P.V: Theo mục tiêu phấn đấu, còn gần 60 ngày nữa là huyện Văn Yên cán đích huyện NTM. Xin ông cho biết những kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM tính đến nay?
Ông Hà Đức Anh: Với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thị trấn Mậu A cũng đã được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Cùng với đó, 46 thôn đã đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Điều này cho thấy, diện mạo nông thôn huyện Văn Yên đã có nhiều thay đổi tích cực. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được đầu tư khá hoàn chỉnh, sản xuất được đẩy mạnh, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.
P.V: Có được những thành quả trên, trong quá trình xây dựng NTM, huyện đã vượt qua những khó khăn nào?
Ông Hà Đức Anh: Bên cạnh những thuận lợi thì trong quá trình xây dựng huyện NTM củ, Văn Yên gặp không ít khó khăn bởi Văn Yên là một huyện vùng núi phía Bắc của tỉnh Yên Bái, địa hình có độ dốc lớn, độ chia cắt mạnh, thung lũng hẹp, rất khó khăn cho xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng. Hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng phần lớn có độ dốc lớn, khả năng giữ nước kém, dễ gây các hiện tượng sạt lở bờ, lũ ống, lũ quét. Cùng với đó là địa bàn rộng nhưng mật độ dân cư thấp; nhiều xã các điểm dân cư phân bố rải rác nên khó khăn cho việc quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Hơn nữa, xuất phát điểm các tiêu chí nông thôn mới của nhiều xã thấp, quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, hạn chế, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo lớn. Ban đầu, một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là tại các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chưa chủ động, tích cực tham gia thực hiện, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp chưa phát huy đồng bộ. Tính liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa cao. Việc chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm.
Đặc biệt, từ 2021 đến nay, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; suy thoái kinh tế và môi trường sản xuất, kinh doanh trong nước liên tục biến động, nhiều chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đứt gãy, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng; trong tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Văn Yên nói riêng hoạt động của các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
P.V: Biến những khó khăn thành hành động thiết thực, trên cơ sở các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, Văn Yên đã phát huy nội lực như thế nào trong xây dựng NTM, thưa ông?
Ông Hà Đức Anh: Trước những khó khăn và thách thức trên, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ huyện Văn Yên đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM với nhiều hình thức phong phú, phù hợp; đặc biệt khơi dậy được lòng tự hào, tự vươn lên trong xây dựng NTM của nhân dân.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, nỗ lực chung tay cùng nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Huyện đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM là của dân, do dân làm và nhân dân thụ hưởng.
Cùng đó, huyện đã huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM.
Đặc biệt phát huy nội lực, huyện Văn Yên chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là thế mạnh về sản phẩm quế và du lịch. Đến nay, huyện đã xây dựng các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phát triển mạnh các hợp tác xã, tổ hợp tác; đồng thời chú chú trọng đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh.
PV: Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu chính yếu trong xây dựng NTM? Vậy, để đạt được mục tiêu đó, thời gian qua, huyện Văn Yên đã có những giải pháp gì?
Ông Hà Đức Anh: Đúng vậy, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu chính yếu trong xây dựng NTM. Để đạt được mục tiêu đó, huyện Văn Yên đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, về nông nghiệp, huyện đã tập trung hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế cao; hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn , duy trì hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao.
Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện đã thu hút đầu tư vào các dự án phát triển chăn nuôi, chế biến thủy sản, gia súc, gia cầm theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch.
Trong phát triển du lịch, gắn với chuyển đổi số, huyện đã định hình được các loại hình du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng các di tích và phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân; hỗ trợ nông dân tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực sử dụng thiết bị thông minh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập.
Cùng với đó, Văn Yên đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn lực, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
P.V: Ông có thể chia sẻ những bài học rút ra trong quá trình xây dựng NTM ở Văn Yên?
Ông Hà Đức Anh: Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Văn Yên đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm quan trọng:
Trước hết, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt là yếu tố tiên quyết. Cấp ủy, chính quyền phải có vai trò dẫn dắt, tạo động lực, tạo sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân.
Tuyên truyền, vận động đi trước một bước: Làm cho người dân hiểu rõ về NTM, thực sự tâm huyết, mong muốn xây dựng nông thôn mới vì sự đổi mới, phát triển của địa phương.
Lồng ghép các nguồn lực: Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, và đặc biệt là nguồn lực của cộng đồng.
Phát huy nội lực: Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Chuyển đổi số: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác xây dựng NTM.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Văn Tuấn