Vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều biện pháp chỉ đạo công tác xoá đói giảm nghèo (XĐNG). Và hoạt động XĐNG thực sự đã và đang đi vào cuộc sống, đạt được những kết quả hết sức to lớn.

Nông dân xã Việt Cường hái chè xuân.
Nông dân xã Việt Cường hái chè xuân.

Mỗi năm bình quân tăng GDP trên 10%, giảm nghèo 4%, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 17.000 lao động, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng đúng hướng... tạo ra nhiều ngành, nghề nhằm tận dụng thế mạnh miền núi là đất, rừng và sức lao động làm cho bộ mặt thành thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, được Đảng, Nhà nước, các ngành, các bộ ở Trung ương đánh giá cao.

Các giải pháp mà địa phương đưa ra nhằm giải quyết việc làm và XĐGN làm giàu chính đáng là đẩy mạnh tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất và các đối tượng chính sách khác, là một giải pháp tích cực và có hiệu quả nhất. Thông qua hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đồng vốn của Nhà nước đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra việc làm, nâng cao mức sống cho họ giúp họ vươn lên thoát nghèo. Hoạt động tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần thắt chặt mối quan hệ giai cấp, là cầu nối giữa Đảng và nhân dân nhằm củng cố niềm tin của nhân dân.

Kể từ khi tách khỏi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thành lập NHCSXH để cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác thể hiện tính nhân văn, tính xã hội rất cao, là ý Đảng hợp với lòng dân. Thực chất, NHCSXH là một tổ chức tài chính nhà nước sử dụng phương pháp tín dụng trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để thực hiện chương trình mục tiêu XĐGN của quốc gia, không vì mục đích lợi nhuận.

Sau khi có Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập NHCSXH với quyết định thành lập chi nhánh NHCSXH tỉnh và các phòng giao dịch huyện, thị xã của chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, chỉ đạo UBND huyện, thị xã thành lập BĐD HĐQT NHCSXH các cấp để chỉ đạo NHCSXH từ tỉnh đến cơ sở sớm khai trương ổn định đi vào hoạt động. BĐD HĐQT NHCSXH các cấp được Điều lệ của NHCSXH qui định là một cấp lãnh đạo nhằm giám sát, kiểm tra mọi hoạt động của NHCSXH, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về việc huy động vốn và đầu tư vốn có hiệu quả.

Do vậy, thành viên BĐD NHCSXH các cấp là lãnh đạo UBND tỉnh, huyện, thị xã và lãnh đạo một số ban, ngành mặc dầu kiêm nhiệm nhưng với tâm huyết vì sự nghiệp XĐGN, vì người nghèo đã góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động của NHCSXH.

Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, nghề dệt thổ cẩm ở thị xã Nghĩa Lộ được khôi phục đã nâng cao đời sống của người dân.

Ra đời và đi vào hoạt động sau 5 năm, NHCSXH Yên Bái còn non trẻ so với thời gian và đòi hỏi của thực tiễn, song đã có bước thích ứng nhanh và hoạt động khá hiệu quả; trong một thời gian ngắn đã hình thành mạng lưới từ tỉnh đến cơ sở, trụ sở làm việc, tài sản, công cụ lao động v.v... đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đặc biệt đã xây dựng được 150 điểm giao dịch/180 xã, phường đặt tại trung tâm xã, phường. Đây là việc làm sáng tạo của NHCSXH tiết kiệm cho dân, bám dân, sát dân bảo đảm công khai, dân chủ chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về XĐGN.

Khi mới ra đời (2003), đội ngũ cán bộ bước đầu chỉ có 23 đồng chí, đến nay, đã có hơn 100 cán bộ làm trực tiếp, 97 thành viên BĐD các cấp, hơn 3.000 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), 180 cộng tác viên các xã, phường và hơn 5.000 cán bộ quản lý tổ TK&VV. Như vậy, NHCSXH đã huy động lực lượng xã hội cùng tham gia vào chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ.

NHCSXH tỉnh luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã  hội, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chương trình XĐGN của tỉnh, huyện, thị xã và thành phố để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thể lệ, chế độ của ngành bằng cách niêm yết công khai tại các điểm giao dịch.

Khi thành lập và đi vào hoạt động (năm 2003), Ngân hàng có tổng nguồn vốn 177.789 triệu đồng, tính đến 31/12/2007 là 454.982 triệu đồng, tăng 155,9% (số tuyệt đối là: 277.193 triệu đồng). Năm 2003, Ngân hàng thực hiện hai chương trình cho vay gồm cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất nhận từ NHNo&PTNT chuyển sang, nhận vốn giải quyết việc làm (120) chuyển từ Kho bạc nhà nước.

Hai chương trình có tổng dư nợ 174.841 triệu đồng, trong đó nợ quá hạn của cho vay hộ nghèo là 10.209 triệu đồng, chiếm 6,72%, nợ quá hạn vốn 120 là 1.777 triệu đồng, chiếm 7%. Đến 31/12/2007, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã cho vay 7 chương trình gồm: cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, cho vay giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Tổng dư nợ của 7 chương trình đến cuối năm 2007 là 450.391 triệu đồng, tăng 157,6% so với năm 2003 (số tuyệt đối là 275.550 triệu đồng) gấp 2,6 lần khi mới ra đời.

Việc chuyển tải vốn nhanh để đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, NHCSXH đã ủy thác bán phần cho 4 tổ chức chính trị xã hội là hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, chiếm 99% dư nợ. Công tác ủy thác bán phần đã góp phần củng cố, kiện toàn các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh, là cầu nối giữa NHCSXH với các hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, đồng thời có một phần kinh phí để các tổ chức hoạt động, giảm bớt chi phí cho NHCSXH, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.

Vốn của NHCSXH đã tập trung đầu tư cho vay hộ nghèo ở các xã vùng II, III, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng và vùng dân tộc thiểu số, tính đến 31/12/2007 có hơn 57.000 hộ còn dư nợ với số tiền 321.996 triệu đồng, tăng so với năm 2003 là 99% (số tuyệt đối là 172.775 triệu đồng).

Vốn của NHCSXH đã tập trung đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế như dự án cho vay cải tạo đàn bò địa phương, dự án nuôi bò bán công nghiệp, dự án đàn bò hộ nghèo đặc biệt khó khăn, dự án trồng tre măng Bát Độ, dự án cải tạo diện tích chè, dự án trồng chè giống mới... Đến 31/12/2007 Ngân hàng đã cho vay được 16.907 triệu đồng để các hộ mua trâu, bò sinh sản kết hợp với cày kéo. Việc cho vay theo dự án đã khắc phục được cho vay tản mát, tạo thành vùng chăn nuôi, trồng trọt trở thành sản xuất hàng hóa.

Vốn đã đầu tư vào mua cây giống, vật nuôi có năng suất cao góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, chuyển diện tích đất nông nghiệp từ 1 vụ lên 2 vụ ở vùng cao và từ 2 vụ lên 3 vụ ở vùng thấp. Tính từ năm 2003 cho đến 2007 đã có 27.012 hộ vay vốn NHCSXH thoát khỏi đói nghèo, hiện tượng đói giáp hạt đã được chấm dứt, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa không còn hiện tượng du canh, du cư; khôi phục được các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, trồng hoa, trồng dâu nuôi tằm..., từng bước giảm việc tái trồng cây thuốc phiện của đồng bào vùng cao. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân đặc biệt đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Đạt được kết quả và thành công trên, trước hết là hệ thống NHCSXH Yên Bái đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn về nguồn vốn cho vay, về tài chính để xây dựng cơ sở vật chất từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố; được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các ngành, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn, sự vượt khó của đội ngũ CBCNV NHCSXH tỉnh Yên Bái, thực hiện tốt việc công khai hóa, dân chủ hóa các thủ tục chế độ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Nhà nước; coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo chuyên môn cho cán bộ, giữ chữ tín đối với hộ nghèo, là sự kết hợp thường xuyên, gắn bó giữa chi bộ Đảng với công đoàn, chuyên môn trong mọi hoạt động của đơn vị.

Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm, còn có những tồn tại: cơ chế huy động vốn của NHCSXH chưa ổn định, chưa có tính thuyết phục dẫn đến cung chưa đáp ứng được nhu cầu. Đối tượng cho vay mở rộng, lãi suất, thời hạn cho vay, mức cho vay khác nhau dẫn đến lao động của NHCSXH quá tải. Công tác tuyên truyền đã làm chưa sâu rộng nhất là vùng sâu, vùng xa. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc trong việc xét duyệt cho vay, thu hồi nợ. Một bộ phận hộ nghèo còn có tư tưởng ỷ lại nên việc sử dụng vốn vay sai mục đích, sai đối tượng, hiệu quả thấp tiềm ẩn nợ quá hạn cao. Lực lượng cán bộ NHCSXH nhất là cán bộ tín dụng hoạt động vùng sâu, vùng xa còn mỏng, đa số mới tuyển dụng kinh nghiệm chưa nhiều, do vậy có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

5 năm qua, đánh giá một chặng đường ra đời và phát triển là kinh nghiệm để chuyển sang giai đoạn mới. NHCSXH tỉnh Yên Bái cần tranh thủ hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tập trung vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, mở rộng địa bàn, đối tượng cho vay, nâng mức cho vay; tăng cường công tác kiểm tra giám sát của BĐD các cấp, của các tổ chức đoàn thể xã hội làm ủy thác, phối hợp với các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền để cùng biết, cùng làm, cùng kiểm tra nhằm đầu tư vốn cho người thụ hưởng có hiệu quả. Cán bộ NHCSXH phải thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc, trau dồi phẩm chất đạo đức, không ngừng học tập nâng cao trình độ năng lực chuyên môn.

Để NHCSXH ngày càng phát triển ổn định, bền vững, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để đơn vị chủ động huy động nguồn vốn đầu tư, HĐQT, BĐD NHCSXH có chính sách ưu tiên về chính sách cán bộ, tuyển dụng cán bộ, chi phí cho cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để động viên CBCNV ở tỉnh miền núi an tâm công tác.

NHCSXH là ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, cho nên các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội làm ủy thác cần nhận thức được đó là ngân hàng của chính tổ chức mình, thực sự chăm lo và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để NHCSXH tỉnh Yên Bái hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Hoàng Thương Lượng
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Trưởng ban ĐDHĐQT NHCSXH tỉnh Yên Bái

Các tin khác

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-24/4.

Chiều 23-4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gặp mặt thân mật 130 đại biểu cựu thanh niên xung phong qua các thời kỳ của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam nhân dịp đoàn thực hiện hành trình "Thăm lại chiến trường xưa".

Ngày 24/4, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ trả lời chất vấn về an toàn giao thông tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 22-4, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, 3 cơ quan báo chí (Báo Quân đội nhân dân, Nhân Dân, Lao Động” đồng tổ chức lễ phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Đến dự có đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương, Bộ, ban, ngành, thành phố Hà Nội và quân đội…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục