Thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã: Ba vấn đề cần quan tâm làm tốt

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/3/2024 | 7:35:23 AM

YênBái - Thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kết luận số 48 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện một cách bài bản, đúng quy định và hết sức thận trọng nhằm xây dựng bộ máy chính quyền từ cấp huyện đến cấp thôn, bản, tổ dân phố hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là nhằm tinh giảm bộ máy hành chính phù hợp trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết.

Xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trước khi sáp nhập.
Xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trước khi sáp nhập.

Theo Bộ Nội vụ, năm 2024, tập trung chỉ đạo sáp nhập 50 huyện, 1.243 xã trong cả nước. Tại Yên Bái, giai đoạn I đã sáp nhập 14 đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, huyện Văn Yên sáp nhập xã Hoàng Thắng vào xã Xuân Ái để thành lập xã Xuân Ái; sáp nhập xã Yên Hưng vào xã Yên Thái với tên gọi mới là Yên Thái. Huyện Trấn Yên sáp nhập xã Minh Tiến vào xã Y Can với tên gọi xã mới là Y Can. Huyện Yên Bình sáp nhập xã Tích Cốc vào xã Cảm Nhân với tên mới Cảm Nhân; sáp nhập xã Văn Lãng vào xã Phú Thịnh, tên gọi xã mới là Phú Thịnh. 

Thành phố Yên Bái sáp nhập xã Văn Phú vào xã Văn Tiến, tên gọi xã mới là Văn Tiến; sáp nhập xã Phúc Lộc vào xã Giới Phiên với tên gọi mới là Giới Phiên. Năm 2024, ngay từ những ngày đầu của năm, các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện sáp nhập theo đúng tinh thần các văn bản của Trung ương, Bộ Nội vụ và của tỉnh. Quá trình sắp xếp, sáp nhập, xác định cần tập trung giải quyết một số nội dung.

Một là, giải quyết đội ngũ cán bộ dôi dư, đây là vấn đề khá nhạy cảm, liên quan đến chính sách cán bộ, quyền lợi chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những vị trí lãnh đạo chủ chốt. Vấn đề đặt ra là lãnh đạo hai xã sáp nhập đều tương đương về độ tuổi, trình độ chuyên môn, trình độ lý  luận chính trị và năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức sẽ giải quyết ra sao? Ban Tổ chức Tỉnh ủy, ban tổ chức cấp ủy cấp huyện đã chủ động tham mưu, chỉ đạo để giải quyết việc sắp xếp đội ngũ cán bộ địa phương sau sáp nhập. Thực tiễn cho thấy, tại 14 xã đã sáp nhập thành công và các xã, phường đang triển khai sáp nhập hiện nay, đội ngũ cán bộ đều nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân khi địa phương thuộc diện sáp nhập; nghiêm túc chấp hành sự phân công của tổ chức. 

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phạm Thăng Long - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và đồng chí Lê Thị Chung - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đều thống nhất: "Cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện. Về nghỉ chế độ sớm khi chưa đến tuổi, đồng nghĩa với việc bảo hiểm xã hội sẽ giảm phần trăm lương hưu nhưng chúng tôi sẽ vẫn vui và tự hào khi đã góp sức mình đưa Nga Quán trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu”. 

Nhiều cán bộ xã sau sáp nhập phải chuyển sang địa phương khác hoặc phải đảm nhiệm công việc mới nhưng đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình sau khi đã xác định rõ được tư tưởng.

Hai là, về tên gọi mới sau sáp nhập. Theo hướng dẫn và chủ trương chung, xã nào không có lợi thế hơn quy mô về dân số, diện tích, lịch sử truyền thống thì giải thể để sáp nhập vào xã có lợi thế hơn. Ví dụ, xã Minh Tiến sáp nhập vào xã Y Can, tên xã mới là Y Can; xã Hoàng Thắng sáp nhập vào xã Xuân Ái, tên xã mới là Xuân Ái… 

Trong thực tế, lại có những địa phương khá tương đồng về dân số, diện tích, lịch sử truyền thống văn hóa… nên đã đặt ra nhiều tranh luận trong nội bộ nhân dân, trên các nền tảng mạng xã hội và cả trong các cuộc thảo luận do cấp ủy, chính quyền tổ chức. Về xã Nga Quán, trước khi sáp nhập với xã Cường Thịnh, rất nhiều người bày tỏ tâm tư khi tên gọi Nga Quán sẽ mất đi, dù họ luôn ủng hộ chủ trương chung của Đảng.

Người dân tâm tư, suy nghĩ khi tên gọi xã nhà, quê hương bản quán, được ghi trong giấy khai sinh, căn cước công dân… từ nay không còn. Trước đây, nhiều người khó hình dung tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội sẽ ra sao khi Hà Tây là địa phương rất phát triển về kinh tế - xã hội, là tỉnh giàu truyền thống, bản sắc văn hóa. 

Ở góc độ cá nhân, có ý kiến cho rằng việc lấy tên gọi mới cũng không nên quá máy móc và đưa ra ví dụ: xã Nga Quán và xã Cường Thịnh sáp nhập có thể lấy tên gọi mới xã Phạm Hồng Thái (Phạm Hồng Thái là hợp tác xã, gồm 11 xã của huyện Trấn Yên từ những năm kháng chiến mà chủ nhiệm HTX là đồng chí Dương Thị Nhiệm - nữ đảng viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Yên Bái). Xã Việt Thành sáp nhập với Đào Thịnh, có thể lấy tên mới là xã Đào Thịnh vì Đào Thịnh là vùng quê có lịch sử truyền thống hơn, nơi đây có thạp đồng Đào Thịnh, một trong những cổ vật đồ đồng có giá trị lớn của dân tộc Việt Nam.

Ba là, quản lý sử dụng tài sản, cơ sở vật chất sau sáp nhập. Các địa phương cần lựa chọn trụ sở sau sáp nhập ở vị trí trung tâm, có diện tích lớn, đã hoàn thiện các hạng mục, thiết chế như trụ sở, nhà văn hóa, sân vận động; vị trí đặt trụ sở không nên nhất nhất phải ở xã được sáp nhập. 

Đồng thời, tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cần có phương án xử lý tài sản sau sáp nhập, đặc biệt là trụ sở các xã, phường, tránh tình trạng không ai quản lý, sử dụng để công trình xuống cấp, gây lãng phí. Đặc biệt là một nguồn lực rất lớn vừa đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó trụ sở, văn phòng, nhà làm việc… vừa được đầu tư. 

Sắp xếp, sáp nhập là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, là việc làm cần thiết và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và xu thế phát triển hiện nay. 

Yêu cầu đặt ra là sắp xếp, sáp nhập phải được làm thận trọng, thực hiện một cách bài bản, công tâm. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động cần được quan tâm, chú trọng, thực hiện kỹ càng, để mỗi người dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng thấy được trách nhiệm của mình, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của bản thân, của làng xã, quê hương mình, góp phần thiết thực xây dựng bộ máy công quyền tinh gọn hơn, hiệu lực hơn, hiệu quả hơn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế giàu mạnh hơn, xã hội phát triển, văn minh hơn.

Lê Phiên

Tags sáp nhập hành chính cấp xã cần giải quyết

Các tin khác
Quang cảnh buổi làm việc.

Chiều nay – 25/3, thành phố Yên Bái đã có buổi làm việc, toạ đàm gặp gỡ, giao lưu hữu nghị với đoàn đại biểu huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị

Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tinh thần và hành động như trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo; tạo đột phá để phát triển.

Yên Bái dự các phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội/ Yên Bái và Viettel tăng cường Thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số/ Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy kiểm tra các công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ/ Phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân/ Yên Bái xuất sắc đoạt hai giải Nhì Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học/ Yên Bái tiết kiệm khoảng 30.000 Kwh điện trong Chiến dịch Giờ trái đất 2024... là những tin tức thời sự nổi bật trong tỉnh tuần qua.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy và đoàn công tác kiểm tra Dự án công viên cây xanh xã Nghĩa Lợi.

Sáng 24/3, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra các công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và thị xã Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục