cách làm sáng tạo. Tỉnh đã mạnh dạn đồng ý chủ trương để chủ đầu tư ứng trước cho nhà thầu 50% giá trị gói thầu xây lắp thay vì 30% như thông lệ. Nhờ vậy, nhà thầu đã có kính phí để nhập khẩu nguyên vật liệu sớm, không bị tác động của trượt giá và hoàn thành dự án trước thời hạn”, Bí thư tỉnh Yên Bái kể.



- Liệu những điểm nhấn trong quy hoạch nói chung cũng như trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của Yên Bái thời gian qua có phải là minh chứng cho thấy thế mạnh của một Thứ trưởng ngành xây dựng về làm Chủ tịch rồi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy của một địa phương, thưa ông?

Thực ra trong các nghị quyết của Đảng, từ Đại hội 11 năm 2011 đã xác định, một trong 3 đột phá chiến lược đó là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, với quan điểm đầu tư hạ tầng phải đi trước một bước, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra động lực phát triển.

Điều này cũng rất phổ biến ở hầu hết các địa phương và lãnh đạo các tỉnh, thành đều thấm nhuần quan điểm đó. Bất cứ địa phương nào, kể cả trên bình diện quốc gia cũng đi theo hướng đó.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người đã có nhiều năm công tác trong ngành xây dựng nên tôi thấy điều đó lại càng chính xác. Hơn nữa, theo tôi muốn đầu tư hiệu quả thì trước hết phải có quy hoạch tốt.

Đồ án quy hoạch mới mở rộng TP Yên Bái theo cách tiếp cận mới, tạo không gian phát triển sang phía hữu ngạn sông Hồng. Đồng thời, muốn xây dựng đô thị hai bên sông thì phải bắc cầu. Cho nên tại sao tính theo đường chim bay từ cầu Yên Bái xuống chỉ hơn 7km, thành phố lại có tới 5 cây cầu.



Hồi trước cũng có quan điểm cho rằng đầu tư như vậy có lãng phí. Nhưng khi công bố đồ án quy hoạch, thể hiện không gian phát triển đô thị theo các trục giao thông qua 3 cây cầu xây mới gần đây cùng với 2 cây cầu có sẵn trước đó thành 5 trục phát triển đô thị thì mọi người rất đồng tình, ủng hộ.

Bởi nhà nước bỏ ra 1.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng thì sẽ thu hút vốn đầu tư tư nhân nhiều nghìn tỷ đồng.

Như thế "tự đô thị sẽ nuôi đô thị” và tự đô thị sẽ tạo ra sự tăng trưởng, còn nhà nước chỉ đầu tư hạ tầng khung như Thủ tướng Phạm Minh Chính thường chỉ đạo là "lấy đầu tư công để dẫn dắt, thu hút đầu tư tư”.

- Với đồ án quy hoạch như vậy, định hướng phát triển TP Yên Bái trong thời gian tới là gì, thưa ông?

TP Yên Bái được xác định là đô thị trung tâm, động lực phát triển về kinh tế cũng như là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và là đô thị động lực không chỉ của tỉnh mà còn là một trong các đô thị động lực của cả vùng.

Từng góc phố chỗ nào có đất trống, chúng tôi đều làm công viên hoặc tiểu công viên. Phía sau những dãy phố vẫn có rừng cây để phát triển không gian đô thị theo mô hình "phố trong rừng, rừng trong phố”, tỷ lệ diện tích cây xanh và mặt nước cao hơn rất nhiều so với quy chuẩn chung. Khi đầu tư xây dựng công trình chúng tôi luôn tôn trọng thiên nhiên, địa thế và chỉ có tăng thêm cây xanh, hồ nước chứ không có lấp đi hay thay bằng bê tông cốt thép.

Từ đồ án quy hoạch tốt thì sẽ thu hút được nhà đầu tư tốt và khi có các dự án tốt thì đô thị mới đảm bảo chất lượng, và chắc chắn với Yên Bái 20-30 năm nữa sẽ không có chuyện tắc đường, kẹt xe.



Tới đây, bên hữu ngạn sông Hồng, tỉnh đã quy hoạch và sẽ phê duyệt chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư vào đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và đây là khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Yên Bái do tư nhân đầu tư chứ không phải nhà nước đầu tư…

Có thể nói, nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này là hai nhiệm kỳ mà phát triển kết cấu hạ tầng của Yên Bái thực sự là bước đột phá. Từ đột phá trong phát triển hạ tầng tạo ra động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội.

Nếu trong những năm tới kinh tế - xã hội phục hồi thì chắc chắn Yên Bái sẽ là một trong những địa phương có sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội so với các nhiệm kỳ trước.



- Trả lời VietNamNet khi vừa trúng cử chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái 3 năm trước, ông có nêu khó khăn của một bí thư không phải là người địa phương là nắm bắt cơ sở. Vậy từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ông vượt qua khó khăn này như thế nào?

Rõ ràng với một cán bộ luân chuyển không phải là người địa phương, nhất là ở các địa phương miền núi, địa hình chia cắt, địa bàn rộng thì không có cách gì khác là phải dành nhiều thời gian để đi cơ sở.

Với Yên Bái, từ năm 2019, chúng tôi đã bắt đầu triển khai mô hình "ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”. Đến nay, mô hình này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành thành kế hoạch hành động.

Theo đó, từ Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đến phó giám đốc sở, ngành, đại biểu HĐND đều dành thời gian đi về cơ sở. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy tối thiểu 1 quý phải có 2 lần.

Ngoài ra, cùng với các cuộc tiếp xúc cử tri, kiểm tra các dự án, công trình trọng điểm, kiểm tra triển khai các nghị quyết, dự sinh hoạt với các chi bộ cơ sở ở thôn bản, tổ dân phố, doanh nghiệp cũng là dịp để tôi về với dân.

Nhờ đi cơ sở nhiều, tôi hiểu được điều kiện tự nhiên, địa hình, hạ tầng, khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng, miền trong tỉnh để biết được đâu là tiềm năng, đâu là thế mạnh trong phát triển các ngành, lĩnh vực, các địa phương…



Từ đó có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn để đưa vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH sát với điều kiện địa phương.

Tức là phải biết tỉnh có điều kiện thuận lợi, có khó khăn, trở ngại gì để đưa ra định hướng phát triển sát với thực tiễn.

Hơn nữa, đi cơ sở tôi hiểu về đời sống của bà con, phong tục tập quán, thói quen canh tác, bản sắc văn hóa, kể cả những hủ tục lạc hậu để khi thiết kế chính sách bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, miền.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ biết nghị quyết, chính sách đi vào cuộc sống thế nào, có gì bất cập không để điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Đặc biệt, khi về với dân sẽ tạo nên sự gắn kết và củng cố lòng tin của người dân với lãnh đạo và chính quyền. Họ cảm thấy cán bộ không quan liêu, không xa rời dân, nhất là khi lãnh đạo có những lời hứa, cam kết và thực hiện đúng lời hứa thì tự nhiên lòng tin của người dân được nhân lên rất lớn.

- Trong quá trình "về với dân”, chắc hẳn ông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Kỷ niệm thì nhiều lắm. Tôi nhớ thời điểm tháng 7/2020, khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh, để làm kế hoạch đầu tư công cho nhiệm kỳ này cần đi khảo sát các huyện thị.

Lúc đó lên huyện Lục Yên, tuyến đường liên xã Tân Lĩnh – Minh Chuẩn dài 13km rất lầy lội, đi lại vô cùng khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ, nhiều khi các cháu học sinh phải nghỉ học, không đến trường được. Vì vậy bà con rất mong muốn và cá nhân tôi cũng thấy cần thiết phải đầu tư tuyến đường này, nhưng để nhanh, hiệu quả thì phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Lúc tôi về đó, bà con đứng đón 2 bên đường và kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư tuyến đường vì "bà con khổ quá rồi”. Tôi lắng nghe, trao đổi, chia sẻ và cũng nêu rõ quan điểm của tỉnh là do nguồn lực đầu tư có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn nên sẽ ưu tiên cho các dự án giải phóng mặt bằng thuận tiện. Nếu tuyến đường này, bà con 2 xã đồng thuận ủng hộ "giải phóng mặt bằng 0 đồng”, đường tới đâu, hiến đất tới đó để bàn giao mặt bằng cho nhà nước thì tôi cam kết ưu tiên bố trí nguồn vốn sớm nhất. Nghe vậy, bà con đồng ý giải phóng mặt bằng 0 đồng ngay.

Đúng 1 năm sau, khi tôi là Bí thư Tỉnh ủy trở lại dự khởi công tuyến đường đó và mời các hộ hiến nhiều đất lên để tuyên dương trao quà tặng của tỉnh, tuy giá trị món quà không lớn nhưng bà con rất phấn khởi.

Tôi nhắc lại đây là dự án tiêu biểu "giải phóng mặt bằng 0 đồng” và đề nghị các xã khác coi đó là một điển hình trong công tác dân vận, giải phóng mặt bằng để về triển khai nhân rộng.


Trong những lần đi cơ sở như vậy, không ít dịp người dân đón tôi ở dọc đường và nhiều bà con thẳng thắn chia sẻ với tôi "đường làm tới đâu là nhà tôi hiến đất tới đó”.

Có bà con phấn khởi làm thơ tặng bí thư nghe, có người tặng con dao đi rừng (một vật dụng rất quý với người dân tộc Tày và Nùng để thể hiện sự mạnh mẽ).



Mới đây, khi đi tiếp xúc cử tri, bà con lại mời tôi đi khảo sát 1 tuyến đường khác, tự động kẻ vạch ranh giới hiến đất trên tường rào, hoặc trước cửa nhà mình để làm đường với cam kết: "Nếu như hôm nay bí thư tuyên bố cho triển khai đầu tư tuyến đường này thì ngày mai bà con chúng tôi tháo dỡ, dịch rào, chặt cây hiến đất luôn”.

Có những huyện như Văn Yên sau đó khởi công tuyến đường đi qua trung tâm 4 xã, dài 22km cũng vận động bà con giải phóng mặt bằng 0 đồng. Đây là vùng trồng quế nên giá trị đất cao hơn các vùng khác nhưng có hộ cũng sẵn sàng hiến đất đồi quế với cả ngàn cây quế chưa đến kỳ thu hoạch, có người hiến 600m đất ở...

Bây giờ Yên Bái có phong trào giải phóng mặt bằng 0 đồng, rất hiệu quả. Từ huyện Lục Yên, đến nay mô hình này lan tỏa ra toàn tỉnh. Yên Bái có nhiều tuyến đường xã rộng thênh thang như quốc lộ nhờ vào mô hình này.



- Yên Bái là một tỉnh miền núi hay bị mưa lũ, sạt lở đất, lãnh đạo tỉnh Yên Bái nói chung và Bí thư Tỉnh uỷ nói riêng đã chia sẻ với bà con bị thiệt hại thế nào và làm gì để ngày càng hạn chế tổn thất?

Đấy cũng là một khó khăn, thách thức của tỉnh Yên Bái chúng tôi. Về đây hơn 6 năm tôi chứng kiến rất nhiều trận lũ lịch sử, để lại cho tôi sự xúc động lớn bởi nhiều kỷ niệm gắn bó với bà con.

Trong đó phải kể đến trận lũ lịch sử cuối tháng 7/2018 xảy ra ở bản Lùng, xã Phong Du Thượng, huyện Văn Yên - nơi bà con người Tày, người Dao, người Thái, người Mông sống quây quần, gắn bó từ bao đời.

Sau một trận lũ, nơi đây tan hoang thành một bãi đá, nhà cửa sập trôi hết, rất may là không ai thương vong. Lúc đó, có anh Ngô Văn Minh – người đồng bào Tày cũng là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn đã gương mẫu hiến 2.000m đất trồng ngô để làm khu tái định cư cho bà con và vận động bà con xung quanh cùng hiến đất.

Có đất rồi, tôi về Thủ đô vận động Hội Chữ thập đỏ Hà Nội hỗ trợ cho bà con 1,5 tỷ đồng xây 50 căn nhà, mỗi căn 30 triệu đồng (cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh và của cộng đồng khoảng 40-50 triệu đồng) cho bà con xây nhà tái định cư. Đồng thời vận động doanh nghiệp đến hỗ trợ san mặt bằng.

Sau 1 tháng đã giải phóng, san tạo mặt bằng được 68 nền đất, trong đó tặng lại cho 17 hộ hiến đất mỗi hộ 1 nền, còn lại 51 nền bàn giao cho bà con mất nhà để xây nhà tái định cư. Sau 4 tháng đã hoàn thành xây dựng nhà tái định cư cả bản.



Đặc biệt, ngày 17/11/2021 tôi trở lại bản Lùng dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân thì thật bất ngờ, nơi đây đã trở thành thôn nông thôn mới rất tươi đẹp. Một sự hồi sinh kỳ diệu sau thiên tai bão lũ, không ai còn nhận ra bãi đá trơ trụi của năm trước giờ trở thành nơi trù phú, con đường đi giữa bản là đường bê tông 2 bên trồng hoa, rất xinh đẹp và đầm ấm.

Tận mắt chứng kiến sự hồi sinh của bản Lùng, khi lên phát biểu tôi rất xúc động và cũng rất bất ngờ khi được bà con tặng 1 chiếc áo của đồng bào Tày. Mặc chiếc áo của đồng bào, tôi cùng bà con ăn cơm, vui chơi, múa hát rất xúc động.

Đó cũng là sự kết tinh, hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân. Cấp ủy, chính quyền nỗ lực quan tâm chăm lo cho người dân và người dân thì đồng tình, ủng hộ cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng cuộc sống mới.

Tôi nhớ mãi một câu người dân ở đó chia sẻ rất chân tình: "Cha ông chúng tôi đã sinh sống, gắn bó nhiều đời với nơi này. Chúng tôi chỉ muốn được tái thiết lại cuộc sống trên chính mảnh đất, quê hương mình, không muốn phải di dời đi chỗ khác”.

Đấy là một trong những thành quả khắc sâu trong tôi khi ở Yên Bái, những ngày đi trong lũ cùng bà con vượt qua bao nhiêu khó khăn và quay trở lại để thấy sự hồi sinh ngoài sức tưởng tượng.

- Khi nghe những câu chuyện gắn bó với dân, với đồng bào ở Yên Bái, chắc hẳn không ai còn nghĩ ông là "bí thư không phải người địa phương”. Vậy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy của hơn 6 năm trước với Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy bây giờ có gì khác biệt thưa ông?

Nếu nói sự khác biệt thì tôi dùng từ "mình trưởng thành hơn”. Đúng là tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Trước đây khi làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì tôi có tư duy quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô và cũng hiểu sâu sắc về ngành, nhưng đến nay sau hơn 6 năm về làm Chủ tịch rồi Bí thư Yên Bái thì rõ ràng tôi học thêm được rất nhiều điều từ thực tiễn công tác.

Thứ nhất, về kiến thức kinh tế, xã hội, dưới góc độ xây dựng và phát triển một địa phương, về bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số,… tôi không thể tưởng tượng sau từng ấy năm mình đã tích lũy được nhiều kiến thức như thế. Chính bản thân mình cũng bất ngờ về điều này, cứ tự nhiên mọi thứ ngấm vào trong người mình.

Thứ hai, về công tác tại địa phương còn giúp cho tôi hoàn thiện tư duy và tầm nhìn trong vai trò lãnh đạo, quản lý. Từ kiến thức được bổ sung nhiều, tư duy của mình cũng khác đi, có những sự đổi mới, phải sát với thực tiễn, linh hoạt với từng thời điểm, từng giai đoạn, với trình độ phát triển của mỗi địa phương, vùng miền. Tầm nhìn khi đưa ra các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo cũng khác xa rất nhiều, dài hạn hơn, toàn diện hơn.



Tôi vẫn hay nói "Yên Bái bây giờ biết là mình đang đứng ở đâu trong không gian phát triển của vùng, của quốc gia”. Mình định vị được mình, có cái gì, thiếu cái gì, hướng tới đâu và làm thế nào mình đạt được mục tiêu đó. Rõ ràng tầm nhìn của mình sâu sắc, toàn diện và dài hạn hơn.

Khi mình thấu hiểu với bà con nhân dân, với địa phương thì các quyết định của mình chính xác hơn, khả thi hơn, bao trùm hơn.

Ở đây có tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, và nhất là bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Đối với cá nhân tôi coi đấy là nguồn tài nguyên, tài sản vốn quý để trong các chính sách phát triển Yên Bái phải luôn luôn đồng thời với bảo tồn, phát huy giá trị các nguồn tài nguyên quý giá này, và người dân phải được thụ hưởng xứng đáng thành quả của sự phát triển đó. Cho nên tại sao Yên Bái đưa ra triết lý phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” là như vậy…

- Từ những gì ông nói có thể thấy chủ trương "bí thư không là người địa phương” giống như một trường đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý?

Chính xác. Đây là một trường học để đào tạo cán bộ và quan trọng nhất trong môi trường đào tạo đó, hiệu quả đạt được phụ thuộc rất nhiều vào người học lựa chọn cho mình phương pháp như thế nào trong lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như trong tiếp cận thực tiễn.

Qua đây tôi hiểu thêm về bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả trên nhiều mặt, vẫn còn bộ phận bà con còn nghèo, nhưng ngược lại bà con luôn luôn tin yêu theo Đảng, vẫn tin tưởng vào sự quản lý, điều hành của chính quyền.

Trên thực tế, có việc này, việc khác hoặc là mình làm chưa hết trách nhiệm, hoặc là mình làm chưa đúng cách, hoặc chủ trương chính sách mình đưa ra chưa thật sự phù hợp và đương nhiên cũng có cả những nguyên nhân khách quan từ những khó khăn nội tại của một địa phương miền núi, ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc. Nhưng qua đó cũng giúp cho tôi có thêm bài học kinh nghiệm và động lực để nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn để đạt được kết quả tốt hơn trong công tác.

Qua thời gian như thế, dù tôi có tiếp tục đảm nhiệm chức trách hiện tại hay do sự phân công của tổ chức có thể chuyển sang làm công việc khác, nhưng chắc chắn những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian công tác tại địa phương sẽ giúp tôi rất nhiều cho quá trình công tác tiếp theo của mình.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 21/11, các đại biểu sẽ nghe báo cáo và tiến hành thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức tốt Diễn tập khu vực phòng thủ năm 2023.

Thực hiện Quyết định 238 của Ban Bí thư Trung ương, nhiều nội dung phối hợp đã được triển khai thực hiện có hiệu quả như phối hợp tuyên truyền về sắp xếp tổ chức, bộ máy một số cơ quan, đơn vị; tuyên truyền Luật An ninh mạng; tuyên truyền chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; công tác xây dựng nông thôn mới...

Ông Bùi Hoàng Phương - Ảnh: Bộ TT-TT

Ngày 20-11, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ nhiệm ông Bùi Hoàng Phương, sinh năm 1983, làm thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái, chiều nay – 20/11, ngài Hagiwara Seiji - Thị trưởng thành phố Mimasaka (Nhật Bản) cùng đoàn công tác đã tới chào xã giao lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Tiếp đoàn có đồng chí Đỗ Đức Duy – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục