Khó khăn, vướng mắc khi thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn
Cùng dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; đại diện lãnh đạo các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an…
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ thanh tra, có rất nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Do đó, khi chức năng, nhiệm vụ này có sự thay đổi trên cơ sở hệ thống pháp luật về thanh tra đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế dẫn đến cũng kéo theo chức năng, nhiệm vụ về xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh này cũng có sự thay đổi theo.
Hiện nay, công tác xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương gặp phải một số khó khăn: Đối với một số trường hợp thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn nên không còn thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến việc chuyển hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền theo quy định để tiếp tục xử lý các hành vi vi phạm hành chính nên không đáp ứng được tính kịp thời trong xử phạt theo quy định pháp luật; đối với những hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính do các cơ quan, người có thẩm quyền chuyên ngành chuyển đến (do không có thẩm quyền xử phạt), thì thường đòi hỏi người có thẩm quyền xử phạt phải có kĩ năng, nghiệp vụ chuyên ngành sâu (về lĩnh vực chuyên ngành) để có thể phát hiện chứng minh và xử lý các hành vi vi phạm này.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, ngày 17/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/2023/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Nghị quyết số 20/NQ-CP), trong đó, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau khi các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, trước mắt, trường hợp Tổng cục tổ chức lại thành các Cục, Vụ và Cục thuộc Bộ được tổ chức lại thành Vụ thì việc thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục, Cục do Thanh tra bộ, Cục thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp đang có thẩm quyền xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật cho đến khi có quy định mới thay thế.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi quản lý có trách nhiệm rà soát, xác định các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt nhưng có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức hành chính.
Trên cơ sở rà soát Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhóm chức danh sau: Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật XLVPHC; các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không thuộc trường hợp phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật XLVPHC.
Bỏ thẩm quyền xử phat vi phạm hành chính đối với 6 chức danh
Đánh giá về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết quy định, điều chỉnh một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cân nhắc thời điểm điều chỉnh, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần do hiện nay các cơ quan đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương.
Việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến nội dung này là bảo đảm cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó "Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Về nội dung Chính phủ xin ý kiến UBTVQH, liên quan đến các chức danh trước đây có thẩm quyền xử phạt và thuộc cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, nhưng theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP thì không còn được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gồm 17 chức danh), Ủy ban Pháp luật tán thành đề xuất của Chính phủ về bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 05 chức danh. Đối với 12 chức danh Chính phủ đề xuất giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật tán thành việc giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 06 chức danh mà pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng như đối với 06 chức danh mà pháp luật chuyên ngành không quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính…
Ủy ban Pháp luật đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 35 chức danh, bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 06 chức danh (như tại Phụ lục kèm theo Báo cáo của Chính phủ). Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định phù hợp thời điểm sửa đổi, bổ sung các nghị định, trên cơ sở bám sát chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương.
Đồng thời, chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách, rà soát các pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh các chức danh có thẩm quyền xử phạt do có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn (nếu có), bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đồng thời triển khai thực hiện Luật Thanh Tra năm 2022 và căn cứ khoản 2 Điều 53 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định "Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến nội dung này là đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục.
Quán triệt tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH thống nhất hoàn toàn với đề xuất Chính phủ về việc bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 06 chức danh và giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 35 chức danh theo pháp luật hiện hành (có Phụ lục kèm theo Báo cáo của Chính phủ). Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung như thế nào trong các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ và khi phát sinh các vấn đề mới trong thực tiễn thì Chính phủ sẽ trình UBTVQH tiếp tục xem xét.
(Theo chinhphu.vn)