Nghề báo là lao động đặc thù, lao động báo chí là lao động mang tính sáng tạo cao, đa chiều và đôi khi phải vượt ngoài khuôn mẫu. Người làm báo cũng vì thế mang đầy trách nhiệm, tự hào với nhiệm vụ chuyên chở thông tin, tin tức, sự thật, chính sách pháp luật, giải trí… đến với độc giả, nhằm định hướng dư luận xã hội.
Trọng trách ấy đòi hỏi người làm báo luôn phải ý thức tác phẩm của mình truyền tải rõ ràng thông điệp, thông tin hữu ích gì đến với người đọc. Bởi lẽ, bạn đọc tiếp nhận thông tin không đơn thuần là hoạt động giải trí; trong xã hội thông tin, nền kinh tế trí thức, báo chí còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi động lực cho xã hội phát triển.
Viết để lan tỏa thông tin, định hướng suy nghĩ dẫn tới thay đổi tư duy, hành động và đưa sự thật đến những nơi cần đến. Viết như thế nào để độc giả hiểu chính xác vấn đề, có được tác động gì tới suy nghĩ hay có hành động cụ thể sau khi đọc bài báo đang là nhiệm vụ rất quan trọng của người làm báo. Bên cạnh đó, đứng trước sự bùng nổ thông tin, cũng như sự phát triển chóng mặt các thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội, làm báo theo lời khuyên "mắt sáng, lòng trong, bút sắc” của nhà báo Hữu Thọ - nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân đang là vấn đề cần được nhắc tới.
Nhà báo luôn phải giữ được khả năng đặc biệt, nhanh nhạy trước mọi vấn đề của đời sống xã hội; là người nhìn đâu cũng thấy vấn đề có thể viết được; "cặp mắt nhà báo phải là cặp mắt của chim ưng”, nghĩa là phải thật tinh tường, nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu vào đời sống. Năng lực này gần như là điều kiện tiên quyết để giúp mỗi người trở thành một nhà báo giỏi.
"Lòng trong” chính là đạo đức, là phẩm chất của người cầm bút. Nhà báo phải đứng trên mọi luồng dư luận từ nhiều phía, để giữ vững quan điểm, phản ánh đầy đủ bản chất sự việc. Tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân mà hướng nội dung bài viết theo ý chủ quan, có lợi cho bản thân hoặc thế lực nào đó. "Lòng trong” đòi hỏi nhà báo phải giữ cái tâm trong sạch, đạo đức nghề nghiệp vững bền. Khi một nhà báo luôn tâm niệm những quy tắc nghề nghiệp thì họ sẽ đứng vững được trước những cám dỗ tầm thường.
Đạo đức nghề nghiệp báo chí hay đạo đức người làm báo là việc ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội. "Bút sắc” chính là sức mạnh của nội dung bài viết tác động đến công chúng, làm thay đổi cuộc sống, xã hội theo hướng tích cực.
Bằng những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, nhà báo sử dụng ngôn ngữ sắc sảo, điêu luyện của mình để nêu bật vấn đề cần phản ánh. "Bút sắc” là vũ khí đắc lực để nhà báo trở thành một chiến sĩ chiến đấu chống lại các thế lực thù địch, đấu tranh với cái sai trái, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, làm trì trệ nền kinh tế đất nước đang trên đà phát triển.
Đồng thời, dựa trên ngòi "bút sắc”, nhà báo làm nhiệm vụ phơi bày sự thật trước công chúng, chống lại cái xấu xa, làm trong sạch xã hội. Mọi hành động nhằm "bẻ cong ngòi bút”, sử dụng danh nghĩa nhà báo để mưu cầu, vụ lợi cá nhân đều phải được chấn chỉnh thích đáng. Để có năng lực này, nhà báo phải là người thông minh và nhiều vốn liếng: vốn sống dồi dào, vốn văn hóa sâu rộng, vốn tri thức và kinh nghiệm nghề nghiệp chuyên sâu…
Viết được một bài báo hay rất khó, luôn là niềm trăn trở, thách thức nhưng cũng là vinh quang của người làm báo. Mỗi khi bài viết được phản hồi tích cực, độc giả đón nhận, mang lại hiệu quả xã hội cao thì đồng thời với đó, niềm vui, hạnh phúc của người làm báo được nhân lên gấp bội.
Một nhà báo nổi tiếng đã từng nói: "Một tin tức hay giống như một chiếc váy ngắn được mặc bởi một phụ nữ đẹp. Nó đủ dài để che giấu những điều ở bên trong và đủ ngắn để trông nó hấp dẫn”. Để thấy, muốn làm được điều đó, người làm báo phải là người đam mê, xông pha để tìm ra chân lý cuộc sống, từ đó ý thức được vinh quang và trách nhiệm của chính mình trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Thiên Cầm