Triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 rõ người, rõ việc, rõ thời gian cụ thể
Tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng là 2 nhóm vấn đề trọng tâm, cấp bách và cũng là những công việc rất lớn mang tính cách mạng và có liên quan chặt chẽ với nhau đang được quyết liệt triển khai. Ngay sau những quyết sách lịch sử của Hội nghị Trung ương 11, Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị và kế hoạch cụ thể để triển khai hai nhóm công việc này với những định hướng và chỉ đạo cụ thể với yêu cầu phải hành động ngay với một tinh thần rất khẩn trương, quyết liệt.
Việc thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính đang được Đảng ta lãnh đạo chỉ đạo hết sức quyết liệt. Ngay sau Hội nghị Trung ương 11 thành công tốt đẹp, Ban Chấp hành Trung ương tổng kết Nghị quyết 18 đã ban hành Kế hoạch 47 phân công trách nhiệm triển khai thực hiện, sắp xếp, sắp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp. Đã có những đổi mới mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo chỉ đạo. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành và có thể bắt tay vào thực hiện được ngay.
Theo Kế hoạch 47, có 121 nhóm nhiệm vụ phải hoàn thành với mốc thời gian cụ thể được tính theo từng ngày. Trong đó, Đảng ủy Chính phủ thực hiện 29 nhiệm vụ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các quy định hướng dẫn sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, Đảng ủy Quốc hội có 6 nhóm nhiệm vụ. Ban tổ chức trung ương tham mưu thực hiện 17 nhiệm vụ. Các đảng ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thực hiện 40 nhiệm vụ. Các nhóm nhiệm vụ này cũng được ấn định thời gian hoàn thành cụ thể.
Đánh giá về sự đổi mới này trong chương trình Tọa đàm của Đài Truyền hình Việt Nam, Phó giáo sư, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an nhấn mạnh: "Chỉ trong vòng một tuần lễ kể từ Hội nghị Trung ương 11 đã ra tất cả những văn bản quy định Ủy viên Trung ương đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh đến cấp xã đều biết được mình phải làm việc gì, rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm và rõ thời gian cụ thể. Tôi cho đây là cách mạng, không chỉ cách mạng về mục tiêu mà còn là cuộc cách mạng về tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta cụ thể đến như vậy".
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhận định: "Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt ra là một yêu cầu tất yếu khách quan, là yêu cầu rất cần thiết phải làm và không thể không làm. Mục tiêu đã đặt ra và thời gian rất khẩn trương, nội dung rất nhiều công việc liên quan đến nhiều cấp ủy, tổ chức đảng từ trung ương đến địa phương, liên quan đến đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị của chúng ta. Vấn đề quan trọng là tổ chức chỉ đạo thực hiện như thế nào để những mục tiêu này trở thành hiện thực. Kế hoạch 47 đã đề cập khá đầy đủ và toàn diện vấn đề này. 121 nhóm nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo đặt ra rất rõ người, rất rõ việc, rất rõ trách nhiệm của các cấp ủy và tổ chức đảng từ trung ương đến địa phương và cơ sở. Nếu như hoàn thành tốt sẽ là cơ sở để chúng ta thực hiện thành công những chủ trương của Trung ương, của Bộ Chính trị Ban Bí thư về tổ chức bộ máy".
Đại hội XIV đã cận kề và thời gian để tổ chức Đại hội XIV cũng đã được ấn định vào quý I của năm sau. Nếu không tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần rất thần tốc như thế này thì có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của Đại hội.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, đặc điểm quan trọng nhất của Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 là được tiến hành theo mô hình chính quyền hành chính mới. Điều này đặt ra nhiều vấn đề mới, đặc biệt là trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu và công tác nhân sự.
Phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ
Để đảm bảo thành công của Đại hội trong bối cảnh mới, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 45 thay thế Chỉ thị 35. Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị cơ bản kế thừa những nội dung còn phù hợp trong Chỉ thị 35 và có bổ sung điều chỉnh một số nội dung mới cả trong xây dựng văn kiện và trong công tác nhân sự.
Ở những nhiệm kỳ Đại hội trước đây, Đại hội Đảng bộ các cấp tiến hành 4 nội dung. Còn theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị vừa ban hành, đối với những đảng bộ tỉnh thành phố hợp nhất, sắp nhập và các đảng bộ xã mới thì tổ chức Đại hội với 2 nội dung. Thứ nhất là tổng kết nghị quyết Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030. Nội dung thứ hai là thảo luận dự thảo văn kiện Đại hội cấp trên. Đại hội ở các địa phương này sẽ không xem xét bầu cấp ủy. Công việc này sẽ do cấp ủy cấp trên chỉ định. Đây là những điều chỉnh xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khi tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm cho biết thêm: "Chỉ thị 45 có rất nhiều nội dung, điểm mới kể cả trong vấn đề chuẩn bị văn kiện và công tác nhân sự. Điểm nhấn của Chỉ thị 45 là khẳng định cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy xây dựng và hoàn thiện cái tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu lực, hiệu năng để phục vụ tốt nhất cho yêu cầu phát triển của đất nước. Chỉ thị 45 đã khẳng định những vấn đề có liên quan đến nội dung văn kiện, đến công tác nhân sự thì phải luôn luôn gắn liền với quá trình sắp xếp về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới".
Với các địa phương sau khi sắp xếp sáp nhập thì nhân sự của Ban thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư cũng do cấp trên chỉ định.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, trong chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã nêu rõ việc chỉ định nhân sự thực hiện quy trình ba bước. Đây là việc làm rất cần thiết trong quá trình tinh giản và sắp xếp lại tổ chức bộ máy và vẫn đảm bảo được sự công tâm, khách quan.
Theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, cấp ủy tái cử phải đủ 48 tháng trở lên
Theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, cấp ủy tái cử phải đủ 48 tháng trở lên, tăng 18 tháng so với Chỉ thị 35. Trường hợp là Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy là đủ 42 tháng trở lên. Về cơ cấu, phấn đấu thực hiện tỉ lệ khoảng 5% cán bộ khoa học công nghệ tham gia cấp ủy. Các đảng bộ hợp nhất sáp nhập không nhất thiết phải đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên. Những yêu cầu chặt chẽ hơn, cao hơn so với Chỉ thị 35.
Về công tác nhân sự, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nhấn mạnh: "Đây là công việc quan trọng cần bảo đảm sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban thường vụ các tỉnh ủy và thành ủy. Giữ vững nguyên tắc bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm và đặc biệt như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và của Bộ Chính trị là phải đáp ứng được yêu cầu công việc, coi trọng và đề cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, uy tín, nhất là tư duy đổi mới và kết quả sản phẩm công tác cụ thể".
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị cũng là cơ hội để sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ, đặc biệt lưu ý làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau sáp nhập.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11
"Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải hội tụ đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước. Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân. Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn - tự nguyện đứng về phía sau vì sự phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi" - Tổng Bí thư nêu rõ.
Công tác cán bộ là then chốt của then chốt quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Đảng ta luôn xác định, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội nhiệm kỳ mới không chỉ là đảm bảo cho thành công của Đại hội của một nhiệm kỳ mà xa hơn. Đó là sự chuẩn bị nhân sự cho tương lai phát triển của tổ chức Đảng, sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong một bối cảnh đặc biệt như hiện nay, Đảng ta đã đưa ra những quyết sách đặc biệt để triển khai những nhiệm vụ mang tính chất cách mạng. Dù là những công việc rất lớn, rất khó, nhiều việc chưa hề có trong tiền lệ, song đấy chính là những công việc đang được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta quan tâm, theo dõi, ủng hộ, tin tưởng.
(Theo VTV)