Thống nhất với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Triệu Thị Huyền, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tinh Yên Bái khóa XV đã tham gia một số ý kiến góp ý vào các điều, khoản cụ thể:
Thứ nhất, tại Khoản 2 Điều 10 quy định nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn gồm có ba nguồn, đó là: kinh phí chi đầu tư công từ ngân sách Nhà nước; kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước và kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trong khi đó, tại Điểm d Khoản 4 Điều này lại quy định: Kinh phí của tổ chức đã được lựa chọn làm chủ đầu tư được sử dụng để lập quy hoạch đối với khu vực được giao đầu tư thì nguồn kinh phí này không nằm trong ba nguồn kinh phí quy định tại khoản 2.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định tại Khoản 2 cho thống nhất với nội dung quy định tại Khoản 4 Điều này, tức là thêm nguồn kinh phí thứ tư là kinh phí của nhà đầu tư để tổ chức lập quy hoạch trong phạm vi đã được giao làm chủ đầu tư dự án.
Về đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại Điều 37, đại biểu Huyền đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng, nếu đã lấy ý kiến ở bước thẩm định nhiệm vụ, thẩm định quy hoạch thì sẽ không lấy ý kiến ở bước tổ chức lập quy hoạch để nhằm giảm bớt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ trong công tác lập quy hoạch.
Đại biểu đồng thời đề nghị xem xét lược bỏ quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đô thị và nông thôn, bởi cộng đồng dân cư đã được xin ý kiến ở các cấp độ quy hoạch cấp trên, bao gồm cả nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Trong khi đó, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của quy hoạch chi tiết đã được xác định cơ bản tại quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, tức là việc xin ý kiến không có nhiều nội dung mới so với quy hoạch đã xin ý kiến trước đó ở cấp quy hoạch chung và quy hoạch phân khu.
Mặt khác, việc xin ý kiến cộng đồng dân cư cũng mất nhiều thời gian và theo quy định tại điểm e khoản 3 của Điều này, thời gian lấy ý kiến cộng đồng dân cư là 10 ngày, chưa bao gồm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Như vậy, trong nhiều trường hợp sẽ làm kéo dài thời gian lập quy hoạch chi tiết và cũng ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư của các địa phương.
Thứ ba, về hội đồng thẩm định, đại biểu Huyền cho biết: Tại Điểm b Khoản 2 quy định: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cấp được ủy quyền là Chủ tịch Hội đồng thẩm định cùng cấp.
Cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý, chưa đảm bảo sự khách quan trong việc thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ và quy hoạch đô thị và nông thôn, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện vừa là Chủ tịch Hội đồng thẩm định và cũng là người thay mặt cơ quan UBND cấp tỉnh, cấp huyện để ký phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt đồ án quy hoạch là chưa phù hợp.
Đại biểu đề nghị: Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định lại theo hướng, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn cấp tỉnh, cấp huyện được ủy quyền là Chủ tịch Hội đồng thẩm định cùng cấp để đảm bảo tính khách quan, công tâm, minh bạch trong thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đô thị đô thị và nông thôn.
Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và quy hoạch đô thị nông thôn, quy định tại Điều 41, theo đại biểu, quy định như trong dự thảo Luật chưa hợp lý, không phù hợp với thực tế, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 2 theo hướng việc lấy ý kiến của Bộ Xây dựng chỉ nên thực hiện đối với các quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã có quy mô dân số và dự báo tương đương quy mô dân số đô thị loại 2 trở lên và quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự kiến tương đương với quy mô dân số đô thị loại 3 trở lên thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phù hợp theo chủ trương phân quyền, phân cấp cho các địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
"Hiện nay, trong dự thảo quy định đối với quy hoạch chung các thành phố thuộc tỉnh, thị xã có quy mô dân số dự báo tương đương quy mô dân số đô thị loại 3 trở lên cũng yêu cầu phải xin ý kiến của Bộ, chúng tôi đề nghị chỉ áp dụng đối với đô thị loại 2 cho phù hợp với điều kiện thực tiễn” - đại biểu nêu ý kiến.
Về công bố quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Huyền cho biết, tại Điểm c Khoản 3 Điều 49 quy định: Việc công bố quy hoạch được thực hiện theo hình thức trưng bày mô hình, hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, nội dung dự thảo của Luật không quy định bắt buộc phải xây dựng mô hình, tức là trong lập quy hoạch có thể xây dựng mô hình quy hoạch hoặc có thể không.
Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bỏ nội dung trưng bày mô hình khi công bố quy hoạch cho phù hợp, trong trường hợp nếu có thì trưng bày còn không có thì không cần thiết.
"Đồng thời, tôi cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế xã hội hóa các dịch vụ cung cấp thông tin về quy hoạch để phù hợp với nhu cầu của tổ chức, cá nhân và xu thế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận thông tin quy hoạch", đại biểu Huyền đề nghị .
Về cắm mốc theo quy hoạch đô thị và nông thôn, Khoản 1 Điều 51 quy định: "Cắm mốc theo quy hoạch đô thị và nông thôn gồm cắm mốc chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, ranh giới khu vực cấm xây dựng ngoài thực địa theo hồ sơ cắm mốc được phê duyệt, phù hợp với nội dung quy hoạch đô thị và nông thôn đã được duyệt”.
Đại biểu cho rằng, quy định như trên là chưa phù hợp thực tế, đặc biệt là đối với quy hoạch chung do lập trên diện tích rộng nên việc cắm mốc giới quy hoạch rất khó thực hiện, khối lượng, mốc giới nhiều và chi phí rất lớn.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa quy định theo hướng việc cắm mốc giới cần được giới hạn và chỉ áp dụng cho các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, không quy định bắt buộc phải cắm mốc giới đối với quy hoạch chung…