Mù Cang Chải làm theo lời Bác

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thị trấn trung tâm huyện đã mang dáng dấp một đô thị, Mù Cang Chải đang đổi thay và càng đẹp hơn khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây hăng say thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương đẹp và no ấm như Bác Hồ hằng mong đợi.

Làng văn hoá Kim Nọi (Mù Cang Chải). Ảnh: Thanh Phúc.
Làng văn hoá Kim Nọi (Mù Cang Chải). Ảnh: Thanh Phúc.

Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 116 thôn bản, trong đó có nhiều thôn như: Lùng Cúng, Phình Ngài (Nậm Có), Háng Á (Hồ Bốn)… cách trung tâm xã hàng ngày đi bộ nhưng các báo cáo viên, tuyên truyền viên đều lặn lội đến từng bản. Với đặc thù vùng cao không thể tổ chức  những lớp học tập trung nên nội dung cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh" được chuyển thành những câu chuyện ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Đặc biệt, nội dung đó được thể hiện bằng hai thứ tiếng Kinh và Mông nên hấp dẫn lôi cuốn người nghe.

Đợt giá lạnh cuối Đinh Hợi đầu xuân Mậu Tý gây thiệt hại nặng cho huyện vùng cao Mù Cang Chải: 1423 con gia súc bị chết, trong đó có 569 con trâu, 225 con bò, 512 con nghé; trên 300 ha lúa cấy trước tết Nguyên đán mất trắng, diện tích mạ phục vụ cho cấy sau tết chết tới 90%, nhiều diện tích đậu tương, ngô bị hỏng. Vậy nên, từ lãnh đạo huyện đến cán bộ các phòng chuyên môn đều toả xuống cơ sở để chỉ đạo giúp bà con khắc phục sản xuất.

Gặp chúng tôi tại trụ sở UBND huyện trước giờ xuống xã Lao Chải, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khánh thông báo nhanh: Huyện đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Đến nay, đã tiến hành gieo cấy trên 200 ha lúa để bù vào diện tích bị thiệt hại, đồng thời tăng diện tích ngô xuân lên 910 ha. Dù khó khăn Mù Cang Chải vẫn quyết tâm phấn đấu đạt kế hoạch đã đề ra trong năm nay.

Trong bừa bộn công việc, chúng tôi liên hệ với Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Vũ Tiến Đức. Rất may, anh Đức vừa từ  xã Chế Cu Nha trở về. Về quá trình triển khai cuộc vận động, anh  cho biết: “ Sau một năm triển khai và trong năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết nhưng cuộc vận động vẫn đang được Đảng bộ tiến hành theo đúng kế hoạch, mục đích yêu cầu đã đặt ra”. Để minh chứng, anh Đức cung cấp cho chúng tôi một loạt các tài liệu. Đó là Báo cáo tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động, kế hoạch hoạt động và hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cuộc vận động trong năm của Ban chỉ đạo huyện năm 2008, kế hoạch chỉ đạo điểm thực hiện chuẩn mực đạo đức, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí... đặc biệt là báo cáo kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các chuẩn mực đạo đức thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí tại Đảng bộ xã Chế Cu Nha - đơn vị huyện chọn làm điểm để thực hiện trong năm nay mà anh vừa chỉ đạo về.

Ai đã từng một lần lên vùng cao mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nhân dân và cán bộ nơi đây. Địa hình xa xôi, cách trở, nhiều bản phải đi bộ cả ngày trời. Cơ sở hạ tầng thấp kém, kéo theo đó đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao, nhiều xã chiếm  tới 70 – 80%. Đói nghèo đi đôi với lạc hậu, mặc dù đã có thay đổi nhưng phải thẳng thắn đánh giá, trình độ  cán bộ cấp cơ sở rất bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tại nhiều xã, kiếm được một anh cán bộ đọc thông viết thạo đã là quý chưa dám nghĩ đến việc cán bộ đó chỉ đạo điều hành công việc tại địa phương một cách bài bản, khoa học. Cán bộ  còn vậy, người dân còn như thế nào? Những khó khăn này tác động không nhỏ đến chất lượng của cuộc vận động.

Anh Đức tâm sự: Sau khi triển khai, cán bộ, đảng viên đều nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập theo tấm gương của Bác, nhưng khi hỏi để làm theo Bác thì làm như thế nào nhiều người còn rất băn khoăn thấy rằng rất khó!

 Mù Cang Chải có 116 thôn bản, trong đó có nhiều thôn như: Lùng Cúng, Phình Ngài (Nậm Có), Háng Á (Hồ Bốn)… cách trung tâm xã hàng ngày đi bộ nhưng các báo cáo viên, tuyên truyền viên đều lặn lội đến từng bản. Đặc thù vùng cao không thể tổ chức  những lớp học tập trung nên nội dung cuộc vận động được gắn với các buổi họp bản, họp chi bộ. Tư tưởng, đạo đức, việc làm của Bác được chuyển thành những câu chuyện ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Đặc biệt, nội dung đó được thể hiện bằng hai thứ tiếng Kinh và Mông nên hấp dẫn lôi cuốn người nghe.

Vượt lên những khó khăn đó, Ban chỉ đạo huyện đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền bằng các hình thức qua loa truyền thanh, xây dựng các cụm pa nô, áp phích…, đội ngũ báo cáo viên giữ vai trò quyết định. 18 cán bộ ban tuyên giáo, các ngành của huyện là những đồng chí có khả năng truyền đạt, có kinh nghiệm, hiểu thực tế là chủ lực. Thêm vào đó, 200 tuyên truyền viên của 13 xã, thị trấn đã tạo thành đội xung kích hùng hậu trong việc chuyển tải tư tưởng, đạo đức của Bác đến với cán bộ, đảng viên và bà con vùng cao.

Để hướng dẫn mọi người làm theo tấm gương của Bác, nội dung tuyên truyền đề gắn với thực tiễn đời thường. Đó là việc từng hộ, từng người, từng bản cần đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng rừng, khai hoang ruộng nước, phát triển chăn nuôi, ăn ở hợp vệ sinh, tiết kiệm trong chi tiêu, phòng chống cháy rừng, không tảo hôn, không đẻ nhiều, không đi theo đạo lạ...vv và vv... Nhiều bà con, nhất là các già làng, trưởng bản, mặc dù trình độ văn hoá không cao nhưng sau khi học đã thông đều bảo nhau học tập theo đạo đức Bác Hồ, mọi người phải sống tốt, biết yêu thương nhau, giúp nhau xoá đói nghèo. Việc đó, ai cũng có thể học và làm theo được!

Như cây thông bám chặt chặt đất rừng, khi đã thông, đã hiểu, người vùng cao nói là làm. Sau khi triển khai, cuộc vận động đã  bắt đầu phát huy hiệu quả; trong đó rõ nét nhất là sự chuyển đổi nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên. Qua đợt học tập, cán bộ, đảng viên nào cũng đều ý thức rằng mình là “công bộc” của dân, phục vụ nhân dân. Điều này được minh chứng trong thành tích của Mù Cang Chải trong năm 2007 với các chỉ tiêu kinh tế -xã hội hoàn thành vượt mức, bộ mặt huyện có sự thay đổi cơ bản, đời sống người dân được nâng lên. Và, thể hiện rõ nét hơn trong đợt giúp dân khắc phục hậu quả thời tiết, đó là sự lăn lộn với cơ sở của đội ngũ cán bộ.

Đạo đức Bác Hồ đang toả sáng có tác động đến hành động của từng người dân vùng cao. Qua học tập, tác phong sinh hoạt của đội ngũ công chức xã trước đây có nhiều vấn đề, nay đã có sự thay đổi. Phó chủ tịch UBND xã Hồ Bốn, Lìm Văn Thái nhận xét: “Mặc dù cơ sở vật chất nơi làm việc của xã còn thiếu, cán bộ đi lại gặp rất nhiều khó khăn vì đường sá xa xôi. Nhưng từ khi thực hiện cuộc vận động, tôi nhận thấy, mỗi công chức xã đều nhận thấy rõ  trách nhiệm của cá nhân, vì vậy, tác phong sinh hoạt, trách nhiệm trong công việc của từng người đều nâng lên”.

Có lẽ, cuộc vận động có tác dụng rõ nét nhất tại Đảng bộ các xã Kim Nọi, Chế Cu Nha, Nậm Có... là những xã trước đây có biểu hiện mất đoàn kết. Đó là sự "vênh" giữa cấp uỷ, chính quyền  trong chỉ đạo điều hành công việc. Nay, các đồng chí lãnh đạo trong xã đã gạt đi những khúc mắc cá nhân để bắt tay vì công việc chung. Sự dân chủ  trong các Đảng bộ đã được phát huy. Đó là việc công khai trong thu chi ngân sách, về chương trình, dự án... tạo sự hiểu biết lẫn nhau, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành công việc tại cơ sở. Còn trong các buổi họp bản, qua học tập, bà con lên án rất mạnh việc sinh đẻ nhiều, việc tảo hôn, việc bảo vệ rừng, việc để trẻ em thất học... Từ cuộc vận động, nhiều bản đã xây dựng được hương ước, quy ước với những nội dung cụ thể để thực hiện. Ví như, dòng họ Lù, họ Lý ở Chế Cu Nha đã đề ra quy ước: trong họ không có người sinh con thứ ba, mọi người phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, phòng chống cháy rừng... Đây chính là những tín hiệu thật đáng mừng!

Sau đợt giá lạnh, lúa xuân đã bén rễ lên xanh trên những thửa ruộng bậc thang bát ngát nơi triền núi Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Khau Mang, Hồ Bốn... Trên dòng Nậm Kim, công trường xây dựng Thuỷ điện Hồ Bốn âm vang tiếng máy. Thị trấn trung tâm huyện đã mang dáng dấp một đô thị. Vùng cao đang đổi thay và càng đẹp  hơn khi người Mông Mù Cang Chải đang thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương đẹp và no ấm như Bác Hồ hằng mong đợi.

Phố núi Mù Cang Chải bên dòng Nậm Mơ.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Cán bộ MTTQ xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên tham gia lao động trong cùng nhân dân thôn Yên Thịnh trong

Trong thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Trấn Yên đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; đẩy mạnh công tác hòa giải, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo kiến nghị phản ánh của công dân.

Quang cảnh Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13-15/5 tại Nhà Quốc hội.

Lực lượng an ninh kinh tế triển khai nhiệm vụ công tác.

Không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ, không quản thời tiết nắng nóng hay mưa phùn, gió bấc, cán bộ, chiến sĩ lực lượng an ninh kinh tế (ANKT) thường xuyên có mặt tại địa bàn cơ sở hoặc âm thầm, lặng lẽ, chăm chú nghiên cứu hồ sơ, tài liệu để nắm tình hình các dự án đầu tư trọng điểm, dự án có vốn đầu tư lớn, các dự án có yếu tố nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh, nắm và theo dõi hoạt động của các tổ chức phi chính phủ triển khai các dự án tại các cơ quan, địa bàn, lĩnh vực do đơn vị phụ trách, tham mưu không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia…

Hoạt động “Ngày thứ Bảy cùng dân” đã huy động được sự tham gia của đông đảo người dân xã Nậm Lành.

Phát huy vai trò là cầu nối trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn không chỉ tham gia tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp thu và chuyển tải ý kiến của cử tri và nhân dân mà còn là tổ chức quan trọng trong vận động nhân dân phát triển kinh tế, chung tay thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Trong đó, đặc biệt là tiêu chí số 17 về môi trường, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục