Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái dự khai mạc và tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2025 | 2:12:48 PM

YênBái - Sáng 5/5, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham dự phiên khai mạc và tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tham dự phiên khai mạc kỳ họp có Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến... 

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái tham dự Kỳ họp gồm 6 đại biểu do đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm Trưởng đoàn.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày để xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Điểm lại những nội dung chính của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện; sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Cùng với nhiệm vụ lập hiến, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 11 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, bao gồm các lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, quản lý vốn nhà nước, tài chính - ngân sách, giáo dục, khoa học - công nghệ, dữ liệu cá nhân, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Đồng thời, xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Sau phát biểu khai mạc Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội nghe trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV; Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận tại Tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.


 Đại biểu Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận tại tổ

Trong phiên thảo luận tại tổ, 2 đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đã tham gia ý kiến thảo luận về các nội dung tại Kỳ họp. Theo đó, đại biểu Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái thống nhất cao với nội dung hai Tờ trình của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương tiến hành bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. 

Tuy nhiên, đại biểu đề xuất cần phân biệt rõ ràng giữa Nghị quyết về chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và Nghị quyết về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Đại biểu thống nhất với tên gọi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; còn đối với nghị quyết chủ trương ban đầu thì hiện đang ghi là "Nghị quyết về việc sửa đổi bổ sung một số Điều của Hiến pháp năm 2013”, đại biểu Duy đề nghị cân nhắc, sửa đổi thành "Nghị quyết về việc xem xét, sửa đổi bổ sung một số Điều của Hiến pháp...” như nội hàm đã ghi trong Điều 1 của Nghị quyết. Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị lược bỏ một số từ không cần thiết để ngắn gọn, dễ hiểu. 

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là hết sức cần thiết; tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Đồng thời nhấn mạnh, việc tinh gọn bộ máy hành chính đang được triển khai theo đúng chủ trương của Đảng, đòi hỏi Hiến pháp năm 2013 cần được sửa đổi, bổ sung. 


Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là hết sức cần thiết; tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy

Đại biểu thống nhất với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện tại. Đồng thời, nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là hai nhóm nội dung gồm: các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các quy định tại Chương 9 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp…

Kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XV được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 5/5 đến ngày 29/5; đợt 2 bắt đầu từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc chậm nhất vào ngày 30/6.

Thanh Chi

Tags Yên Bái Đại biểu Quốc hội Kỳ họp thứ 9 thảo luận tổ

Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong năm 2025, phải cơ bản xoá bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội. Thành lập “Quỹ nhà ở xã hội quốc gia” để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu.

Sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cuối buổi sáng 5/5 Quốc hội đã thảo luận ở tổ về: Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp tổ.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết nếu có thể thì nhiệm kỳ sau sẽ tính toán sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản để định hình sự phát triển của đất nước với một tầm nhìn dài hơn...

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì Lễ đón cấp Nhà nước Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka.

Sáng 5/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì Lễ đón Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục