Theo đại biểu, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ trình Quốc hội quy định áp dụng mức thuế suất, thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật với mục tiêu thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu do theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành.
Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp không chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất. Do đó, đại biểu Mào đề nghị Chính phủ xem xét, chưa áp dụng đề xuất trên bởi những lý do sau:
Thứ nhất, bản chất của thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, có tính trung lập kinh tế cao, thể hiện ở 2 khía cạnh: một là, thuế giá trị gia tăng không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế. Do vậy, thuế giá trị gia tăng không phải là yếu tố của chi phí sản xuất mà chỉ đơn thuần là một khoản thu được cộng thêm vào giá bán của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Hai là, thuế giá trị gia tăng không bị ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức và phân chia quá trình sản xuất kinh doanh, bởi tổng số thuế ở tất cả các giai đoạn luôn bằng số thuế tính trên giá bán ở giai đoạn cuối cùng, bất kể số giai đoạn nhiều hay ít. Người tiêu dùng cuối cùng (ở đây là người nông dân, người sản xuất nông nghiệp) là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, nhưng người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước lại là đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, theo quy định của Luật Giá, phân bón là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá, do đó cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng.
Thứ ba, viện dẫn Báo cáo số 127/BC-BTC ngày 17/5/2024 của Bộ Tài chính về việc đánh giá tác động của Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Mào cho biết, về xác định vấn đề bất cập: "Việc chuyển phân bón đầu vào cho sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp”.
"Tôi cho rằng, trong trường hợp phân bón là sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào 5% (tương ứng với phần thuế giá trị gia tăng đầu vào của nguyên liệu sản xuất, không tính vào chi phí sản xuất) có thể làm giảm giá thành sản phẩm, tuy nhiên lại làm tăng 5% tiền thuế giá trị gia tăng mà người tiêu dùng trực tiếp phải trả trên mỗi sản phẩm phân bón tiêu dùng. Điều này không đảm bảo sẽ không làm gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp đầu ra, do người nông dân vẫn phải tính toán giá thành sản xuất sản phẩm nông nghiệp trên tổng chi phí đã bỏ ra, không hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp” - đại biểu nêu ý kiến.
Về đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan, đại biểu Mào cho rằng, nếu sản xuất để xuất khẩu thì đánh giá tác động về kinh tế theo báo cáo hiện nay là phù hợp, vì lúc này thuế giá trị gia tăng được áp dụng đối với đối tượng tiêu dùng là phía nước ngoài. Còn trong trường hợp sản xuất để tiêu thụ trong nước thì việc áp dụng thuế suất, thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón làm giảm nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón nhưng lại làm tăng nghĩa vụ thuế trực tiếp của đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng trong nước (người nông dân).
Theo báo cáo của Chính phủ, toàn bộ số thuế giá trị gia tăng phải nộp sau khi khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng) thì đối tượng chịu thuế chính là người tiêu dùng cuối cùng trong nước đối với mặt hàng phân bón.
Trước phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Thứ tư, theo thông tin của Hiệp hội Phân bón thì sản lượng cung ứng phân bón hiện nay khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất trong nước khoảng 11 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn. Nếu áp dụng thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón thì sẽ làm tăng giá đối với cả sản lượng phân bón nhập khẩu (chiếm khoảng 27% sản lượng cung ứng phân bón hiện nay).
Thứ năm, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi muốn ưu đãi đặc biệt với một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như sản xuất nông nghiệp, báo chí, thực phẩm thiết yếu… thì có hai lựa chọn: (1) Đưa vào diện không chịu thuế; (2) Áp dụng thuế suất 0%.
Việc lựa chọn thuế suất 0% thể hiện ưu đãi cao hơn so với không chịu thuế nhưng làm tăng chi phí quản lý và chủ yếu áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Vì thế, có ít quốc gia lựa chọn áp dụng thuế suất 0% mà đưa vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng đối với loại hàng hóa, dịch vụ này.
Cuối thảo luận, đại biểu nêu: trong tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng giá trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng, đề nghị hết sức cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.
"Trường hợp cần thiết hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, có thể áp dụng thuế suất 0% với mặt hàng phân bón, do phân bón là nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của nước ta nên có thể áp dụng ưu đãi thuế ở mức độ cao hơn” - đại biểu Mào đề nghị.
Minh Quang