Tham gia thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định uan điểm sửa đổi bổ sung các luật Luật Đất đai số, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng để khắc phục bất cập, nên sớm ngày nào tốt ngày đó.
Chia sẻ băn khoăn của các đại biểu, ông Duy cho biết, qua tiếp xúc cử tri thấy rằng tất cả các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân đều mong muốn các luật này sớm có hiệu lực thi hành. Bởi vì quyền và lợi ích của nhà đầu tư, của doanh nghiệp, của người dân được bảo đảm tốt hơn so với các quy định trước đây. Hay nhiều chồng chéo, bất cập được tháo gỡ, thẩm quyền của các địa phương cũng được tăng lên, do đó sớm phát huy nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, Chính phủ sẽ cam kết ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành, đồng thời chỉ đạo các địa phương ban hành đồng bộ các văn bản thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương để có thể đồng loạt thực hiện từ ngày 1/8. Đại biểu Duy cho biết, Chính phủ đã báo cáo với bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã thống nhất quan điểm, đã có kết luận.
Nêu kinh nghiệm từ việc thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định như đã cam kết với Quốc hội và cần ban hành trước ngày bế mạc Quốc hội. Thứ hai là chỉ đạo các địa phương để các văn bản hướng dẫn của địa phương ngay sau khi có nghị định của Chính phủ được ban hành và sẵn sàng có hiệu lực từ ngày 1/8 đồng thời với hiệu lực các quy định của Chính phủ và hiệu lực của Luật.
Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và các luật này, nhất là các đổi mới, những nội dung liên quan đến người dân, doanh nghiệp như quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… để người dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện
Phát biểu thảo luận, Phó trưởng đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận hoàn toàn là đồng tình là Luật Đất đai triển khai sớm rồi thì rất tốt, thuận lợi cho các địa phương, các nhà đầu tư, cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên đại biểu thấy còn rất là phân vân nếu ấn nút thông qua nội dung này tại Kỳ họp này.
Đại biểu cho biết, theo báo cáo thẩm tra, khối lượng văn bản để hướng dẫn thực hiện các dự án luật này rất là lớn. Ví dụ như là đối với Luật Đất đai thì là phải ban hành 16 văn bản dẫn thực hiện, trong đó thì có 9 nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 6 thông tư thì đến thời điểm hiện nay thì mới duy nhất chỉ ban hành được 1 nghị định; hay Luật Nhà ở cũng phải có đến bảy văn bản cần phải ban hành, đến thời điểm này chưa được bảo hành…
Đại biểu cũng cho biết, quy trình ban hành một cái văn bản quy phạm pháp luật cũng phải tầm hai tháng. Riêng cái việc mà đăng tải trên cổng thông tin điện tử để xin ý kiến cũng phải mất ít nhất là một tháng theo quy định của pháp luật.
Chúng ta chỉ thực hiện được từ 1/8 khi các luật này có hiệu lực thi hành, đồng thời các văn bản cũng phải có để thực hiện thì mới thực hiện được, ít nhất là trong tuần này Chính phủ vừa ban hành được các nghị định và quyết định; các phải ra được thông tư thì các địa phương mới có cơ sở để xây dựng các văn bản của địa phương…
Đại biểu Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (ảnh trên) cũng đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, tuy nhiên bày tỏ rất băn khoăn và đề nghị Chính phủ cân nhắc cũng như Quốc hội cân nhắc kỹ việc thông qua dự án luật tại kỳ họp này.
Lý do đại biểu Trung đưa ra là: Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ sự cần thiết ban hành luật, nhất là hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội của việc quy định sớm thời hạn hiệu lực của các luật. Ngoài ra thì cũng một số đại biểu cũng đã đề nghị là trong Tờ trình của Chính phủ thiếu cái nội dung đánh giá tác động khi ban hành chính sách, đặc biệt là các cái tác động với cái sự mâu thuẫn, chồng chéo với hệ thống pháp luật có liên quan.
Lý do nữa là đánh giá được nguồn lực thực hiện và khả năng tác động đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định. Vì thực tế trong Luật đất đai thì cũng đã quy định một số cái chính sách mới của luật như là thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư hay là chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất.
Khi mà chúng ta đã quyết định xây dựng cái dự toán 2024 thì chúng ta đã tính toán đầy đủ các cái nhiệm vụ cũng như là các nguồn lực để thực hiện các cái nhiệm vụ đó. Nếu mà bây giờ đẩy sớm đến năm tháng thì liệu có ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương để thực hiện hiện các cái nhiệm vụ này hay không thì đây là một vấn đề tôi cũng rất là băn khoăn.
Lý do thứ hai nữa là cái thời hạn hiệu lực thi hành của các luật được đẩy sớm là năm tháng là không nhiều, trong khi có rất nhiều văn bản cần được quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Đại biểu cũng cho biết, việc xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn chi tiết thực thi các luật thì cần có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng. Ngoài ra cũng phải có thời gian để cho các cơ quan hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức khi thực thi chính sách rồi đảm bảo cái công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến được với người dân cũng như là doanh nghiệp.
Quang Tuấn