Yên Bái dự Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết Kỳ họp thứ 6 và 5 của Quốc hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/3/2024 | 10:50:22 AM

YênBái - Sáng nay - 7.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương...

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Quỳnh Khánh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Hội nghị này để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân giám sát, theo dõi, đánh giá việc thực hiện các luật, nghị quyết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Hội nghị sẽ tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu của 9 luật và 10 nghị quyết, trong đó quy định những nội dung rất quan trọng về đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; viễn thông; các tổ chức tín dụng; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; về căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; tài nguyên nước; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn... nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn.

Đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Các luật đã được Quốc hội thông qua đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, không phân biệt, đối xử giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, giữa các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Các luật đã được Quốc hội thông qua đáp ứng kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng XHCN, bổ sung các quy định để nội luật hóa các điều ước quốc tế, bảo đảm phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong các hoạt động có liên quan, đáp ứng yêu cầu chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo đúng chủ trương của Đảng.

Các luật và nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua được dư luận xã hội đánh giá cao, trong đó có nhiều ý kiến của chuyên gia, các doanh nghiệp và tầng lớp Nhân dân đánh giá cao cả quá trình, cách thức hoàn chỉnh dự thảo, thời điểm trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua. Các nội dung của các luật bước đầu nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, nhất là đối với những vấn đề trọng tâm, những quy định mới. 

Đồng thời, dư luận xã hội cũng kỳ vọng các quy định này sẽ được các cơ quan triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Điều rất quan trọng tiếp theo là việc tổ chức triển khai cần phải được tiến hành rất khẩn trương, đồng bộ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đưa các quy định mới của luật đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng trong cuộc sống.

Trình bày báo cáo tóm tắt của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, sau khi kết thúc các Kỳ họp của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. 

Ở một số địa phương cũng đã và đang nghiên cứu để ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết, trong đó dự kiến phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện sâu rộng đến Nhân dân tại cơ sở.

Về phổ biến các luật, nghị quyết mới được ban hành, đa số các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024. 

Bên cạnh đó, đã có 27/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức các hội nghị tập huấn, biên soạn tài liệu phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát và một số nội dung thuộc trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các luật, nghị quyết.

Đức Toàn



Các tin khác
Ông Lê Thanh Hải.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 và các cá nhân: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thăm cây vải Đình Trung thuộc Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến khu Vần, xã Việt Hồng.

Sau khi giám sát tại huyện Văn Yên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn đã có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa giai đoạn 2010 - 2023 trên địa bàn huyện Trấn Yên.

Ngày 8/5, Đoàn công tác của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam do bà Leigh McCumber – Tham tán Chính trị, Thông tin và Văn hoá, kiêm Giám đốc Chương trình Quỹ Sáng kiến Canada dành cho địa phương, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam làm Trưởng đoàn đến thăm, chào xã giao lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) được tổ chức trọng thể tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục