Sau khi đất nước thống nhất, Yên Bái phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Cùng với cả nước, tỉnh bắt tay vào công cuộc tái thiết, khôi phục nền kinh tế, xây dựng lại từ những khó khăn, đổ nát. Bước vào thời kỳ đổi mới, Yên Bái không ngừng nỗ lực vươn lên. Trong bối cảnh đất nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, tỉnh đã chọn hướng đi phù hợp, ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Với thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông sản như: lúa, chè, quế, măng và các loại cây ăn quả, Yên Bái đã triển khai xây dựng các mô hình phát triển nông thôn bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Hiện tại, tỉnh đã xây dựng được các vùng chuyên canh lớn như: vùng trồng tre măng Bát độ với diện tích 4.200 ha ở huyện Trấn Yên; vùng trồng quế với diện tích 57.000 ha ở huyện Văn Yên; vùng trồng cây ăn quả với diện tích 1.600 ha ở huyện Văn Chấn; vùng trồng cây sơn tra với diện tích trên 6.000 ha ở huyện Mù Cang Chải; vùng trồng bưởi với diện tích trên 350 ha ở huyện Yên Bình…
Cùng đó, những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông để kết nối các vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của địa phương. Hệ thống các khu công nghiệp dần được hình thành, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, Yên Bái đặc biệt quan tâm thực hiện công tác bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương. Chính sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa đã tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Từ những thành tựu ban đầu, tỉnh Yên Bái không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế đơn lẻ mà đã vươn lên để hội nhập với cả nước và quốc tế. Yên Bái đã chủ động tham gia các chương trình, dự án hợp tác phát triển vùng, kết nối với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước; đồng thời thúc đẩy phát triển ngành du lịch nhằm giới thiệu những giá trị đặc sắc của Yên Bái đến với bạn bè trong và ngoài nước. Đến nay, du lịch đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh.
Yên Bái được biết đến với những danh lam thắng cảnh, những di sản văn hóa phong phú như: huyện Mù Cang Chải với ruộng bậc thang; xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn với khí hậu trong lành, mát mẻ; hồ Thác Bà, huyện Yên Bình với hàng nghìn đảo lớn, nhỏ; nhiều lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Lễ hội đền Đông Cuông, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải; Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Cấp sắc của người Dao đỏ, Lễ hội đền Mẫu Thác Bà… và đặc biệt là "Nghệ thuật Xòe Thái” đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trung bình mỗi năm, có hàng triệu lượt khách du lịch đến Yên Bái, đóng góp không nhỏ vào ngân sách địa phương và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân.
Năm 2024, có 2,1 triệu lượt khách đến Yên Bái, doanh thu ước đạt 1.790 tỷ đồng. Ngoài du lịch, tỉnh cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nông sản chất lượng cao, sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như: chè Shan tuyết, quế, gạo đặc sản... Điều này không chỉ giúp Yên Bái nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo ra sản phẩm xuất khẩu, giúp tỉnh hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh cũng được cải thiện rõ rệt, tạo kết nối mạnh mẽ giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh bạn, đồng thời mở rộng cửa ngõ giao thương với các tỉnh miền xuôi và quốc tế. Hiện tại, Yên Bái đã xây dựng được 8 cây cầu vượt sông Hồng tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái.
Qua đó, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân, rút ngắn thời gian vận tải của doanh nghiệp; thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuyến đường cao tốc nối Yên Bái với các tỉnh đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thúc đẩy giao thương và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang là động lực quan trọng giúp tỉnh hình thành các trục kinh tế theo quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhân dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải làm đường giao thông nông thôn.
Cùng đó, đến nay, Yên Bái là điểm sáng trong vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới với tổng số 116 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hơn 300 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kinh tế hàng năm của Yên Bái đều tăng trưởng khá. Văn hóa - xã hội của tỉnh cũng có nhiều dấu ấn tích cực.
Chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Toàn tỉnh có gần 80% tổng số trường mầm non, phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 5,22%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng.
Nhìn lại chặng đường phát triển của Yên Bái sau ngày 30/4/1975, có thể khẳng định rằng cùng với sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, sự đoàn kết và thống nhất chính là yếu tố quyết định cho thành công của tỉnh. Đoàn kết không chỉ thể hiện ở sự đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền mà còn là sự gắn kết giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân.
Mỗi người dân Yên Bái đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Bởi thế, ngày 30/4 không chỉ là ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử mà còn là dịp để mỗi người dân Yên Bái ôn lại những ký ức hào hùng của quá khứ và khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Chính từ những giá trị lịch sử ấy, người dân trong tỉnh đã và đang tiếp tục phấn đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với sự quyết tâm và tinh thần đổi mới không ngừng, thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, hòa nhịp cùng cả nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Nền tảng quan trọng từ những thành tựu đã đạt được sẽ giúp Yên Bái tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh phát triển chung của đất nước, góp phần làm cho ngày 30/4/1975 không chỉ là một kỷ niệm lịch sử mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước phát triển ngày càng hùng cường, thịnh vượng.
Năm 2024, mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh Yên Bái đạt 7,91%, đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2023; bình quân 4 năm 2021 - 2024 đạt 7,54%. Trong đó: tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,56%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 10,17%, đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng; khu vực dịch vụ đạt 8,94%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng, đứng thứ 6 trong cả nước, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
|
Hồng Oanh