Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia ý kiến vào 4 dự án luật gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Theo đó, đa số các đại biểu nhất trí đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với các nội dung: về đối tượng chịu thuế (Điều 2); về đối tượng không chịu thuế (Điều 3); về căn cứ tính thuế (Điều 5); về thuế suất (Điều 8), việc bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá, việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo lộ trình; việc sửa đổi, bổ sung mô tả và mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường và sửa đổi thuế suất đối với mặt hàng xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép; về quy định đối với mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml; về tổ chức thực hiện (Điều 12).
Đối với dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung: về người nộp thuế (Điều 2); về thu nhập chịu thuế (Điều 3); về thu nhập được miễn thuế (Điều 4); về kỳ tính thuế (Điều 5); về xác định thu nhập tính thuế (Điều 7); về doanh thu (Điều 8); về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Điều 9); về thuế suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (khoản 2, Điều 10); về phương pháp tính thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam; về điều kiện và mức độ hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt và đề nghị bổ sung thêm trong Luật một số cụm từ cho chính xác.
Lãnh đạo Cục Thuế tham gia ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án Luật.
Đối với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các đại biểu cũng nhất trí với các nội dung: về quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (Chương II); về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp (Chương III); về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp (Chương IV); về sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Chương V); về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn (Chương VI).
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng cơ bản nhất trí đối với các điều khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của 7 luật hiện hành, gồm: Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên, một số đại biểu có ý kiến đề nghị nội dung Luật Kế toán cần bổ sung thêm từ hoặc cụm từ để đảm bảo tính chính xác, bổ sung thêm chữ kí của người lập sổ và kế toán, cần xem xét bổ sung chuẩn mực kế toán; Luật Ngân sách cần chỉnh sửa thời gian cho hợp lý, điều chỉnh nội dung tăng, giảm thu ngân sách; Luật Quản lý thuế cần sửa đổi nội dung để linh hoạt áp dụng trong cưỡng chế kê biên tài sản, hóa đơn...
Tại Hội nghị, cũng có đại biểu cho rằng trong quá trình hoạt động thương mại điện tử, cơ quan thuế cần phối hợp với các sở, ngành, vì vậy đề nghị cần bổ sung thêm nội dung các sàn thương mại điện tử trực tiếp kê khai nộp thuế; đối với Luật Quản lý thuế cần quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế, yêu cầu các tổ chức, cá nhân nhất là các tổ chức nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến việc nộp thuế; cần bổ sung thêm nội dung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các cơ quan thuế…
Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án Luật.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, biểu dương các đại biểu, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã tập trung nghiên cứu, chủ động, trách nhiệm tham gia ý kiến vào các dự án luật. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến tham gia vào các dự án luật để trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Minh Huyền - Đức Toàn