Để đáp ứng yêu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam nói riêng và cách mạng 3 nước Đông Dương nói chung trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện chủ trương hết sức sáng tạo của Đảng, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ra đời đúng vào ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1959. Tổng Quân ủy Trung ương – sau này là Quân ủy Trung ương, giao cho Đoàn 559 thực hiện nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng chiến lược quân sự cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.
Từng sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn từ năm 1961 đến năm 1979, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, chiến sỹ của Đoàn 559, luôn tự hào khi được Đảng, Bác Hồ và quân đội giao nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong ký tức của ông Hoàng Anh Tuấn, sự quan tâm đó là động lực để bộ đội Trường Sơn sẵn sàng hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho đất nước.
"Các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước, đặc biệt là Bác Hồ và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường xuyên quan tâm. Khi mới thành lập, Bác Hồ đã mời đồng chí Võ Bẩm, đoàn trưởng đầu tiên của chúng tôi đến để động viên và giao nhiệm vụ cụ thể, Tết đến Bác gửi lẵng hoa, sau đó là cả Bác Tôn Đức Thắng nữa. Sự động viên của Bác đối với Bộ đội Trường Sơn không có gì tả được. Cho nên đã có nhạc sỹ sáng tác bài hát "Luôn luôn nhớ đến Bác Hồ trên tuyến đường Trường Sơn”. Bác đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập.” Câu đó chúng tôi luôn luôn ghi trong lòng và trái tim của mình”, ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Khi mới thành lập, Đoàn có 500 chiến sỹ, sau 9 năm, Đoàn đã tăng lên 8 vạn người, sự phát triển của Đoàn 559 gắn liền với sự phát triển của tuyến đường Hồ Chí Minh. Mặc cho kẻ thù đánh phá hủy diệt hòng cắt đứt tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam, người này ngã xuống, người khác đứng lên.
Nhớ lại 7 năm sống, chiến đấu và bám trụ trên tuyến đường Trường Sơn từ năm 1970 đến năm 1976, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên là bộ đội công binh Trường Sơn cho biết, dù bị đạn bom cày xới trên từng tấc đất Trường Sơn thì các con đường vẫn được sửa chữa, mở thêm nhiều nhánh, nối liền từ miền Bắc vào tới các căn cứ miền Nam.
"Mỹ rải xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn trên tổng số 7 triệu tấn trên toàn chiến trường Đông Dương. Đánh ở đâu? Chủ yếu đánh cầu đường với 21.000 km đường. Mỹ đã tập trung đánh phá xuống các trọng điểm vô cùng ác liệt, chọn những chỗ nào là đồi núi, khe suối, chúng đánh, tạo thành tắc đường. Tất cả các con đường vào Nam đều phải qua đường 9, chúng đánh không còn một ngọn cỏ, cành cây. Toàn bộ bãi dài 5km, rộng 3 cây số chỉ còn trơ gốc cây cột cháy. Bộ đội của mình phải bám trụ, khi Mỹ ngừng bắn phá thì ra thông đường cho xe chạy. Công binh là lực lượng rất khó khăn, gian khổ "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, muốn xe chạy được phải bám cầu bám đường nên công binh là hy sinh lớn nhất ở Trường Sơn”, Thiếu tướng Hoàng Kiền cho hay.
Trong mùa khô 1960 - 1961, Đoàn 559 đã vận chuyển giao cho chiến trường được 30 tấn vũ khí, bảo đảm lương thực cho gần 2.000 cán bộ vào chiến trường, có chân hàng dự trữ cho các đợt vận chuyển tiếp theo. Từ tuyến đường phục vụ vận chuyển thô sơ đã trở thành tuyến đường cơ giới, đáp ứng yêu cầu tiếp viện ngày càng nóng bỏng của tiền tuyền lớn miền Nam, của chiến trường Lào và Campuchia. Tháng 5/1965, máy bay địch tăng cường tần suất đánh phá hòng cắt đứt hệ thống vận chuyển cơ giới và gây những thiệt hại nặng về người, phương tiện, hàng hóa. Trên con đường huyết mạch ấy, chiến sỹ đã bất chấp hiểm nguy chi viện người, vũ khí cho chiến trường miền Nam.
Chiến sỹ lái xe năm xưa Lê Hồng Huân nhớ lại: "Trong suốt tuyến đường hầu như đêm nào cũng có xe bị cháy, người bị thương, hy sinh. Đội hình của chúng tôi, tiểu đội 4 người cũng có khi bị cháy xe, nhưng những đồng chí còn lại, chúng tôi vận chuyển không ảnh hưởng gì cả, chạy suốt ngày, suốt đêm. Trên cả dọc đường địch đánh phá, nhưng anh em không nao núng, chỉ có hoàn thành nhiệm vụ, yêu xe như con, quý xăng như máu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Bằng nỗ lực phi thường, từ những lối mòn sơ khai men theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, các lực lượng đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh ngày càng hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 17.000 km, gồm 5 trục dọc và 21 trục ngang nối với các địa bàn chiến lược, các quân khu, đường ống dẫn xăng dầu... Trong suốt 16 năm xây dựng và phát triển (1959-1975), hệ thống tuyến giao thông Trường Sơn không những là tuyến vận tải quan trọng mà còn là căn cứ hậu phương trực tiếp và mặt trận chiến đấu ác liệt, phối hợp với các chiến trường để tiêu diệt quân thù.
Đại tá Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng về chính trị Cục Xăng dầu chia sẻ, để các đoàn xe an toàn vận chuyển hàng vào chiến trường miền Nam thì máu và mồ hôi của các lực lượng tham gia trên tuyến đường Trường Sơn không thể đong đếm được.
"Tháng 12/1972, tôi có tham gia một trận đánh trên Tây Trường Sơn, đang vận chuyển hàng vào Campuchia. Chúng tôi đi 15 xe thì cháy 14 xe, chỉ còn 1 xe để chở anh em. Khi đó bị thương nhiều, khi đó tôi phải bình tĩnh, động viên anh em vượt qua việc này, đảm bảo an toàn. Chiến sĩ Trường Sơn ở một địa bàn hết sức khó khăn mà kẻ địch dùng mọi loại bom đạn đánh phá rất ác liệt. Người chiến sĩ phải có ý chí kiên cường, phải có quyết tâm để mà bám trụ”, Đại tá Nguyễn Văn Ninh kể lại.
Trong chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào, Bộ đội Trường Sơn bắn rơi 346 máy bay, diệt trên 8.100 tên địch, bắt 1.160 tên, phá hủy 136 xe tăng, xe cơ giới và 86 khẩu pháo... Cuối năm 1972, Bộ đội Trường Sơn phối hợp với Bộ đội Pathet Lào mở chiến dịch tiến công giải phóng một vùng rộng lớn, mở rộng vùng căn cứ của ba nước Đông Dương... Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn có 6 sư đoàn binh chủng tham gia chiến đấu, và phục vụ chiến đấu. Các lực lượng ô tô chiến đấu của 2 sư đoàn Bộ đội trường Sơn đã trở thành lực lượng cơ động bộ binh cùng xe tăng, thiết giáp của các quân đoàn chủ lực đánh chiếm các sân bay: Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu VNCH và chiếm Dinh Độc lập ngày 30/4/1975, góp phần to lớn trong giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Trong cuộc tiến công nổi dậy năm 1975, để đáp ứng yêu cầu hành quân thần tốc với nhịp độ "1 ngày bằng 20 năm”, các sư đoàn ô tô vận tải 571 và 471 của Bộ đội Trường Sơn đã cùng với các binh đoàn bộ binh, công binh, thanh niên xung phong, tạo nên những cuộc hành quân thần tốc chưa từng có khiến kẻ địch trở tay không kịp.
Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam bồi hồi nhớ lại kỉ niệm không thể quên về một thời hoa lửa: "Chúng tôi xác định tư tưởng "Đánh địch mà đi, mở đường mà tới” và tư tưởng của bộ đội Trường Sơn là tất cả vì miền Nam ruột thịt nên huy động toàn bộ lực lượng. Thời kỳ từ năm 1965-1966, có thể nói hầu hết các tỉnh miền Bắc đều có lực lượng thanh niên xung phong tham gia giúp cho Trường Sơn. Sức mạnh của cả nước tập trung bảo đảm cho bộ đội Trường Sơn để làm được việc làm mở đường đánh địch và đưa vũ khí, trang thiết bị cơ động cho chiến trường miền Nam. Khi đánh giá kết quả, phải khẳng định một điều, "Bộ đội Trường Sơn đã làm nên những kỳ tích góp phần thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Với tinh thần "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, "Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, tất cả sự hy sinh, nỗ lực của các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn đã làm nên con đường huyền thoại với những chiến công hiển hách được ghi vào lịch sử như một kỳ tích, khẳng định sức mạnh, ý chí, quyết tâm và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
(Theo VOV)