Tổ hợp tác (THT) Tân Thịnh có 4 thành viên tham gia, tổ liên kết về nuôi ốc, nuôi ếch và trồng hoa tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn là một mô hình điển hình phát triển kinh tế địa phương. Với tổng diện tích sử dụng lên đến 3.200 m², trong đó 2.000 m² nuôi ốc, 200 m² nuôi ếch và 1.000 m² trồng hoa. Dự kiến trong năm 2024, THT sẽ xuất ra thị trường hơn 2,1 tấn ốc, 1 tạ ếch và hàng nghìn cây hoa, đem về nguồn thu ước đạt khoảng 250 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Huyền - Tổ trưởng THT Tân Thịnh, chia sẻ: "Nuôi ốc, ếch và trồng hoa hiệu quả cao hơn cây lúa. Vì vậy, hội viên phụ nữ ở đây đã vay vốn để đầu tư vào chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình”.
Các thành viên THT Tân Thịnh còn tích cực chia sẻ kiến thức cho cộng đồng, thu hút nhiều người dân địa phương đến học tập và áp dụng vào thực tế. Từ thành công, THT đang tiếp tục mở rộng quy mô, thu hút thêm thành viên và hướng tới việc thành lập một hợp tác xã. THT này cũng là điển hình trong thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, thông qua việc hỗ trợ quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cũng là một trong những chỉ tiêu nổi bật mà các cấp hội đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH), đặc biệt hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, tập huấn, dạy nghề, hỗ trợ phụ nữ nghèo, trong thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025”. Các cấp Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho trên 860 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp (đạt trên 173% chỉ tiêu NQĐH); vận động thành lập mới 45 HTX, doanh nghiệp có phụ nữ tham gia quản lý (đạt 450% chỉ tiêu NQĐH).
Không chỉ phát triển kinh tế, các cấp Hội còn luôn chủ động, linh hoạt trong triển khai các phong trào thi đua gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Một số địa phương đã cụ thể hóa, sáng tạo nội dung Cuộc vận động phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị như thực hiện: "5 không, 5 sạch” ở huyện Văn Yên; "6 không, 6 sạch” ở huyện Yên Bình...
Bà Phan Thanh Yên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Bình cho biết: "Góp phần xây dựng NTM địa phương, nhất là thực hiện đạt tiêu chí số 17 về môi trường các cấp hội từ huyện tới cơ sở đã triển khai thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Cuộc vận động "
Xây dựng mô hình 6 không, 6 sạch”… Huyện Hội đã lồng ghép tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động thực hiện cuộc vận động thông qua hoạt động "Ngày thứ 7 cùng dân”, "Ngày chủ nhật xanh” với các việc làm cụ thể như: dọn vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, khơi thông dòng chảy khe suối, ao, hồ... Đến nay, 100% xã, thị trấn đã đạt tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đã bố trí điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường
Bên cạnh đó, các hội viên phụ nữ còn tích cực thực hiện Phong trào: "Phụ nữ Yên Bái chung tay thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”, "Phụ nữ Yên Bái chung tay trồng cây, gây rừng, xây dựng cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp”. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 3.100 hộ hội viên phụ nữ đạt tiêu chí "gia đình 5 không, 3 sạch; thực hiện gần 1.830 công trình, phần việc góp phần xây dựng NTM, đô thị văn minh, với gần 1.170 mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp” mới được công nhận.
Một "Ngày chủ nhật xanh” của hội viên phụ nữ thôn Đại Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình.
Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) góp phần thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động Hội” được chú trọng thực hiện. Việc ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền đã được Hội LHPN tỉnh triển khai hiệu quả, qua việc khai thác trang thông tin điện tử của Hội. Chị em từ vùng thấp đến vùng cao đã sử dụng các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Fanpage của Hội để nắm được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hoạt động tại các cơ sở, những tấm gương điển hình tiên tiến... vận dụng vào lao động, công tác chuyên môn.
Chị Khang Thị Mào - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Từ Zalo nhóm của Hội Phụ nữ Mù Cang Chải, chúng tôi đã đưa các văn bản chỉ đạo của Hội Phụ nữ tỉnh, của huyện hay những thông tin khẩn cấp về thời tiết... giúp đội ngũ cán bộ Hội cơ sở nắm được thông tin để triển khai kịp thời. Chúng tôi cũng thành lập nhóm Zoom để triển khai các chỉ thị, nghị quyết tới hội viên mỗi tuần 1 lần để không bỏ sót nghị quyết”.
Xác định khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc và Đại hội phụ nữ tỉnh là "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng CNTT” góp phần thực hiện CĐS trong hoạt động Hội”, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chú trọng nâng cấp trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng cán bộ làm trực tiếp, hướng dẫn cán bộ các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động trên môi trường mạng. Các cấp Hội cũng đã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị kịp tiến độ, hiệu quả; thông qua ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Fanpage của Hội tạo các trang thông tin, nhóm điều hành… Đến nay, 100% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện; 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng điện thoại thông minh phục vụ công tác Hội; gần 90% cơ sở Hội xây dựng được các tài khoản, fanpage trên mạng Facebook, tạo các nhóm Zalo để tăng cường công tác tuyên truyền tới hội viên phụ nữ và nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: "Ngay sau Đại hội đại biểu phụ nữ (ĐHĐBPN) toàn quốc lần thứ XIII và ĐHĐBPN tỉnh lần thứ XVI, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội đã ban hành 9 chương trình, 192 kế hoạch, 18 hướng dẫn, 6 nghị quyết, 981 công văn để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Các cấp Hội đã tổ chức quán triệt học tập và triển khai tuyên truyền nghị quyết bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Thông qua các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết; tọa đàm, hội thi tìm hiểu nghị quyết, lồng ghép tuyên truyền nghị quyết trong các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chi, tổ hội… tạo không khí thi đua sôi nổi trong các cấp Hội.
Kết quả nửa nhiệm kỳ, các cấp Hội đã thực hiện 8 chỉ tiêu Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh và Trung ương Hội. Đến nay, đã hoàn thành 2/8 chỉ tiêu Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh lần thứ XVI, 3/8 chỉ tiêu Nghị quyết ĐHĐBPN toàn quốc lần thứ XIII, các chỉ tiêu còn lại đang thực hiện theo kế hoạch. Đặc biệt, khâu đột phá "Ứng dụng CNTT góp phần thực hiện CĐS số trong hoạt động Hội” được chú trọng thực hiện. Đến nay, có 4/8 chỉ tiêu hoàn thành, 4/8 chỉ tiêu đang thực hiện theo kế hoạch; triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mực tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đang phát huy hiệu quả nâng cao vị thế của phụ nữ trong các cộng đồng dân tộc thiểu số ... Qua các phong trào hoạt động thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Đến nay, tổng số hội viên toàn tỉnh đạt trên 174 nghìn hội viên; tỷ lệ thu hút hội viên đạt 68%.
Nhờ sự nỗ lực phấn đấu, tham gia tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ Hội và hội viên phụ nữ toàn tỉnh, hoạt động của các cấp Hội không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền nâng cao nhận thức mà còn tạo dựng một nền tảng vững chắc cho phụ nữ phát triển toàn diện. Đồng thời, tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; cùng phụ nữ cả nước "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” và "Xây dựng người phụ nữ Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Minh Huyền