Trong chặng đường 10 năm đó, việc đưa Chỉ thị số 05 đi vào chiều sâu, trở thành nền nếp, hành động tự giác của cán bộ, đảng viên, là thước đo năng lực lãnh đạo và phẩm chất đạo đức của mỗi tổ chức Đảng. Tỉnh Yên Bái, với quyết tâm chính trị cao, phương pháp triển khai bài bản và tư duy hành động quyết liệt, đã trở thành điểm sáng trong việc thực hiện chỉ thị này, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.
Trong di sản vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc, tư tưởng, đạo đức và phong cách là ba trụ cột không thể tách rời, gắn bó chặt chẽ với quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng xã hội mới và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là hệ giá trị lý luận có tầm vóc thời đại mà còn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của Đảng ta trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.
Nhận thức sâu sắc điều đó, Chỉ thị số 05 ra đời nhằm tiếp nối, kế thừa và phát triển Chỉ thị số 06 và Chỉ thị số 03 trước đây, thể hiện sự kiên định trong đường lối giáo dục lý luận chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Chỉ thị số 05 không chỉ là một chủ trương mang tính định hướng mà là đòi hỏi cấp thiết trong điều kiện mới, khi công tác xây dựng Đảng phải đặt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh tư tưởng và sự biến động sâu sắc của xã hội hiện đại.
Từ yêu cầu đó, việc triển khai Chỉ thị số 05 phải được tổ chức một cách hệ thống, đồng bộ, nghiêm túc và sáng tạo; gắn với nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Đây là thử thách cũng là cơ hội để các tổ chức Đảng khẳng định năng lực lãnh đạo, tinh thần cách mạng và sự gắn bó máu thịt với nhân dân.
Tại các hội nghị triển khai nhiệm vụ, Đảng ủy phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái đều tổ chức trao giấy chứng nhận danh hiệu "Cán bộ, công chức tiêu biểu” cho các cán bộ có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ.
Tại Yên Bái, công tác tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05 được lãnh đạo tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt và phù hợp với đặc thù địa phương. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm thống nhất về chủ trương, đồng thuận trong hành động và hiệu quả trong thực tiễn.
Từ đầu năm 2025, tỉnh đã triển khai 8 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó nhấn mạnh việc quán triệt Kết luận số 01 của Bộ Chính trị gắn với Quy định số 144, Quy định số 09 và các văn bản nêu gương khác. Công tác học tập chuyên đề năm 2025 được thực hiện nghiêm túc trong toàn hệ thống chính trị, kết hợp giữa tuyên truyền chính thống và lan tỏa trên nền tảng truyền thông hiện đại, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, Yên Bái đã đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào chương trình đào tạo chính trị tại chỗ, lồng ghép với các chuyên đề lý luận của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm, làm phong phú thêm nội dung học tập, tăng tính thời sự và tính định hướng tư tưởng.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là tiếp nhận tri thức mà quan trọng hơn là chuyển hóa thành hành vi chính trị, thành chuẩn mực đạo đức và phong cách sống của người cán bộ, đảng viên. Yên Bái đã làm rõ điều này thông qua việc xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, được xem là minh chứng sống động, phản ánh trực tiếp kết quả của việc học tập và làm theo Bác. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 12 mô hình tập thể, hàng nghìn điển hình cá nhân với nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có thể kể đến: mô hình "Trường học hạnh phúc, hiện đại" của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành; thôn người Mông đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; các mô hình bảo tồn văn hóa dân tộc, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh... Những mô hình ấy không chỉ là sản phẩm của sự nỗ lực mà còn là công cụ truyền bá mạnh mẽ tư tưởng Hồ Chí Minh trong cộng đồng. Đồng thời, các cá nhân tiêu biểu như: nghệ nhân Hoàng Tương Lai, bác sĩ Sùng A Vang, cô giáo Hoàng Thị Vỵ… bằng hành động giản dị, cụ thể, đã khẳng định: học Bác là sống có trách nhiệm với công việc, với cộng đồng, với xã hội. Chính họ là cầu nối trực tiếp giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với đời sống thực tiễn là nguồn cảm hứng cho phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở.
Một trong những bài học lớn từ thực tiễn triển khai Chỉ thị số 05 ở Yên Bái là mọi chuyển biến đều bắt đầu từ nhận thức và hành động nêu gương của người đứng đầu. Khi cán bộ chủ chốt thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, tự giác học và làm theo Bác, thì sức lan tỏa sẽ mạnh mẽ, bền vững. Tỉnh đã đề cao công tác kiểm tra, giám sát gắn với thi hành kỷ luật Đảng; xử lý nghiêm các biểu hiện hình thức, thiếu trung thực; đồng thời, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Việc thể chế hóa thành quy chế, chỉ tiêu cụ thể giúp cho việc đánh giá kết quả học Bác trở nên thực chất, tránh dàn trải. Năm 2025, tỉnh Yên Bái đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa học và làm theo Bác với nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Học và làm theo Bác, người dân vùng cao Mù Cang Chải đoàn kết mở đường phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tỉnh sẽ tiếp tục tích hợp các mô hình học Bác với phong trào "Dân vận khéo”, đẩy mạnh truyền thông nhân các ngày lễ lớn như: kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 67 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái, 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh. Đây là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin chính trị và bồi đắp bản lĩnh cho thế hệ cán bộ kế cận.
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo lý luận; tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05 một cách nghiêm túc, qua đó rút ra bài học thực tiễn, định hình chiến lược dài hạn cho giai đoạn tiếp theo.
Chặng đường 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05 tại Yên Bái khẳng định một điều khi tư tưởng Hồ Chí Minh được tổ chức triển khai bài bản, bám sát thực tiễn, có sự tham gia tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân, việc học tập và làm theo Bác không chỉ trở thành nề nếp mà còn là động lực thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững.
Trong bối cảnh toàn Đảng đẩy mạnh xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức; tổ chức xắp sếp bộ máy, công tác cán bộ và kiên quyết phòng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, Chỉ thị số 05 không chỉ là yêu cầu thường xuyên mà là chuẩn mực hành động, là nền tảng tư tưởng để giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Hồng Duyên