"Việt Nam, với lịch sử và tiềm năng của mình, chắc chắn là một trong những đối tác không thể thiếu trong nhóm Global South/Global East (nhóm phía Nam và phía Đông toàn cầu) mà Nga đang muốn tăng cường quan hệ" - tổng biên tập tạp chí Global Affairs của Nga, ông Fyodor Lukyanov, nhận định với Tuổi Trẻ về chuyến thăm của Tổng thống Putin.
Mở rộng cơ hội hợp tác
Theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chuyến thăm của ông Putin lần này "có ý nghĩa rất quan trọng" đối với quan hệ Việt Nam - Nga.
Bất chấp những thay đổi của lịch sử, theo ông Thắng, tình cảm của người dân hai nước dành cho nhau luôn ở mức độ tích cực, và điều này đã giúp quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Nga có độ tin cậy lẫn nhau cao.
Việc chuyến thăm của ông Putin diễn ra ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ cho thấy Nga mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong bối cảnh mới và cạnh tranh địa chính trị phức tạp hiện nay.
Từ Nga, GS Vladimir Kolotov, viện trưởng Viện Hồ Chí Minh tại Đại học tổng hợp quốc gia St.Petersburg (Nga), cũng nhận định Tổng thống Putin rất coi trọng Việt Nam và đánh giá cao các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua về ổn định an ninh, chính trị trong nước, phát triển kinh tế bền vững, cũng như chính sách đối ngoại độc lập.
"Nga và Việt Nam chưa bao giờ có mâu thuẫn chính trị và ý thức hệ" - ông Vladimir Kolotov nói với Tuổi Trẻ và tin tưởng chuyến thăm lần này sẽ là dịp để hai bên cùng tìm cách đưa quan hệ song phương phát triển "năng động và hiệu quả hơn nữa".
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đón Tổng thống LB Nga Vladimir Putin tại Sân bay quốc tế Nội Bài sáng sớm 20-6
Đồng quan điểm, ông Fyodor Lukyanov khẳng định cơ sở của mối quan hệ Việt Nam - Nga "rất vững chắc, cả về mặt lịch sử và thực chất". "Việt Nam là người bạn lâu đời của Nga, là quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nhiều triển vọng", ông nhấn mạnh.
Về những kỳ vọng cho quan hệ hai nước trong chuyến thăm, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng cho rằng có những lĩnh vực Nga và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác như xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam vào Nga để bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa do cấm vận từ châu Âu. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Nga để thay thế cho các doanh nghiệp phương Tây đã rút đi.
Ngoài ra, Việt Nam có thể cân nhắc nghiên cứu khởi động lại dự án điện hạt nhân sử dụng công nghệ của Nga để đảm bảo nguồn cung điện cho nền kinh tế. Nga cũng đang thúc đẩy và có thế mạnh trong lĩnh vực AI, vì thế hai bên cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực này.
Vì sao là Việt Nam?
Xe bọc thép Aurus Senat phục vụ Tổng thống Nga Putin đi qua khu vực ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng trong buổi diễn tập vào sáng 19-6
"Đối với Nga, Việt Nam là một hướng ưu tiên trong chiến lược xoay trục về châu Á của nước này, trong khi Việt Nam xem Nga là đối tác hàng đầu trong chiến lược đối ngoại của quốc gia" - PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng nêu vấn đề và dẫn ra Khái niệm chính sách đối ngoại mới của Nga công bố ngày 31-3-2023.
Trong đó, khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam, có vai trò quan trọng đối với Nga, chỉ đứng sau các nước thuộc không gian hậu Xô viết, khu vực Bắc Cực, không gian đại Á - Âu, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.
Cũng theo ông Thắng, trong bối cảnh Mỹ và một số nước châu Âu khác đang gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ là lựa chọn ưu tiên mang tính thay thế của Nga.
Tổng thống Putin đánh giá cao đường lối đối ngoại của Việt Nam
Chia sẻ quan điểm này, ông Fyodor Lukyanov khẳng định: "Nga đang xây dựng cách tiếp cận và chiến lược chính sách đối ngoại mới trong một môi trường hoàn toàn khác, với châu Á là một trong những ưu tiên và Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu ở châu Á với những điều kiện tiên quyết rất tốt cho sự hợp tác".
Theo tổng biên tập tạp chí Global Affairs, thế giới đang thay đổi với vai trò ngày càng tăng của các khu vực và cường quốc ngoài phương Tây. Nga cần một mạng lưới quan hệ vững chắc và cân bằng dựa trên mối quan hệ với các quốc gia quan trọng nhất trên toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực phía Nam/phía Đông toàn cầu.
Sự thay đổi với sự nổi lên của nhiều cực trên thế giới sẽ là một xu hướng toàn cầu tiếp tục tồn tại, bất kể mối quan hệ của Nga với phương Tây trong tương lai sẽ như thế nào, theo ông Fyodor Lukyanov.
"Chuyến thăm này rất quan trọng, tôi có thể nói đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Đã đến lúc tổng kết lại một quá khứ huy hoàng và xây dựng một tương lai mới. Tôi chắc chắn rằng 30 năm nữa chúng ta sẽ có một hệ thống quốc tế khác được định hình bởi nhiều mối quan hệ đa dạng mà không có sự thống trị của bất kỳ ai", ông Fyodor Lukyanov khẳng định.
Việt Nam, theo ông, sẽ là cửa ngõ để Nga tăng cường hợp tác với Đông Nam Á nhờ vị trí địa lý lý tưởng. "Không gian đại Á - Âu đang trong quá trình hoàn thiện, đúng hơn đó là một giấc mơ, nhưng chúng ta đang sống trong thời đại mà giấc mơ trở thành hiện thực", ông nói với Tuổi Trẻ.
(Theo TTO)