Qua các thời kỳ lịch sử, Trạm Tấu có nhiều thay đổi lớn về địa giới hành chính. Ngày 17/8/1964, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 126-CP chia tách hai huyện Phù Yên và Văn Chấn thuộc tỉnh Nghĩa Lộ thành 4 huyện Bắc Yên, Phù Yên, Văn Chấn và Trạm Tấu; ngày 29/9/1964, Tỉnh ủy Nghĩa Lộ ban hành Quyết nghị số 66/QN-TU thành lập Ban Huyện ủy lâm thời huyện Trạm Tấu để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trước khi tổ chức Đại hội. Ngày 5/10/1964, bộ máy Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu chính thức đi vào hoạt động.
Từ đây, Trạm Tấu trở thành huyện vùng cao của tỉnh Nghĩa Lộ với 11 xã, 8.611 nhân khẩu. Ngày đầu thành lập, Đảng bộ huyện có 13 chi bộ, 2 tổ đảng và 127 đảng viên, đã tập trung lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, phát triển đảng viên và thành lập các chi bộ đảng ở cơ sở; chú trọng chăm lo đến công tác bồi dưỡng cán bộ.
Đến nay, Đảng bộ huyện có 28 chi bộ, đảng bộ cơ sở, 132 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, hằng năm kết nạp từ 90 đảng viên trở lên; toàn Đảng bộ huyện đã có trên 2.400 đảng viên, trong đó có 1.588 đảng viên người dân tộc thiểu số.
Trong suốt 60 năm qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao của huyện và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân làm tốt công tác phòng không nhân dân đánh trả máy bay địch, giữ vững an ninh chính trị, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sản xuất, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục với quyết tâm diệt "giặc đói, giặc dốt”. Kinh tế của huyện đã có bước phát triển vượt bậc.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp từ tự cung, tự cấp, gieo trồng lúa nương, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng thấp, đến nay, huyện từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cây trồng gắn với thu hút doanh nghiệp tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm..., từng bước thay đổi nhận thức và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Đến năm 2023, huyện có 10 sản phẩm công nhận OCOP hạng 3 sao, nhiều sản phẩm nông sản được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như khoai sọ nương Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu, gạo nếp Lẩu cáy...
Đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra tình hình phát triển cây khoai sọ tại xã Bản Mù.
Bên cạnh đó, địa phương còn bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt 23.629 tấn, đạt 85,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra. Chăn nuôi được quan tâm phát triển. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế trang trại hộ gia đình với những vật nuôi thế mạnh, đặc sản của địa phương như đại gia súc, gà đen, lợn đen bản địa, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tổng đàn gia súc chính năm 2023 đạt 50.770 con, tăng 26.970 con so với năm 2013; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 710 tấn.
Công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Trong các năm qua, trên địa bàn huyện cơ bản không để xảy ra các vụ cháy rừng lớn; ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng lên; kinh tế đồi rừng từng bước được triển khai nhất là khai thác tán rừng để phát triển du lịch. Trồng rừng mới được thực hiện tốt, hằng năm bình quân toàn huyện trồng được 300 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 duy trì 61,4%.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được tập trung chỉ đạo toàn diện. Năm 2019, xã Hát Lừu được công nhận đạt chuẩn quốc gia XDNTM, là xã NTM đầu tiên trong các huyện nghèo của cả nước. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển tích cực. Đến nay, trên địa bàn huyện có 8 dự án thủy điện đi vào khai thác với tổng công suất trên 119MW; có 8 công ty cổ phần, 2 công ty TNHH, 2 doanh nghiệp tư nhân, 4 hợp tác xã và 206 hộ cá thể tham gia sản xuất... Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2023 đạt 505.060 triệu đồng, bằng 105,2% kế hoạch giao.
Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, phong trào hiến đất làm đường được nhân dân tích cực hưởng ứng. Toàn huyện đã có trên 800 km đường giao thông; 100% các xã, thị trấn có đường ô tô được kiên cố đi đến trung tâm xã; có 33/57 thôn, bản, tổ dân phố có đường bê tông kiên cố; tỷ lệ đường được kiên cố đạt 41%.
Năm 2020, huyện được tỉnh quan tâm đầu tư đường Trạm Tấu - Bắc Yên (tỉnh Sơn La) và đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với tỉnh lộ 174 (huyện Trạm Tấu), đã phá thế độc đạo để huyện Trạm Tấu kết mối giao thương với các huyện, tỉnh bạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống điện lưới quốc gia đến được 100% các xã, 44/57 thôn, bản, dự kiến đến hết năm 2025 cơ bản 100% thôn, bản có điện lưới và trên 95% hộ dân được sử dụng; các công trình thủy lợi, nước sạch đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của người dân...
Hoạt động dịch vụ có bước phát triển quan trọng, nhất là khai thác các tiềm năng lợi thế để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch độc đáo, đặc trưng riêng của huyện. Một số sản phẩm du lịch đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách như leo núi đỉnh Tà Xùa, đỉnh Tà Chì Nhù; du lịch trải nghiệm Phình Hồ, thác Háng Đề Chơ, Khu du lịch khoáng nóng, đồi thông Eo Gió, du lịch khám phá văn hóa của đồng bào dân tộc Mông tại Cu Vai... Năm 2023, du lịch Trạm Tấu đã đón 110.000 lượt khách với doanh thu trên 85 tỷ đồng. Về thương mai, đến nay huyện có trên 180 điểm kinh doanh phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân; thu ngân sách năm 2023 đạt 97.145 triệu đồng, tăng hơn 84 tỷ đồng so với 10 năm về trước.
Về giáo dục - đào tạo, toàn huyện có 28 đơn vị trường và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với 418 lớp, 12.685 học sinh; 12/12 xã, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục các cấp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt từ 99,9% trở lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trung bình hàng năm đạt trên 98%; 6 đơn vị trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Có 370/408 phòng kiên cố và bán kiên cố, tỷ lệ đạt 90,6%. Các phòng chức năng, phòng ngủ của học sinh bán trú được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, ăn ở của học sinh.
Sự nghiệp y tế có nhiều chuyển biến. Cơ sở vật chất được củng cố, nâng cấp, tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 8,6 bác sĩ; 10/12 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Văn hóa - xã hội, thông tin truyền thông không ngừng phát triển. Đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những phong tục không còn phù hợp với nếp sống văn hóa mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cưới, việc tang, xóa bỏ cây thuốc phiện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp như Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Thái... Công tác tuyên truyền đặc biệt coi trọng, nâng cao ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân...
Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 6,5%, đã có trên 900 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí trên 47 tỷ đồng.
Trải qua 60 năm, lực lượng vũ trang nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, tham mưu giải quyết những vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo và giữ vững, không xảy ra "điểm nóng” và các vụ việc phức tạp, thường xuyên hoàn thành công tác tuyển quân, huấn luyện; đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.
Để Trạm Tấu tiếp tục phát triển phấn đấu cơ bản thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Trạm Tấu không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm qua của Đảng bộ huyện, khai thác mọi nguồn lực, tranh thủ mọi sự giúp đỡ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Đảng bộ huyện xác định một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện, đó là: xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ huyện; trong đó, trọng tâm là thực hiện tốt các chương trình hành động của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đề ra chủ trương, giải pháp sát, đúng để phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội toàn diện và bền vững, trước hết, cần tập trung thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; chuyển đổi nhanh, mạnh cơ cấu cây trồng và vật nuôi; kiên trì chuyển đổi số để hội nhập và phát triển nhanh và bền vững; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo vệ rừng, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh xây dựng phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy Yên Bái, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu tin tưởng và nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XVI Đảng bộ huyện, đưa Trạm Tấu cơ bản thoát khỏi huyện nghèo, hòa nhập cùng sự phát triển của cả nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nhân dân các dân tộc trong huyện ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Giàng A Thào - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trạm Tấu