P.V: Xin bác sĩ cho biết diễn biến tình hình bệnh viêm não Nhật Bản của tỉnh nói chung và huyện Trấn Yên nói riêng?
Bác sĩ Chuyên khoa II Vũ Thị Châu Loan: Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong lên tới 30%, tỷ lệ di chứng khoảng 50%. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chỉ tiến hành điều trị triệu chứng. Một ca bệnh nặng điều trị trong thời gian dài, chi phí rất lớn nhưng khả năng bình phục rất thấp. Mùa hè - mùa thích hợp cho các côn trùng truyền bệnh phát triển. Các căn nguyên gây viêm não thường là các vi rút Arbo (trong đó có vi rút viêm não Nhật Bản), vi rút Herpes, các vi rút đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay - chân - miệng), sởi, quai bị…
Hiện nay, viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10 - 15% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút. Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5 đến tháng 7. Sở dĩ, bệnh hay gặp vào mùa này vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.
Hằng năm, trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn ghi nhận các ca bệnh rải rác. Năm 2024, đã ghi nhận 5 ca bệnh viêm não Nhật Bản, tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Những năm gần đây, huyện Trấn Yên chưa ghi nhận ca viêm não Nhật Bản nào. Tuy nhiên, hiện nay đang chuẩn bị vào mùa dịch nên không chủ quan, lơ là và cần chủ động phòng, chống bệnh.
P.V: Đến thời điểm này, huyện Trấn Yên đã triển khai các giải pháp gì thưa bác sĩ?
Bác sĩ Chuyên khoa II Vũ Thị Châu Loan: Các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung được triển khai thường xuyên, liên tục. Ngay từ đầu năm, công tác chỉ đạo luôn được các cấp quan tâm và triển khai kịp thời, hiệu quả. Trung tâm đã tham mưu với UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ban ngành và các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống dịch.
Trong đó, tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong độ tuổi, bảo đảm tỷ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản (năm 2024, tỷ lệ tiêm phòng viêm não Nhật Bản mũi 2 đạt 99,91%, mũi 3 là 99,53%). Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 2 đạt 41,27% và mũi 3 đạt 323,88%.
Song song với đó, Trung tâm tổ chức tốt công tác giám sát dịch, các trạm y tế thực hiện báo dịch hàng ngày theo quy định, chủ động giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao, giám sát từ thôn, bản, trạm y tế, hướng dẫn người dân tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nguy cơ và hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, xử lý nơi muỗi sinh sản.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe từ Trung tâm đến y tế tuyến cơ sở, giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc vệ sinh môi trường, biết cách phòng tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy và chủ động theo dõi các triệu chứng nghi ngờ bệnh để đi khám sớm. Hơn thế, chủ động và sẵn sàng chuẩn bị thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngay trước thời điểm "mùa” viêm não Nhật Bản, ngành y tế Trấn Yên đã tăng cường đôn đốc y tế cơ sở chú trọng công tác giám sát vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của bệnh, đặc biệt là những ổ dịch cũ để phát hiện bệnh sớm; đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh, phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản đúng tuổi và đủ mũi...
Trạm Y Tế xã Thành Thịnh, Trấn Yên tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em.
P.V: Để phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản cần làm gì, cách xử lý cụ thể khi phát hiện bệnh như thế nào thưa bác sĩ?
Bác sĩ Chuyên khoa II Vũ Thị Châu Loan: Bệnh viêm não Nhật Bản làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau như: vật vã mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt, tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 10 - 20%. Khi thấy có dấu hiệu sốt cao cùng các triệu chứng nghi ngờ tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh sẽ có kết quả điều trị tốt nếu phát hiện và điều trị sớm.
Để phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản người dân cần lưu ý một số biện pháp, trong đó, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất: mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi 1 một tuần và mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm.
Cùng với đó là phòng tránh muỗi đốt như: ngủ màn, phun hóa chất diệt muỗi ở tất cả các hộ gia đình trong khu vực, nhất là ở những vùng dân cư đang có dịch lưu hành, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt vào lúc chập tối, giữ gìn nhà ở và chuồng trại sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, loại bỏ các ổ bọ gậy, nơi muỗi sinh sản. Hạn chế các hoạt động ngoài trời vào lúc chập choạng tối và ban đêm - đây là khoảng thời gian muỗi cái bay đi hút máu.
Ngoài ra, tuyên truyền cho nhân dân xây dựng các chuồng trại chăn nuôi gia súc và khu vực canh tác xa khu vực dân cư sinh sống. Các vũng nước đọng, kênh mương, rãnh cống quanh chuồng chăn nuôi và các ruộng lúa nước là môi trường sống và đẻ trứng lý tưởng của vật trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản - muỗi Culex.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Trần Minh (thực hiện)