Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội II, Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1959), Bác cho biết, đề tài xuyên suốt trong các bài báo Bác viết là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền vì độc lập dân tộc và CNXH. Với mục tiêu cao cả ấy, Bác nhắc nhở mỗi người khi cầm bút viết báo là phải tự trả lời câu hỏi "Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào”?
Những bài viết của Người có văn phong gần gũi, dễ hiểu, được bạn đọc khắp năm châu đón nhận. Không chỉ viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm những công việc liên quan đến nghề báo như tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo việc làm báo, sửa bài, biên tập, in ấn, phát hành… Thực tiễn phong phú đó đã tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng.
"Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”- Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; cách thu thập, xử lý tin tức để làm nên một tác phẩm báo chí có giá trị… Người chỉ rõ, báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế, "tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc”.
Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí là để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”.
Lời Bác dạy là kim chỉ nam cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí, luôn giữ "tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Ngày nay, trong xu thế bùng nổ thông tin, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ, có vị thế đặc biệt, tác động sâu sắc, mọi mặt trong đời sống xã hội. Dù là thời kỳ thịnh hành của báo in trước đây hay xu thế công nghệ với sự lên ngôi của báo điện tử và truyền thông đa phương tiện ngày nay thì hệ thống tư tưởng của Bác về báo chí vẫn nguyên giá trị. Người làm báo truyền thống hay báo công nghệ hiện đại đều phải tu chỉnh, luyện rèn cả về đạo đức, phong cách và bồi dưỡng tư duy, kỹ năng làm báo theo tư tưởng, quan điểm của Bác.
Hoạt động của báo chí trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.
Ngày 12/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông. Chỉ thị nêu rõ, các cơ quan báo chí chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính.
Các Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan chủ lực, có nhiệm vụ xây dựng các hình thức tuyên truyền chuyên sâu về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như chuyên trang, chuyên mục, tuyến bài tuyên truyền trọng điểm. Đồng thời, Chỉ thị nêu rõ việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, phát huy thế mạnh của báo chí, truyền thông để bảo đảm phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; có biện pháp đấu tranh hiệu quả trên mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam.
Là một bộ phận của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí lực lượng CAND không ngừng trưởng thành về mọi mặt, có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND; là cầu nối giữa lực lượng CAND với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; là phương tiện cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Cùng với báo chí cả nước, báo chí CAND phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam và bản sắc báo chí lực lượng vũ trang nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng và quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của lực lượng CAND, góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, tạo sự đồng thuận xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
(Theo CAND)