Đây là lần đầu tiên đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động diễu binh tại nước ngoài. Có mặt tại thủ đô Moskva từ đêm 24/4 (giờ Mát- xcơ- va), tham gia Lễ duyệt binh là 68 cán bộ, học viên của Trường Sĩ quan Lục quân 1 có độ tuổi từ 19 - 30, chiều cao từ 1m8 trở lên, thể hình cân đối, thực hiện động tác điều lệ nhanh, mạnh, chuẩn xác. Trần Đức Hoàng, chàng sinh viên năm nhất Trường Sĩ quan Lục quân 1, người con của quê hương Yên Bái đang cùng đồng đội tự hào phất cao lá cờ đỏ sao vàng trên nước bạn Nga xa xôi.
Ước mơ ngày đầu
Năm 2024, khi kỳ thi tuyển sinh quân sự vừa khép lại, Trần Đức Hoàng – chàng trai quê thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cùng ba người bạn thân cùng lớp tại Trường THPT Nghĩa Lộ đã chính thức bước vào một hành trình mới, nơi kỷ luật và sự rèn luyện được đặt lên hàng đầu: Trường Sĩ quan Lục quân 1. Với nhiều bạn trẻ vùng cao, ước mơ khoác trên mình màu xanh áo lính từ lâu đã không chỉ là khát vọng phụng sự Tổ quốc mà còn là hành trình để rèn luyện bản lĩnh, vượt qua những thử thách khắc nghiệt của môi trường quân đội. Hoàng cũng không ngoại lệ.
Ngay từ khi còn học phổ thông, Hoàng đã bộc lộ tính cách kiên định, luôn có thái độ trách nhiệm cao với những gì mình đặt ra. Trong ký ức của những thầy cô Trường THPT Nghĩa Lộ, cậu học trò Trần Đức Hoàng là người hướng nội, chăm chỉ, luôn tiến về phía trước bằng sự cố gắng thầm lặng.
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển Trường Sĩ quan Lục quân 1, anh chàng hướng nội không giấu nổi niềm vui nhưng cũng chỉ mấy chữ trong dòng tin nhắn gửi cho mẹ: "Con đỗ rồi, mẹ ạ. Con sẽ vào quân đội, sẽ là bộ đội Cụ Hồ thật sự!”. Dòng tin ngắn ngủi ấy đã khiến cả gia đình vỡ òa trong cảm xúc.
Bước vào môi trường quân ngũ, những ngày đầu với Hoàng không hề dễ dàng. Từ nhịp sống tự do của học sinh phổ thông chuyển sang chế độ huấn luyện nghiêm khắc, Hoàng cùng các bạn phải tập làm quen với những buổi sáng thức dậy khi trời còn chưa sáng rõ, với bài tập thể lực đều đặn, với kỷ luật sắt thép của quân đội. Nhưng trong những cuộc gọi về nhà sau tháng đầu nhập học, Hoàng lạc quan: "Mẹ ơi, con quen rồi. Ở đây ai cũng nghiêm, nhưng tình đồng chí ấm áp lắm. Con học được nhiều điều mới mỗi ngày”.
Trần Đức Hoàng cùng gia đình
Chính trong môi trường kỷ luật ấy, Trần Đức Hoàng ngày càng trưởng thành, rắn rỏi. Trong các đợt luyện tập chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Trường Sĩ quan Lục quân 1 – một dấu mốc quan trọng của nhà trường, Hoàng đã nỗ lực vượt bậc. Dù là sinh viên năm nhất, cường độ luyện tập cao và yêu cầu khắt khe về thể lực, động tác và thần thái quân nhân nhưng không khiến Hoàng nao núng. Cậu luôn là một trong những người đến thao trường sớm nhất, chăm chú điều chỉnh từng tư thế, động tác theo hướng dẫn của cán bộ huấn luyện.
Nỗ lực đã trả về "trái ngọt”. Sau nhiều vòng tuyển chọn kỹ lưỡng, khắt khe, chàng trai cao 1m81 Trần Đức Hoàng đã vinh dự có tên trong danh sách 68 quân nhân của Trường Sĩ quan Lục quân 1 đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva, Liên bang Nga trong ngày hôm nay-9/5/2025.
Hoàng và các đồng đội đều là các quân nhân có tuổi đời từ 19-30, có chiều cao tối thiểu từ 1m8 trở lên và cũng là những cán bộ, giảng viên, học viên có thể hình cân đối, thực hiện động tác điều lệnh nhanh, mạnh, chuẩn xác.
Lúc hay tin chính thức được chọn, Hoàng chỉ kịp tranh thủ vài phút ngắn ngủi khi chờ làm thủ tục sân bay để nhắn về cho mẹ: "Mẹ à, con đi Nga thật rồi. Con được chọn rồi!” - lại một dòng tin nhắn đơn giản, nhưng đầy xúc động, tự hào.
Bạn của Hoàng cùng các sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga (Ảnh: FB Hoàng Ngọc Lan)
Thích nghi nơi xứ sở Bạch dương lạnh giá
Đêm 24/4, khi máy bay chở đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Sheremetyevo (Moskva), Trần Đức Hoàng – chàng lính trẻ lần đầu xuất ngoại, cảm nhận rõ cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa xuân xứ sở Bạch dương. Nhiệt độ chỉ khoảng 3- 5 độ C và có lúc xuống dưới 0 độ, với một người sinh ra và lớn lên ở vùng trung du Yên Bái, nơi có mùa đông, vẫn là một thách thức lớn.
Hoàng và đoàn quân nhân Việt Nam cùng những người bạn quân nhân Liên Bang Nga
Ngay những ngày đầu ở Nga, Hoàng và các đồng đội phải bước vào guồng quay tập luyện khẩn trương. Tuyết phủ dày đến 15 cm trên đường và nhiều góc phố, bước chân đầu tiên trên đất bạn không phải là chuyến tham quan hay mua sắm mà là thả đều răm rắp xuống mặt đường trong cái lạnh cắt da.
Trong một tin nhắn tranh thủ gửi về nhà khi được dùng điện thoại, Hoàng viết: "Ở đây lạnh lắm, mẹ ạ. Mới bước ra ngoài là run lập cập, thở ra khói. Con chưa quen nhưng sẽ cố gắng, vì ai cũng vậy mà".
Không chỉ là thời tiết, mà thói quen sinh hoạt, ăn uống và cả múi giờ chênh lệch cũng là thử thách tiếp theo. Những bữa ăn ban đầu khiến Hoàng và đồng đội bối rối: bánh mì đen, phô mai, thịt nguội, súp lạnh – đều là những món lạ lẫm.
Trong một tin nhắn khác, Hoàng hài hước chia sẻ: "Con thấy ăn xong vẫn đói. Món Nga lạ quá, không giống cơm canh ở nhà mình. Nhưng đoàn mình có đầu bếp đi cùng, chú ấy nấu thêm cơm, cá khô, ruốc mang từ nhà sang, ăn thấy ấm lòng".
Trên nền tuyết trắng xóa ấy, Hoàng và đồng đội vẫn rắn rỏi và đều tăm tắp những bước chân của đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam. Không quản giá rét, không ngại trở ngại, các chiến sĩ vẫn miệt mài tập luyện cho lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ – mang theo tinh thần kỷ luật, bản lĩnh và niềm tự hào dân tộc. (Ảnh: FB Hoàng Ngọc Lan và gia đình cung cấp)
Lạnh, đói, lạ lẫm – những thử thách ấy có thể khiến một người trẻ dễ nản lòng. Nhưng với Hoàng, mỗi ngày trôi qua là một ngày trưởng thành. Trong những buổi tập luyện trên thao trường tại thủ đô nước bạn, cậu dần quen với những bước chân dứt khoát, thẳng hàng; quen với cách điều chỉnh nhịp thở để giữ sức dưới lớp quân phục dày và giày da cứng. Cậu bắt đầu học vài câu tiếng Nga đơn giản để chào hỏi, để gật đầu mỉm cười với những người dân địa phương đang tò mò quan sát đoàn quân Việt Nam.
Cũng trong một tin nhắn ngắn gọn gửi về, Hoàng viết: "Con bắt đầu quen rồi mẹ à. Lạnh nhưng không còn run nhiều nữa. Chân cũng bớt đau rồi. Ở đây có tình cảm đồng đội, anh em san sẻ với nhau từng cái áo giữ nhiệt. Con thấy tự hào khi khoác trên vai màu cờ Việt Nam".
Không nhiều lời, không phô trương, nhưng từng dòng chữ của Hoàng gửi về như mở ra cả một hành trình vượt lên chính mình nơi đất khách. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, giữa đại lộ đá granit của Quảng trường Đỏ - nơi từng chứng kiến bao khoảnh khắc lịch sử của nước Nga vĩ đại và của cả thế giới - Hoàng và đồng đội đang đại diện cho tinh thần bất khuất, kiên cường của người lính Việt Nam thời hội nhập.
Tại Yên Bái, gia đình Hoàng cũng đang theo dõi từng bước chân của con. Mẹ của Hoàng - chị Bùi Thị Lan, cán bộ công tác tại Huyện ủy Văn Chấn, xúc động chia sẻ: "Nhìn thấy con trên truyền hình, qua báo chí, tôi không kìm được nước mắt. Con đã trưởng thành và làm rạng danh gia đình, quê hương". Hành trình của Trần Đức Hoàng từ Nghĩa Lộ đến Quảng trường Đỏ cũng như các chiến sĩ trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam là minh chứng cho ý chí, nghị lực và lòng yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam.
Đối với người dân Nga, Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng 9/5 không chỉ là sự kiện chính trị trọng đại mà còn là dịp để nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc, là dịp giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần chiến đấu anh dũng và những hy sinh của thế hệ cha ông để giành độc lập, tự do. Những bước chân người lính đã từng tạo khối ấn tượng trong Lễ diễu binh, diễu hành quy mô lớn nhất kỷ niệm 80 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/1975- 30/4/2025).
Hôm nay, Trần Đức Hoàng trong đội hình 68 quân nhân của Trường Sĩ quan Lục quân 1 đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam, là những bước chân tự hào của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam để tiếp tục kế thừa, tiếp nối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp, gần gũi, gắn bó của quan hệ Việt Nam - Liên Xô và nay là Liên bang Nga 75 năm qua trong binh lửa chiến tranh đến hòa bình, độc lập, thống nhất hôm nay.
Anh Dũng