Phát biểu thảo luận ở tổ, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà khẳng định năm 2024 là năm phát triển đồng bộ, toàn diện nhất với 14/15 chỉ tiêu đạt được. Trong đó tăng trưởng kinh tế cao, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt làm phát là nỗ lực của hệ thống chính trị và Chính phủ.
Theo đại biểu Trà, chưa bao giờ Chính phủ và hệ thống chính trị quan tâm đến đột phá như bây giờ, nhất là 2 vấn đề về thể chế và hạ tầng.
"Chúng ta đã cụ thể hóa hiện hữu, rất sinh động về thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Đây là một điểm rất sáng thể hiện tính nhân văn của thể chế chính trị và quan điểm phát triển của đất nước” - đại biểu Trà phát biểu.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu thảo luận ở tổ sáng 26/10
Đại biểu Trà nhắc lại tinh thần đại đoàn kết toàn dân và nghĩa đồng bào sâu nặng được khơi dậy qua cơn bão số 3 vừa qua và phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo với sự huy động nguồn lực rất lớn, Chính phủ tập trung ưu tiên cho việc này để kết thúc năm 2025 sẽ hoàn thành, là vấn đề rất lớn cho giảm nghèo…
Trong thảo luận, đại biểu thông tin về tình hình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng nhiều địa phương đã rất nỗ lực...
Vấn đề thực hiện Luật Đất đai năm 2023 ở các địa phương là khác nhau
Phát biểu tham luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định việc triển khai thi hành Luật đất đai năm 2024 là một quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi đưa Luật vào thi hành sớm hơn 5 tháng để giải quyết ngay những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Đại biểu cho biết, đến nay Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành đầy đủ 10 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 7 thông tư. Báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường đã cập nhật tình hình thực hiện đến ngày 19/10 là thời điểm báo cáo thì trong 63 tỉnh, thành có 2 địa phương đã ban hành đầy đủ 20 nội dung do luật quy định có 10 tỉnh, thành đã ban hành cơ bản đầy đủ, tức là từ 17 đến 19/20 nội dung; 6 tỉnh, thành phố thì ban hành rất ít.
Như vậy là vấn đề thực hiện ở các địa phương là khác nhau. Thủ tướng Chính phủ cũng có rất nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương để sớm ban hành và qua theo dõi trong khoảng thời gian hai tuần trở lại đây, nhất là sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ thì các địa phương đã rất là tích cực và đến thời điểm này thì cũng đã có cải thiện nhiều cái.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận ở tổ
Liên quan đến khó khăn trong việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, bảng giá đất hiện hành là theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 để thực hiện đến 31/12/2025. Đồng thời sẽ chuẩn bị các điều kiện để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và sẽ thực hiện từ ngày mùng 1/1/2026.
Đại biểu cho biết, qua theo dõi thì có nhiều địa phương phản ánh là rất vướng mắc, rất khó khăn nhưng ngược lại có nhiều địa phương thì không có khó khăn, vướng mắc gì. Báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường đã chỉ rõ, đó là vấn đề tổ chức thực hiện Luật đất đai năm 2023.
Trong đó quy định là bảng giá đất được ban hành và áp dụng cho giai đoạn 5 năm từ 2014 - 2019 và giai đoạn tiếp theo là 2019 - 2024 và được điều chỉnh, bổ sung hằng năm và luật thì không hạn chế số lần điều chỉnh, bổ sung.
Trên thực tế, có nhiều địa phương thường xuyên điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất, nhiều nhất là 6 lần thì đối với những địa phương này do có điều chỉnh, bổ sung thường xuyên, có những địa phương một năm điều chỉnh 2 lần nên giá đất trong bảng giá đất về cơ bản là tiệm cận với mặt bằng giá thực tế tại địa phương. Vì vậy lần này có điều chỉnh, bổ sung thì không có cái cái tác động lớn đến các đối tượng là tổ chức, cá nhân sử dụng đất, nhất là vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Nhưng có những địa phương thì không điều chỉnh, bổ sung thường xuyên, thậm chí là chưa điều chỉnh lần nào trong giai đoạn từ 2020 đến nay, nay thực hiện việc điều chỉnh theo quy định của Luật Đất đai 2024 là tiệm cận với mặt bằng giá đất thực tế thì sẽ gây ra tác động lớn.
Theo thống kê của chúng tôi, trong giai đoạn từ 2020 đến nay thì có 29/63 địa phương điều chỉnh nhiều lần, có 23/ 63 địa phương điều chỉnh 1 lần và 11/63 địa phương không điều chỉnh.
Liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Duy cho biết, tại Điều 16 Luật Đất đai có quy định là trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước đây chúng ta dùng cái khái niệm là hỗ trợ, tức là khả năng của Nhà nước tới đâu thì hỗ trợ tới đó tùy theo điều kiện cụ thể. Nhưng trong Luật Đất đai 2024 quy định, là trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần nếu mà chưa có thì phải bảo đảm cho có đất ở, đất sản xuất, đất sinh hoạt cộng đồng; nếu có rồi nhưng thấp hơn hạn mức thì Nhà nước phải có chính sách để bảo đảm giao đất cho đủ hạn mức.
Thậm chí có những trường hợp trước đây Nhà nước đã giao, đã hỗ trợ có đất ở, đất sản xuất nhưng nay vì lý do nào đó như là chuyển nhượng như là tặng cho, thừa kế mà nay còn đang thiếu thì đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách của Nhà nước vẫn có chính sách để bảo đảm giao bổ sung thêm để cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ tất cả các sản xuất.
Đại biểu cho biết, quy định chi tiết được hướng dẫn bổ sung tại Điều 8 của Nghị định 102 của Chính phủ và trong luật cũng đã quy định giao cho HĐND tỉnh ban hành chính sách của địa phương về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay qua theo dõi của chúng tôi thì nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về việc này.
Chính phủ nghiên cứu, ban hành chính sách nhằm phát triển bảo hiểm nông nghiệp
Với vai trò là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Thành Trung (ảnh trên) thông tin, năm 2024 các tỉnh miền Bắc phải gánh chịu hậu quả vô cùng lớn do cơn bão số 3 Yagi gây ra kể cả về người và tài sản (hơn 300 người chết, thiệt hại về tài sản rất nghiêm trọng khoảng 81.703 tỷ đồng, trong đó Quảng Ninh 24.876 tỷ đồng, Hải Phòng 12.249 tỷ đồng, Lào Cai 6.834 tỷ đồng, Yên Bái 5.738 tỷ đồng, Hoà Bình 1.065 tỷ đồng chưa bao gồm các thiệt hại gián tiếp không thống kê được). Cơn bão Yagi ước tính làm giảm 0.15% GDP năm 2024.
Đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Tham gia góp ý vào một vấn đề cụ thể, đại biểu đặt vấn đề về vai trò của ngành bảo hiểm trong việc chia sẻ rủi ro do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Đại biểu cho rằng công cụ bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro thiên tai chưa được sử dụng như một giải pháp giảm thiểu thiệt hại.
Theo số liệu của ngành bảo hiểm, tổng số tiền ngành bảo hiểm dự kiến bồi thường cho các thiệt hại do bão số 3 gây ra khoảng 9.000 tỷ đồng chiếm 11,1% tổng thiệt hại, tại Quảng Ninh, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, dự kiến được bồi thường 1.200 tỷ đồng chiếm 4,8% tổng số tiền thiệt hai, một con số rất nhỏ.
Số liệu cho thấy vai trò của ngành bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp còn rất mờ nhạt, chưa thực sự trở thành tấm lá chắn đúng nghĩa, đúng bản chất chia sẻ rủi ro của ngành giống như các nước phát triển.
Nêu các nguyên nhân, đại biểu kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành chính sách nhằm phát triển bảo hiểm nông nghiệp như: mở rộng đối tượng được hỗ trợ phí cho người tham gia bảo hiểm nông nghiệp; khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm thông qua hỗ trợ tiếp cận tín dụng; mở rộng đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ như bảo hiểm sức khoẻ cho người nông dân, bảo hiểm nông nghiệp cho cây trồng vật nuôi, bảo hiểm tài sản cho vật tư trang thiết bị sản xuất nông nghiệp, bảo hiểm xuất nhập khẩu cho hàng hoá nông nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm cho các sản phẩm nông nghiệp…
Quang Tuấn - Hoàng Sâm