Nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và con người vùng đất trung du, miền núi phía Bắc. Là một miền đất sơn thủy hữu tình, nơi hội tụ của 30 dân tộc anh em cùng chung sống, nhân dân giàu truyền thống cách mạng, thân thiện, nhân ái, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, với ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, những năm qua, Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu đáng phấn khởi trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm bền bỉ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho đời sống người dân và diện mạo nông thôn mới. Yên Bái tiếp tục là một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở khu vực. Đặc biệt, ngày 06/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới, là đơn vị cấp huyện thứ 4 của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh cũng như trong cuộc hành trình xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Nối tiếp niềm vui đó, ngày 10/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Đây là cơ sở quan trọng để Hồ Thác Bà được đầu tư, xây dựng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, phấn đấu trở thành một "điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” trong lòng du khách và bè bạn gần xa.
Nhằm giới thiệu về những thành tựu đó, ngày 22/6/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới và công bố Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 (gọi tắt là Lễ công bố). Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái xây dựng Thông cáo báo chí cung cấp thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí về sự kiện này, cụ thể như sau:
I. HÀNH TRÌNH HUYỆN YÊN BÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Huyện Yên Bình nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Yên Bái; mảnh đất chứa đựng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa; nơi có Công trình Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành Thủy điện Việt Nam, cùng với nhiều địa danh đã gắn liền với lịch sử và chứa đựng giá trị văn hóa dân tộc.
Từ mảnh đất còn nhiều gian khó, với quyết tâm chính trị cao độ và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH và xây dựng nông thôn mới, đến nay Yên Bình đã có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn, miền núi, cuộc sống người dân thực sự đổi thay tích cực.
Yên Bình có khí hậu ôn hòa, đất đai tươi tốt, có nhiều sản vật nức tiếng gần xa. Nông nghiệp Yên Bình thực sự trở thành trụ đỡ quan trọng trong nền kinh tế của huyện với vùng trọng điểm lúa năng suất cao trên 600 ha; vùng trồng rừng sản xuất trên 36.000 ha; vùng chuyên canh cây ăn quả và cây trồng kinh tế chất lượng cao diện tích lên tới trên 6.100 ha; vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh với trên 2.000 lồng cá cung ứng thủy sản sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Cùng với nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là đòn bẩy cho nền kinh tế của huyện. Với 01 cụm công nghiệp đã hình thành, 03 cụm công nghiệp đang đầu tư, các cơ sở sản xuất may mặc, chế biến gỗ rừng trồng, khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa và sản xuất hàng tiêu dùng giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động tại địa phương.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khang trang, đồng bộ với gần 90% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, cơ bản không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 4,52%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so với 4 năm trước; chỉ số hạnh phúc của người dân ngày một nâng cao.
Đặc biệt, với cảnh quan kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình, Yên Bình có Hồ Thác Bà - một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất cả nước, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được ví như "vịnh Hạ Long trên núi”, nơi hội tụ bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú, đa dạng... đã được tỉnh Yên Bái chú trọng đầu tư xây dựng, hình thành rõ nét Vùng du lịch Hồ Thác Bà và dọc sông Chảy - là một trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Yên Bái.
II. QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU DU LỊCH QUỐC GIA HỒ THÁC BÀ, TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2040
Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 10/5/2024, gồm các nội dung chủ yếu sau:
1. Định hướng phát triển không gian
Định hướng phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà gồm 2 cửa ngõ, 2 hành lang, 4 vùng phát triển và 8 trọng điểm. Cụ thể:
- Hai cửa ngõ là:
+ Khu vực xã Tân Nguyên kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút giao IC14, liên kết các khu trung tâm du lịch Liễu Đô - Vĩnh Lạc và Phúc Ninh - Mỹ Gia.
+ Khu vực thị trấn Yên Bình nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút IC12, liên kết các trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng, Linh Sơn - Cao Biền và thị trấn Thác Bà.
- Hai hành lang là:
+ Hành lang phát triển du lịch: Từ cửa ngõ Tân Nguyên chạy dọc phía Tây hồ Thác Bà.
+ Hành lang sinh thái Là dải phát triển du lịch xanh, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học chạy dọc phía Đông hồ Thác Bà.
- Bốn vùng phát triển gồm:
+ Vùng 1: Là khu trung tâm phía Bắc, gắn với đặc trưng cảnh quan, văn hóa, sinh thái.
+ Vùng 2: Là khu trung tâm phía Tây kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai tại nút giao IC14.
+ Vùng 3: Là khu trung tâm cửa ngõ phía Nam.
+ Vùng 4: Là khu du lịch sinh thái đảo và quần đảo phía Đông hồ Thác Bà.
- Tám trọng điểm gồm:
+ Bốn trọng điểm phát triển đô thị: Gồm hai đô thị hiện hữu là thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà và hai đô thị mới là đô thị Cảm Ân, đô thị Cảm Nhân.
+ Bốn trọng điểm phát triển du lịch: Liễu Đô - Vĩnh Lạc, Tân Hương - Đại Đồng, Linh Sơn - Cao Biền và Phúc Ninh - Mỹ Gia.
2. Định hướng phát triển không gian du lịch, dịch vụ
Định hướng phát triển không gian du lịch, dịch vụ gồm:
- Không gian du lịch Tân Hương - Đại Đồng với diện tích khoảng 232 ha. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
- Không gian du lịch Linh Sơn - Cao Biền với diện tích khoảng 167 ha. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ, trên núi, nghỉ cuối tuần; du lịch văn hóa tín ngưỡng.
- Không gian du lịch Phúc Ninh - Cảm Nhân với diện tích khoảng 151 ha. Phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa, cảnh quan tự nhiên.
- Không gian du lịch Liễu Đô - Vĩnh Lạc với diện tích khoảng 133 ha. Phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch thể thao trên cạn (sân gôn) và dưới nước.
III. LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CÔNG NHẬN HUYỆN YÊN BÌNH, TỈNH YÊN BÁI ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI VÀ CÔNG BỐ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU DU LỊCH QUỐC GIA HỒ THÁC BÀ ĐẾN NĂM 2040
1. Thời gian: Từ 20h00’ ngày 22/6/2024 - Truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái và Đài Phát thanh và Truyền hình một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
2. Địa điểm: Quảng trường trung tâm huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
3. Nội dung Chương trình gồm:
3.1 - Phần Lễ:
- Màn khai từ.
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Trình chiếu phóng sự giới thiệu về kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái, của huyện Yên Bình và quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà.
- Công bố và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.
- Công bố và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
- Phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương.
- Phát biểu đáp từ của Lãnh đạo tỉnh Yên Bái.
3.2 - Chương trình nghệ thuật "Nơi mạch nguồn sông Chảy”
Gồm 03 chương:
- Chương 1: Ký ức dòng sông Chảy
- Chương 2: Tình núi, duyên sông
- Chương 3: Mạch nguồn hội tụ
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG DO HUYỆN YÊN BÌNH TỔ CHỨC
1. Khai mạc các gian hàng OCOP, sản phẩm nông nghiệp, không gian sắc màu văn hóa
- Thời gian: 8h00’ ngày 21/6/2024.
- Địa điểm: Khu đô thị Ruby và Quảng trường trung tâm huyện.
2. Khởi công, khánh thành một số công trình, dự án trọng điểm của huyện Yên Bình
- Thời gian: Ngày 22/6/2024.
- Nội dung, địa điểm:
+ Gắn biển tri ân sự đóng góp của Nhân dân làm đường Yên Bình - Bạch Hà - Vũ Linh (7h30’).
+ Hoàn thành lắp đặt tua bin tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Thác Bà II, xã Hán Đà, huyện Yên Bình (8h30’).
+ Lễ động thổ Dự án cụm Công nghiệp Phú Thịnh II tại xã Phú Thịnh (9h30’).
V. ĐẦU MỐI CUNG CẤP THÔNG TIN VÀ LIÊN HỆ VỚI CƠ QUAN BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Ông Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (Điện thoại: 0393.998.000).
- Bà Trần Thị Hoài Thu - Phó Trưởng phòng Thông tin, Báo chí và Xã hội số (Điện thoại: 0915.819.682).
2. Huyện Yên Bình
- Bà Hoàng Thị Duyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (Điện thoại: 0904.636.003).
- Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình (Điện thoại: 0915.076.241).
Sở Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tích cực quảng bá, góp phần tổ chức thành công Lễ công bố huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và công bố Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của các cơ quan báo chí, truyền thông.
(Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái)