Nhà hoạt động chính trị và quân sự lỗi lạc
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sớm có tinh thần yêu nước, thương dân. Năm 1934, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia hoạt động cách mạng; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1937. Sau đó, đồng chí được chỉ định tham gia Tỉnh ủy lâm thời, đầu năm 1938 được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Đồng chí nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, bị địch tra tấn nhưng vẫn luôn kiên định tìm cách vượt ngục ra ngoài hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng.
Tháng 8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào đã bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Ủy viên Trung ương chính thức và Trung ương chỉ định đồng chí làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Trong những năm 1947-1948, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên và Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên. Từ năm 1948 đến 1950, đồng chí là Bí thư Liên khu ủy Liên khu IV. Năm 1950, đồng chí được Đảng điều động vào quân đội và giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Phó Bí thư Tổng Quân ủy.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Đại tướng. Cuối năm 1960, đồng chí được phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Cuối năm 1964, đồng chí được điều vào miền Nam giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Giữa năm 1967, đồng chí ra miền Bắc báo cáo với Bác Hồ và Trung ương Đảng tình hình chiến sự miền Nam và đột ngột từ trần sau một cơn đau tim nặng, vào ngày 6-7-1967, tại Hà Nội.
Với 53 tuổi đời, hơn 30 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là chiến sĩ cộng sản kiên cường, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng của Đảng, một nhà hoạt động chính trị và quân sự lỗi lạc, một nhà chỉ huy mưu lược, tài trí dũng cảm và kiên quyết của lực lượng vũ trang nhân dân.
Đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam
Vinh dự được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chí Thanh (vào năm 1945), cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những đóng góp xuất sắc trên nhiều lĩnh vực cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Từ một đảng viên, đồng chí đã trưởng thành mau chóng, được Đảng tin tưởng giao cho những trọng trách nặng nề và đã hoàn thành xuất sắc mọi cương vị công tác. Đồng chí đã tỏ rõ là tấm gương sáng ngời về tinh thần tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; có bản lĩnh cách mạng, tài năng, trí tuệ và phẩm chất kiên định của người lãnh đạo cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn có tầm nhìn chiến lược quân sự nhạy bén, tư tưởng quyết chiến và phương châm tác chiến, xây dựng "thế trận lòng dân” và kết hợp các hình thức đấu tranh, phát huy nghệ thuật quân sự với "chiến tranh du kích”,… Sớm phát hiện đế quốc Mỹ chuyển hướng chiến lược, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương lãnh đạo kịp thời nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng miền Bắc, giữ vững công cuộc xây dựng Thủ đô Hà Nội và các địa phương, đồng thời đẩy mạnh chi viện cho miền Nam, bố trí lực lượng tác chiến mạnh mẽ trên các mặt trận, chỉ đạo phản công hai chiến lược mùa khô, buộc Mỹ lui vào phòng ngự, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo đà có lợi cho đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Bên cạnh cuộc đời binh nghiệp mưu lược, tài trí dũng cảm, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp kiểm tra, chú ý lắng nghe bà con nông dân, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong nông nghiệp, nghiên cứu và tổng kết nhiều mô hình hợp tác xã tại Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ). Những quan tâm chỉ đạo sâu sát của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đối với ngành Nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp đạt năng suất và hiệu quả cao. Các mô hình hợp tác xã được đồng chí tổng kết, rút kinh nghiệm và mở rộng ở nhiều nơi, tạo phong trào lớn, góp phần xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Hiện nay, tiểu sử và quá trình hoạt động của đồng chí được lưu giữ tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và thế hệ trẻ người Việt Nam học tập và noi theo.
(Theo HNMO)