Đối với Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, đại biểu Đỗ Đức Duy tham gia ý kiến vào quy định việc các sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Cụ thể đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc là có thể giao cho Chính phủ quy định.
Theo đại biểu nội dung này hiện nay còn có nhiều quan điểm và luồng ý kiến khác nhau, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện cái việc giải quyết hoàn thuế và xác định khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Lấy ví dụ đối với cát xây dựng, nếu không chế biến thì đó là cát xây dựng thông thường; nếu như nghiền đến một độ mịn nhất định thì có thể sản xuất làm kính xây dựng, giá trị gia tăng lên khoảng 4 lần. Nếu nghiền tới độ siêu mịn, có thể sản xuất các loại kính cường lực, rồi các cái kính siêu trắng để làm màn hình của điện thoại, máy tính bảng thì giá trị tăng lên khoảng 8 lần. Và cũng vẫn là sản phẩm đấy nếu nghiền đến mức siêu siêu mịn để có thể đưa vào làm sản phẩm bán dẫn thì giá trị tăng lên có thể từ 12 cho đến 20 lần.
Như vậy, bản chất vẫn là sản phẩm là cát xây dựng, tuy có nghiền mịn nhưng mà chưa thành sản phẩm khác, chưa thay đổi về tính chất cơ lý thì trong trường hợp này nếu mà đưa vào danh mục không áp dụng thuế giá trị gia tăng thì rất là thiệt thòi cho các doanh nghiệp.
Nêu thực tế quá trình công tác đã gặp những trường hợp như thế này và các cơ quan rất là lúng túng trong việc quyết định có áp thuế giá trị gia tăng với sản phẩm này hay không?, đại biểu Đỗ Đức Duy nêu ý kiến: "Tôi đề nghị là có quy định rõ hơn về nội dung này hoặc là giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo thực hiện thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện và cũng bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao”.
Cùng thảo luận về Luật thuế này, nêu việc Chính phủ trình Quốc hội quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón, đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị cân nhắc đề xuất trên của Chính phủ bởi những lý do cụ thể:
Thứ nhất, bản chất của thuế GTGT là thuế gián thu, có tính trung lập kinh tế cao, thể hiện ở 2 khía cạnh: (1) Thuế GTGT không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế. Do vậy, thuế GTGT không phải là yếu tố của chi phí sản xuất, mà chỉ đơn thuần là một khoản thu được cộng thêm vào giá bán của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
(2) Thuế GTGT không bị ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức và phân chia quá trình sản xuất kinh doanh, bởi tổng số thuế ở tất cả các giai đoạn luôn bằng số thuế tính trên giá bán ở giai đoạn cuối cùng bất kể số giai đoạn nhiều hay ít. Người tiêu dùng cuối cùng (ở đây là người nông dân, người sản xuất nông nghiệp) là đối tượng chịu thuế GTGT, nhưng người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước lại là đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai: Theo quy định của Luật giá, phân bón (phân đạm, phân DAP, phân NPK) là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá, do đó cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng.
Trong phát biểu, đại biểu nêu ý kiến về việc đánh giá tác động Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Đại biểu cho biết, trong trường hợp phân bón là sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào 5% (tương ứng với phần thuế GTGT đầu vào của nguyên liệu sản xuất, không tính vào chi phí sản xuất) có thể làm giảm giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên lại làm tăng 5% tiền thuế GTGT mà người tiêu dùng trực tiếp phải trả trên mỗi sản phẩm phân bón tiêu dùng. Điều này không đảm bảo sẽ không làm gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp đầu ra, do người nông dân vẫn phải tính toán giá thành sản xuất sản phẩm nông nghiệp trên tổng chi phí đã bỏ ra, không hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu cũng đã nêu đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan và cho rằng, việc đánh giá tác động trong trường hợp này cần có thêm thông tin về sản lượng phân bón tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Nếu sản xuất để xuất khẩu thì đánh giá tác động về kinh tế theo báo cáo hiện nay là phù hợp, vì lúc này thuế GTGT được áp dụng đối với đối tượng tiêu dùng là phía nước ngoài. Còn trong trường hợp sản xuất để tiêu thụ trong nước thì việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón làm giảm nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón nhưng lại làm tăng nghĩa vụ thuế trực tiếp của đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng trong nước (nông dân).
Viện dẫn thông tin của Hiệp hội phân bón thì sản lượng cung ứng phân bón hiện nay khoảng 15 triệu tấn/năm trong đó sản xuất trong nước khoảng 11 triệu tấn/năm, nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn/năm. Và nêu một số nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi muốn ưu đãi đặc biệt với một lĩnh vực nào đó thì lựa chọn thuế suất 0% thể hiện ưu đãi cao hơn so với không chịu thuế nhưng làm tăng chi phí quản lý, và chủ yếu áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Vì thế, có ít quốc gia lựa chọn áp dụng thuế suất 0% mà đưa vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng đối với loại hàng hóa, dịch vụ này.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, trường hợp cần thiết hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên có thể áp dụng thuế suất 0% với mặt hàng phân bón, do phân bón là nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của nước ta nên có thể áp dụng ưu đãi thuế ở mức độ cao hơn.
Quang Tuấn