Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/10/2024 | 9:02:09 AM

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để huy động sức mạnh cộng đồng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phát động “Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” nhằm xóa hơn 153.000 nhà tạm, dột nát nằm ngoài vốn ngân sách. Chương trình là bước tiếp nối phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”.

Gia đình ông Bùi Văn Hưn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang hoàn thiện căn nhà mới.
Gia đình ông Bùi Văn Hưn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang hoàn thiện căn nhà mới.

Linh hoạt tổ chức thực hiện

Từ năm 2011 đến cuối năm 2023, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Qua rà soát, đến nay cả nước vẫn còn khoảng 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát chưa đạt chuẩn "3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, khoảng 400.000 căn nhà trên được chia thành 3 nhóm gồm: Khoảng 200.000 căn nhà người có công sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách; hơn 80.000 nhà được hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia và 153.881 căn cho hộ nghèo, cận nghèo nằm ngoài vốn ngân sách với trên 6.500 tỷ đồng.

Với 153.881 căn nhà của hộ nghèo, cận nghèo nằm ngoài ngân sách, có 106.967 nhà cần xây mới, 46.914 nhà sửa chữa. Hiện chỉ có thành phố Hà Nội và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 1 đã hoàn thành với khoảng 500.000 căn nhà (kinh phí khoảng 11.000 tỷ đồng); sắp tới sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo, với khoảng 200.000 căn nhà, bằng nguồn ngân sách nhà nước. Việc hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô khoảng 130.000 nhà, đến nay đã hoàn thành khoảng 50.000 nhà, còn hơn 80.000 nhà cần hoàn thành trong thời gian tới, cũng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Để xoá 153.881 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo nằm ngoài hỗ trợ của ngân sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị phương pháp, cách làm mới trong việc cân đối, bố trí nguồn lực theo từng nhóm các tỉnh, thành. Theo đó, nhóm tỉnh, thành kinh tế phát triển sẽ tự đảm nhận và hỗ trợ địa phương khác; nhóm địa phương khó khăn, nhóm nghèo sẽ có cơ chế huy động nguồn lực, hỗ trợ phù hợp.

"Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên 5% năm 2024 của ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương cùng với nguồn lực xã hội hóa để thực hiện theo cách vừa phân công, vừa giao chỉ tiêu hỗ trợ theo địa chỉ, để các địa phương có điều kiện hỗ trợ các địa phương khác; vận động và phân công các bộ, cơ quan, ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn, địa phương nghèo”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Để đến hết năm 2025 hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội hỗ trợ, kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ với tinh thần cả nước chung tay, "ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều”. Đồng thời, giảm khâu trung gian; từ đó triển khai nhanh chóng, thực chất, hiệu quả.

Chung tay vì cộng đồng

Gia đình ông Bùi Văn Hưn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang hoàn thiện căn nhà mới. "Được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, tôi vay anh em họ hàng được 100 triệu đồng để cố gắng hoàn thành căn nhà vào cuối năm nay. Trước đó, là hộ nghèo, nên đại diện xã và cơ quan chức năng huyện đã đến khảo sát và được vận động, hỗ trợ để làm vì nhà đã cũ, có nguy cơ sập”, ông Hưn chia sẻ.

Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát, mới đây, tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình đã tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm 450 ngày đêm hoàn thành "xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình, tỉnh vẫn còn 3.194 hộ sống trong nhà tạm, nhà dột nát và có nhu cầu sửa chữa. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước, tỉnh đã tiếp nhận nguồn phân bổ của Trung ương MTTQ Việt Nam và sự ủng hộ từ 9 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với tổng số tiền 43,6 tỷ đồng. Sau 2 đợt phân bổ, tỉnh dự kiến sẽ hỗ trợ xây dựng mới 872 nhà, với tổng trị giá 43,6 tỷ đồng. Song, tỉnh vẫn cần thêm sự sẻ chia, ủng hộ để có thể xóa bỏ 2.322 nhà tạm, nhà dột nát còn lại…

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, tỉnh còn trên 36.000 căn nhà không đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng, chiếm khoảng 12% tổng số nhà ở trong toàn tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, sẽ xây dựng và bàn giao hơn 1.800 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau xác định công tác vận động xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quy định, góp phần giảm nghèo bền vững, đặc biệt là hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025”.

Đến ngày 12/10, tỉnh đã tiếp nhận được gần 12 tỷ đồng từ nhiều doanh nghiệp, công ty, tổ chức hỗ trợ, đóng góp vào Quỹ ‘‘Vì người nghèo’’ của tỉnh để đầu tư xây dựng nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Nhiều doanh nghiệp đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia ủng hộ Quỹ ‘‘Vì người nghèo’’ và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

Từ nay đến năm 2029, tỉnh đặt mục tiêu vận động Quỹ ‘‘Vì người nghèo’’ và an sinh xã hội hằng năm đạt từ 90 tỷ đồng trở lên, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua ‘‘Xóa nhà tạm, nhà dột nát’’ với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. Hằng năm, tỉnh có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo.

Là địa phương chủ động được nguồn tài chính, mới đây, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo” năm 2024 (từ ngày 17/10 - 18/11/2024) để chung tay xây dựng và sửa chữa 358 căn nhà với tổng giá trị hơn 20,4 tỷ đồng. Tại lễ phát động, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh và Quỹ "Vì người nghèo” đã tiếp nhận đóng góp từ 45 tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền hơn 18,9 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn 100% nhà tạm bợ, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và các hộ khó khăn trước ngày 30/4/2025.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cho biết, để nguồn vốn xóa nhà tạm, nhà dột nát đến đúng đối tượng, Thành phố đã thành lập tổ công tác giám sát, xác định, phân loại, lập dự toán kinh phí hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch. Hàng tháng, các đơn vị tại địa phương sẽ báo cáo tiến độ giải ngân và tình hình triển khai để có hướng giải quyết kịp thời vướng mắc… TP Hồ Chí Minh đang thực hiện hỗ trợ xóa nhà dột, nhà tạm theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp một phần vốn, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng. Trong đó, việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn được đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định pháp luật.

Ngay sau chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi”, tổng số tiền huy động được là 5.932 tỷ đồng; trong đó 3.287 tỷ đồng được huy động trực tiếp tại chương trình và 2.645 tỷ đồng là số tiền các địa phương đã huy động được trong thời gian qua.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến: Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng giúp đỡ cùng hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở, phong trào "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” được thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là dấu mốc lịch sử, khi lần đầu tiên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo: Việc hỗ trợ có thể bằng nhiều hình thức, không nhất thiết chỉ là kinh phí, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc hỗ trợ ngày công tại địa phương rất quan trọng. Theo thống kê, hiện đã có 16 địa phương tự cân đối ngân sách cho chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các địa phương này không chỉ xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, mà còn có thể hỗ trợ các địa phương khó khăn khác.

(Theo Báo Tin tức)

Các tin khác
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.

Hôm nay (17-10) chính thức diễn ra phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Toàn cảnh cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương cần thiết để hỗ trợ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 36 địa phương là 281,5 tỷ đồng.

Toàn cảnh Đại hội

Chiều 16-10, tại Hà Nội, 1.052 đại biểu đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận các cấp đã có mặt tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam, lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Đại tá Trần Công Ứng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.

Chiều 16/10, Đại tá Trần Công Ứng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự tỉnh Yên Bái chủ trì Hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ tuyển quân và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục