Để làm tốt công tác đối thoại nhân dân trong tình hình mới, Đảng bộ tỉnh xác định việc tổ chức thực hiện phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức nhân dân cụ thể hóa các quan điểm, chỉ đạo về công tác đối ngoại nhân dân phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối đối ngoại trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh.
Cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị bám sát nhiệm vụ tại Chỉ thị số 12-CT/TW, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương đề triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 đảm bảo cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Từ đó, đẩy mạnh công tác tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị trong toàn đảng bộ nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất hành động trong thực hiện ba trụ cột đối ngoại của tỉnh gồm: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ đó, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ đất nước, truyền thống văn hóa, con người Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Yên Bái nói riêng.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao tặng ngài Hayashi Motoo – Phó Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam cuốn sách ảnh "Đất và người Yên Bái”.
Tỉnh cũng xác định đổi mới tư duy, nội dung và phương thức hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm "Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện của Tỉnh ủy, sự quản lý tập trung, hiệu quả của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ba trụ cột đối ngoại và giữa các tổ chức nhân dân với vai trò nòng cốt của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh.
Nhờ vậy, thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa sẽ giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa độc đáo, hình ảnh con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” tới đông đảo bạn bè quốc tế; thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt trên các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo...
Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế, Yên Bái đã duy trì và phát huy mối quan hệ hợp tác truyền thống với các địa phương nước ngoài như: tỉnh Val-de-Marne (Cộng hòa Pháp), tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Xay Nha Bu Ly (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), tỉnh Vân Nam (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), thành phố Mimasaka (Nhật Bản); tiếp tục thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài có điều kiện tương đồng để hợp tác về kinh tế, thương mại đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục, tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác giao lưu nhân dân trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế...
Tỉnh Yên Bái phát huy mối quan hệ hợp tác truyền thống với tỉnh Val-de-Marne (Cộng hòa Pháp)
Tỉnh cũng mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế để thu hút nguồn tài trợ phi chính phủ nước ngoài phục vụ cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giảm nghèo và các chương trình an sinh xã hội khác trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò của Hội hữu nghị Việt - Pháp, Việt - Lào, Việt - Trung của tỉnh trong tổ chức các hoạt động vì hòa bình, hợp tác, đoàn kết, hữu nghị...
Cụ thể như trong thu hút các nguồn lực đầu tư, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thu hút các nguồn lực đầu tư tại địa phương; ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề cho thu hút các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng nhiều lao động và có các biện pháp tích cực về xử lý chất thải công nghiệp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường; thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, như chế biến nông, lâm sản; dịch vụ, văn hóa - xã hội; phát triển du lịch...
Từ đó hoạt động của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện có 53 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang triển khai hoạt động, với tổng vốn đăng ký đạt 497 triệu USD, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp; khoáng sản và công nghiệp dệt may... Số đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI là 4.637 lao động.
Trong quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản, Yên Bái hiện có 3 dự án đang triển khai hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 100 triệu USD. Cụ thể như: Dự án đầu tư chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao với tổng số vốn trên 78 triệu USD; Dự án xây dựng nhà máy chế biến măng Yamazaki Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,3 triệu USD; Dự án
nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái với tổng vốn đăng ký trên 20 triệu USD... Tình hình xuất nhập khẩu của Yên Bái với thị trường Nhật Bản tính đến 6 tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu đạt 53 triệu USD; giá trị xuất khẩu đạt 10 triệu USD.
Trong quan hệ hợp tác cấp địa phương, tỉnh Yên Bái đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với thành phố Mimasaka, tỉnh Okayama, Nhật Bản từ tháng 11/2019. Thỏa thuận đã tạo điều kiện cho hai địa phương cùng nhau thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chuyển giao, hỗ trợ phát triển công nghệ từ phía thành phố Mimasaka cho các tổ chức, doanh nghiệp tại tỉnh Yên Bái và phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng của tỉnh.
Dù mới chính thức thiết lập quan hệ hợp tác những mối quan hệ giữa hai địa phương đã và đang được triển khai trên một số lĩnh vực như hỗ trợ trong lĩnh vực phòng, chống đại dịch Covid-19; tổ chức hoạt động triển lãm giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương trong khuôn khổ tuần lễ kỷ niệm 5 năm thành lập "Hiệp hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Mimasaka”...
Đoàn công tác thành phố Mimasaka (Nhật Bản) và lãnh đạo tỉnh Yên Bái tham quan và tìm hiểu quy mô, quá trình vận hành, chăm sóc thỏ tại Công ty TNHH Nippon Zoki.
Yên Bái cũng tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/03/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/05/2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 - 2026.
Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về người Yên Bái đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, hỗ trợ, tuyên truyền, vận động, thu hút người Yên Bái ở nước ngoài về đầu tư, xây dựng quê hương, đất nước, qua đó tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương.
Cùng với đó, tỉnh sẽ đổi mới nội dung và phương thức thông tin đối ngoại, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin tuyên truyền trong công tác thông tin đối ngoại; chú trọng đến việc phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, nhất là
Nghệ thuật xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải và Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến với nhân dân và bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bái, thu hút phát triển du lịch...
Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu về đối ngoại nhân dân và xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Chăm lo xây dựng, đầu tư nguồn lực tài chính và con người cho công tác đối ngoại nói chung và công tác đối ngoại nhân dân nói riêng.
Triển khai thực hiện tốt các nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TU của Tỉnh ủy và các đề án, chính sách phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đề xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại chuyên nghiệp, ổn định, có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, có phẩm chất và đạo đức cách mạng, tâm huyết, có năng lực chuyên môn, ngoại ngữ giỏi và các kỹ năng đối ngoại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; to điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tham gia các lớp đào tạo, tập huấn trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực công tác đối ngoại.
Văn Dương