8 cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/1/2024 | 11:09:07 AM

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 16/1/2024, Quốc hội thảo luận ở Tổ và tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng chí Đỗ Đức Duy – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (hàng thứ 2, bìa trái) dự phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 15/1. Hàng trước là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.  Ảnh: Trí Dũng (TTXVN)
Đồng chí Đỗ Đức Duy – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (hàng thứ 2, bìa trái) dự phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 15/1. Hàng trước là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh: Trí Dũng (TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành... 

Nội dung cơ bản của 8 cơ chế đặc thù tại Điều 4, cụ thể như: Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; Về cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất.; Về cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa; Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...


Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Trong đó, về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ông Hồ Đức Phớc cho biết: Trên cơ sở rà soát quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành và xét tính đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với đối tượng chính sách, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các quy định khác có liên quan. Trong đó, đề xuất 2 phương án như sau:

Phương án 1: Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Chính phủ đề xuất quy định các nội dung cơ chế như sau:

Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân.

Thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất (không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Cơ chế đề xuất tại Phương án 1 có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, không phải ban hành các quy định chi tiết và cơ bản bám sát giải pháp đề xuất tại Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, việc xác định mức giá trị tài sản để thực hiện chính sách hỗ trợ mới dựa trên cơ sở tham khảo mức giá trị tài sản theo quy định về xác định tài sản có giá trị lớn của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương ban hành theo phân cấp.

Phương án 2: Đề xuất nội dung chính sách đặc thù như phương án tại Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể:

Chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản.

Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án ngay từ khi phê duyệt dự án.

Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước. 

Trong đó, Chủ dự án phát triển sản xuất (là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) liên kết theo chuỗi giá trị có thể nộp lại ngân sách nhà nước phần giá trị còn lại của tài sản hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để được tiếp nhận quyền sở hữu tài sản.

Đối với tài sản đã giao cộng đồng người dân sử dụng, cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định giao những tài sản để này hỗ trợ cho người dân tiếp tục thực hiện phát triển sản xuất (tài sản đã chuyển giao không là tài sản công).

Theo ông Hồ Đức Phớc, cơ chế đề xuất như tại Phương án 2 đảm bảo tính chặt chẽ, hạn chế tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công, hạn chế thất thoát ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều nhân lực, nguồn lực để quản lý tài sản và phải có hướng dẫn của Chính phủ mới tổ chức thực hiện được. Hiện tại, Chính phủ chưa xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc xác định tài sản giá trị nhỏ và quy trình xử lý tài sản. Do vậy chưa đáp ứng yêu cầu tại Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm

Thẩm tra dự thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Dự thảo Chính phủ đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 2, cơ bản vẫn giữ nguyên như dự thảo ban đầu trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn theo hướng của phương án 1. Vì phương án này kế thừa được kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án cộng đồng của Chương trình 135 trước đây. Tuy nhiên, cần phải có nghiệm thu trước khi giao cho cộng đồng, chủ trì liên kết quản lý.

Tại điểm b, Chính phủ nghiên cứu ở những vùng đặc biệt khó khăn, đối với các tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho không 20%, giá trị tài sản còn lại là vốn của chủ trì liên kết hoặc được hưởng vay tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, HĐDT thấy rằng chính sách này có thể giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về nội dung chính sách này, vì các quy định hiện hành cũng như dự thảo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chưa rõ ràng. Vì vậy cân nhắc, nếu không quy định chặt chẽ sẽ dẫn đến thất thoát, lãng phí, sinh ra trục lợi chính sách.

(Theo Phụ nữ Việt Nam)

Các tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời sân bay Nội Bài lên đường tham dự WEF Davos 2024 tại Thụy Sĩ, thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 đến 23-1-2024.

Rạng sáng 16-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania.

Toàn cảnh Hội nghị.

Chiều 15/1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự, chỉ đạo Hội nghị.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ 35 cấp tỉnh gợi ý thảo luận.

Sáng 15/1, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 35 cấp tỉnh và BCĐ công tác thông tin đối ngoại tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp.

Sáng 15-1, Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục