Quốc hội thảo luận về sửa Hiến pháp và tổ chức chính quyền địa phương

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/5/2025 | 7:44:14 AM

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành toàn bộ thời gian buổi sáng 14/5 để thảo luận ở hội trường về các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Sửa đổi, bổ sung 2 nhóm nội dung trong Hiến pháp 2013

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.

Một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, vẫn còn có sự trùng lắp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, trùng lặp về đối tượng vận động tập hợp ở một số tổ chức thành viên của Mặt trận, có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát cơ sở, nắm tình hình Nhân dân chưa kịp thời.

Mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa phát huy được tối đa việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh nêu trên, Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung.

Cụ thể là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cụ thể cấp tỉnh gồm: tỉnh, thành phố; cấp xã gồm: xã, phường và đặc khu (ở hải đảo). Đối với đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.

Dự thảo cũng sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.

Theo đó, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh: ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành thì bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư,… của địa phương.

Còn Chính quyền địa phương cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã (mới);

Nội dung dự thảo quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp xã, đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo.

Về tổ chức, chính quyền địa phương cấp tỉnh cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Với cấp xã, dự luật quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu): HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của ĐVHC cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.

Chiều 14/5, Chính phủ trình Quốc hội các dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội thảo ở hội trường về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

(Theo VOV)

Các tin khác
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Chính phủ trình Quốc hội đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 121.740 tỷ đồng.

Xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân tham gia vào Đề án sáp nhập tỉnh và đơn vị hành chính cấp xã vào ngày 24/4 vừa qua.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Việc lấy ý kiến của Nhân dân tham gia, góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 là sự kiện chính trị quan trọng được triển khai rộng khắp. Tại các địa phương, việc lấy ý kiến nhân dân đã và đang thu hút sự tham gia của mọi người dân ở mọi lứa tuổi, ngành nghề. Đây cũng là dịp để mỗi công dân đóng góp công sức của mình đối với sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko

Khuôn khổ Đối tác chiến lược sẽ nâng quan hệ Việt Nam - Belarus lên tầm cao mới trên cả bình diện song phương và đa phương, thúc đẩy hình thành các cơ chế mới.

Phó Thủ tướng Belarus Anatoly Sivak tiễn Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân tại sân bay quốc tế Minsk (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Belarus, tạo cơ sở đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục