Đại biểu Quốc hội dẫn chứng từng bị gọi điện lừa đảo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/11/2024 | 3:56:42 PM

Đại biểu Quốc hội cho biết nhiều lần bị gọi điện lừa đảo, bị khai thác những thông tin cá nhân, số điện thoại, chức vụ để đe dọa nhiều lần.

Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh cho biết bị lộ số điện thoại, chức vụ và nhiều lần bị đe dọa lừa đảo.
Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh cho biết bị lộ số điện thoại, chức vụ và nhiều lần bị đe dọa lừa đảo.

Thảo luận về dự án Luật Dữ liệu ngày 8.11, đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm. Theo đại biểu, chúng ta đều biết dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm tìm mọi cách để thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và kể cả quốc gia.

Vì vậy, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thật kỹ, nghiên cứu và bổ sung thêm, nhất là những hành vi có thể phát sinh trong tương lai.

Bởi vì hiện nay, tội phạm cũng đang phát triển để thích nghi nhằm đạt được mục đích, rõ nhất là trong thời gian vừa qua, tội phạm lừa đảo phát triển rất đa dạng và tinh vi.

Đại biểu dẫn chứng bản thân trong thời gian vừa qua cũng nhiều lần bị gọi điện lừa đảo, bị lộ các thông tin cá nhân, số điện thoại, công việc, chức vụ và bị đe dọa nhiều lần.

"Kể cả việc tôi thanh toán tiền điện, tiền nước qua app cho gia đình ba mẹ tôi họ cũng biết, gọi ra để đe dọa. Đó là vấn đề có thể dữ liệu đã bị lọt ra ngoài", đại biểu nói.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, về công khai dữ liệu, dự luật quy định dữ liệu được công khai có điều kiện gồm dữ liệu liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật đời sống cá nhân được công khai trong trường hợp được người đó đồng ý.

Dữ liệu liên quan đến bí mật gia đình được công khai trong trường hợp được các thành viên trong gia đình đồng ý.

Đại biểu đề nghị làm rõ thế nào là bí mật đời sống riêng tư, đồng thời cân nhắc quy định về bí mật đời sống riêng tư.

Theo ông Trần Văn Tiến, hiện nay, pháp luật hiện hành chỉ quy định về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Bộ luật Hình sự cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Do vậy, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát vấn đề này để đảm bảo thống nhất với Hiến pháp và quy định hiện hành.

Cũng thảo luận về quy định này trong dự Luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, quy định trên là cần thiết, giúp bảo đảm dữ liệu được đưa ra sử dụng rộng rãi, ứng dụng hiệu quả và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu mong muốn Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra làm rõ hơn sự khác biệt giữa nội dung điều này với việc tích hợp thông tin cá nhân với các thông tin thuộc về tổ chức, cá nhân phải giữ bí mật.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu sử dụng tài liệu, chủ thể dữ liệu, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị quy định rõ đối tượng dữ liệu mở cần phải được công khai để tổ chức, cơ quan, cá nhân thuận lợi khi tiếp cận, khai thác và sử dụng.

Muốn đảm bảo tính tương thích và hạn chế các quyền tiếp cận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng cần phải có quy định rõ những nội dung hạn chế quyền tiếp cận và đối tượng phải thực hiện các mức độ tiếp cận tương ứng với các nội dung.

(Theo LĐ)

Các tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm

Sáng 8/11, tại thành phố Trùng Khánh, trong chương trình tham dự các hội nghị hợp tác tiểu vùng Mekong và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với chính quyền thành phố Trùng Khánh tổ chức.

Đồng chí Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.

Ngày 8/11, Ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Yên năm 2024 tổ chức họp nhằm thống nhất triển khai công tác chuẩn bị cho diễn tập năm 2024. Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập tỉnh chủ trì cuộc họp.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 16, HĐND huyện Yên Bình.

Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2021 - 2026” , HĐND huyện Yên Bình đã đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ IV sẽ diễn ra vào ngày 13 và 14/11. (Ảnh minh họa)

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái lần thứ IV - năm 2024 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 13 - 14/11, tại Hội trường Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục