Trong căn nhà giản dị bên đường Yên Ninh, cụ Hảo hồ hởi đón chúng tôi bằng phong cách hiền hậu, dễ mến, dễ gần. Vốn là người hiền lành, từ tốn; giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, cụ lại càng chậm rãi hơn. Chỉ có mái tóc trắng như cước được cắt gọn gàng, ăn mặc chỉn chu và nói năng khúc triết…, phong cách như đã thấm vào máu của người chiến sĩ quân đội là vẫn vẹn nguyên trong con người cụ.
"Thưa cụ, chúng con muốn cụ kể về ngày 2/9/1945 mà cụ đã được chứng kiến ạ!” - tôi lễ phép mở đầu câu chuyện.
Nhấp ngụm nước hãm bằng thảo mộc hái trong vườn nhà, trầm ngâm một lát, rồi cụ Hảo đưa chúng tôi sống lại một thời cách mạng cách đây ngót 80 năm.
Cụ chậm rãi kể: tôi người tổng Đại Đồng, phủ Yên Bình. Làng tôi giờ ngập dưới lòng hồ Thác Bà. Tôi có người chú là ông Nguyễn Huy Chín sớm giác ngộ cách mạng, người có ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Nói như thế là bởi, trước thời điểm Tổng khởi nghĩa, cán bộ tuyên truyền giải phóng quân đã bí mật về làng tôi để tuyên truyền, vận động nhân dân theo cách mạng, xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng. Do quá căm thù lũ quan lại và bọn thực dân nên nhiều người trong làng tôi đã đi theo, trong đó có nhiều lính dõng và cả những người đã từng làm tay sai cho giặc.
Chú tôi - ông Nguyễn Huy Chín được cấp trên giao nhiệm vụ làm Phó Chủ nhiệm Việt Minh tổng Đại Đồng, sau này còn kiêm chức Chánh Thư ký Nông hội. Một hôm, chú Chín gọi tôi tới nhà và bảo: "Con còn trẻ tuổi nhưng đã cao lớn, khỏe mạnh, lại biết chữ nghĩa như thế nên phải tham gia cách mạng để đánh đuổi thực dân, không cho lũ thực dân, phong kiến áp bức”.
Nghe chú nói, tôi rất mừng bởi trước đó tôi đã được nghe các cuộc họp của cán bộ Việt Minh tại nhà chú tôi nên hiểu phần nào về cách mạng. Hơn nữa, tôi đã biết rõ nỗi khổ của bản thân mình, dân làng mình trước sự áp bức, cường hào. Mấy bữa sau, một cán bộ Việt Minh cùng chú Chín giao nhiệm vụ cho tôi theo dõi tình hình hoạt động của quan lại; cụ thể là như có ai từ phủ về, nhận diện rõ khuôn mặt, về làng thì ở nhà ai… Đó là những việc không khó vì lớp học của chúng tôi sát trụ sở của phủ Yên Bình.
Sáng sớm ngày 17/6/1945, chú tôi lấy trong bồ thóc ra lá cờ đỏ sao vàng, ông tra vào cán rồi vác lên vai chạy ra đường làng, vừa đi, ông vừa hô hoán mọi người cùng đi theo. Trong đoàn người tiến về phủ Yên Bình, tôi thấy có nhiều chiến sĩ cách mạng tay cầm vũ khí. Đó là những khẩu súng kíp và súng trường (về sau tôi mới biết, đó là những chiến sĩ giải phóng quân). Chú Chín chỉ tôi và nói lớn: "Cháu này là nhi đồng cứu quốc. Nó biết rõ đường đi lối lại. Nó biết mặt bọn quan lại, để nó chỉ đường cho các anh”.
Các cán bộ nhìn tôi vẻ tin cẩn. Tôi thấy rất tự hào khi biết mình đang làm một nhiệm vụ quan trọng. Đoàn quân tiến thẳng về phủ Yên Bình. Tiếng súng rền vang quanh nhà phủ, quân giặc chống trả yếu ớt rồi lần lượt ra hàng. Trong đó, có tên phái viên của tri phủ; lính bảo an trong phủ không những không kháng cự mà còn bó súng mang ra nộp cho ta. Tôi đưa quân đội về làng để bắt giữ, gọi hàng một số quan lại và binh lính. Chính quyền về tay nhân dân một cách nhanh chóng trước khí thế của quân ta và cả sự góp sức của quan lại cùng binh lính giặc đã được ta tuyên truyền, vận động nên đã quy hàng theo ta từ trước đó. Không khí hồ hởi, phấn khởi lắm! Đồng bào ta ủng hộ cách mạng, tham gia các buổi tuyên truyền rất đông. Tôi được chỉ định làm Đội trưởng Đội Nhi đồng cứu quốc, có nhiệm vụ tập hợp đội viên, nắm bắt tình hình, dẫn đường cho bộ đội và cán bộ cách mạng.
Về Quốc khánh, tôi nhớ rất rõ trước đó cán bộ Việt Minh đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về cách mạng, về Việt Minh và chủ trương, chính sách của chế độ mới; thành lập và củng cố và phát triển lực lượng thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nhi đồng cứu quốc… Sáng ngày 30/8/1945, ông Lương Đình Túc - Chánh Tự vệ tổng Đại Đồng hô hào anh em chặt tre, nứa làm một khán đài để mít tinh mừng Quốc khánh. Khán đài đặt tại khu ruộng mạ, ngay trước cửa chùa Bắp.
Nói là khán đài thôi nhưng đơn sơ lắm! Phông màn không có, chỉ có vách nứa nhưng điều đặc biệt là có chân dung Bác Hồ được treo trang trọng phía trên. Tấm ảnh đen trắng, chân dung của Bác chỉ to bằng bàn tay nhưng có sức hút kỳ lạ. Trước và sau khi buổi lễ, mọi người tiến sát lại để được ngắm nhìn kỹ hơn. Đội Nhi đồng cứu quốc hát Quốc ca trong Lễ chào cờ, bài hát được các chú bộ đội dạy suốt từ chiều tới đêm hôm trước. Ông Chủ tịch xã lên đọc diễn văn rồi bắt nhịp cho mọi người hô vang khẩu hiệu.
Hơn 400 đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Cao Lan đồng thanh quyết tâm, quyết tâm! Tiếng súng chào mừng đồng loạt vang vọng cả núi rừng, 38 chiến sĩ du kích tay cầm vũ khí tiến qua lễ đài để biểu dương lực lượng. Chuyện từ 79 năm trước mà ngỡ như ngày hôm qua vậy, làng tôi những năm 60 của thế kỷ trước chuyển về trụ sở xã Đại Đồng hôm nay để nhường đất xây dựng công trình thủy điện Thác Bà. Tôi vào bộ đội, đi chiến đấu với Pháp, với Mỹ rồi về nghỉ chế độ; tiếp tục tham gia Hội Cựu chiến binh. Giờ tuổi cao, sức yếu thì vui vầy với con cháu; đọc báo, nghe đài chia vui với sự phát triển của quê hương, đất nước.
Chúng tôi ngước nhìn tấm ảnh cụ Nguyễn Huy Hảo chụp cùng với nhiều tướng lĩnh tại Đại hội Hội Cựu chiến binh toàn quốc lần thứ Nhất, những tấm huân, huy chương cao quý mà Đảng, Nhà nước, Quân đội đã tặng cho cụ, hai chiếc mũ kepi để trang trọng trong tủ kính…, lâng lâng lòng tự hào vì các thế hệ đi trước, xúc động với câu chuyện về lễ mít tinh Quốc khánh đầu tiên dù giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng.
Lê Phiên