Ông Sáu có nghỉ phút nào đâu!

  • Cập nhật: Chủ nhật, 15/6/2008 | 12:00:00 AM

Trong dòng người vào Hội trường Thống Nhất viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - hay còn gọi bằng cái tên thân mật “ông Sáu Dân”, chúng tôi thấy anh Trương Văn Ngọc (tỉnh Long An) dắt đứa con 3 tuổi chờ từ sáng sớm để vào viếng. Anh không nén được xúc động: “Ông Sáu là ân nhân của bà con đồng bằng sông Cửu Long, là cha đẻ của các công trình “sống chung với lũ”, cầu Mỹ Thuận, đường dây tải điện 500kV… Từ hồi thôi làm Thủ tướng đến giờ, ông Sáu có nghỉ phút nào đâu!”…

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm công nhân thi công đường Hồ Chí Minh.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm công nhân thi công đường Hồ Chí Minh.

Ở ngoài sảnh Hội trường Thống Nhất, cụ bà Đoàn Thị Kim Hương vịn chặt tay vào người cháu, khó nhọc nhấc từng bước một vào nơi ông Sáu nằm. Đứng lặng yên hồi lâu, bà mới nói: “Đi cả đoàn lận nhưng giờ chỉ còn hai dì cháu tui ráng vô được tới đây hà!”. Hồi sáng này, chuyến xe đò chở đoàn cựu tù chính trị U90 của các cụ vào đến Hội trường Thống Nhất từ lúc 8 giờ nhưng mãi đến gần 11 giờ mới tới lượt viếng.

Cụ Hương vừa khóc vừa hồi tưởng: “Tui bị giặc bắt đày ra Côn Đảo 3 lần. Hồi mới giải phóng, tui đau nặng, nằm ở Bệnh viện Thống Nhất. Cùng đợt đó, ông Sáu cũng bệnh, nằm cùng bệnh viện với tui. Vừa nghe tin TPHCM hết gạo, ổng liền bỏ viện, xách cặp về miền Tây đi kiếm gạo cho dân. Hồi làm đường dây 500kV Bắc Nam, ổng lăn lộn, chịu cực với dân ở Trị An nhiều tháng ròng. Mấy hôm rồi, ổng đi Hà Nội họp, rồi đùng một cái nghe tin ổng mất. Thương lắm, cả đời ông Sáu có được nghỉ phút nào đâu!”.

Vừa dìu cụ Hương, chị Hoa nghẹn giọng: Tui nhớ hoài cái lần bị chú Sáu rầy lúc chú xuống Cần Giờ. Lần đó, tàu chú Sáu - khi đó là Bí thư Thành ủy - vừa cập bến thì đám con nít ở trần ở truồng ùa xuống đón chú. Thấy vậy, chú Sáu giận, không lên làm việc với chi đoàn thanh niên công nhân tụi tui. Chú nói: “Mấy đứa là công nhân, có đứa nào là thợ may không mà để tụi nhỏ không áo không quần như vậy?”. Mấy chị em biết lỗi, lập tức đi xin vải vụn ở tiệm may về ráp khéo thành áo, váy, quần cho các em rồi chụp hình gửi cho chú Sáu. Thấy hình, chú mới hết giận. Dù bị rầy nhưng tụi tui không thấy buồn, chỉ thấy ấm áp, vững lòng khi được làm việc dưới quyền một người lãnh đạo biết bận lòng đến cả manh áo, tấm quần của trẻ nít”.

“Chú ơi, chú xem giùm phiếu đăng ký của tôi đã vào đến đây chưa? Tôi chờ hơn 2 tiếng rồi, lại bị viêm khớp, chỉ sợ không đủ sức chờ để vào nhìn mặt Anh Sáu lần cuối cùng” - tần ngần mãi, bà Bùi Thị Tân (81 tuổi) mới rụt rè chống gậy đến hỏi một thành viên trong Ban tổ chức lễ tang.

Nhà bà ở Đắc Lắc và mới xuống TPHCM mấy hôm nay. Chồng bà là bạn thân của Anh Sáu. “Hồi ông nhà tôi nằm viện rồi mất, Anh Sáu có đến thăm. Bữa nay, biết là có rất đông người đến viếng nhưng cực mấy tôi cũng phải đi và lâu mấy tôi cũng ráng chờ” - bà nói.

Lặng lẽ hòa vào giữa dòng người đến viếng linh cữu chú Sáu Dân là gia đình ông Lê Hãn, con trai trưởng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Dù phải có 2 người dìu từng bước một, ông Lê Hãn vẫn vào đến tận linh cữu chú Sáu và đứng lặng một lúc lâu. Ông nói: “Ngày giỗ, sinh nhật nào của ba tôi, ông Võ Văn Kiệt cũng đến thăm. Ngoài tình cảm kính trọng đối với một nhà cách mạng xuất sắc của dân tộc, gia đình tôi còn xem ông như một người thân. Nghe tin ông mất, tôi đau lòng cũng như khi ông cụ thân sinh tôi mất”.

Cuối chiều, trời bỗng đổ mưa đột ngột. Dòng người đến viếng vẫn ngày một đông, xếp thành hàng dài từ cổng hội trường đến tận linh cữu chú Sáu. Từ Bạc Liêu bắt chuyến xe đò vào lúc 6 giờ tối hôm trước, ông Nguyễn Văn Phải (Năm Phải, 70 tuổi) đến được Hội trường Thống Nhất TPHCM vào lúc 5 giờ sáng hôm 14-6.

Ông Năm Phải ôm giỏ ngồi dưới gốc cây, mua bánh mì ăn chờ hơn 3 tiếng đồng hồ để được “đi ngang vuốt nhẹ tay lên quan tài một cái, nhìn ông Sáu thêm một bận và cúi đầu chào ông Sáu thêm một lần, để rồi mãi mãi không bao giờ còn gặp ông Sáu nữa”. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Năm Phải vẫn còn nhớ như in lời chú Sáu Dân dặn ông hồi ông mới là chàng trai 18 tuổi, rằng “Dầu cực khổ thế nào, cũng phải ráng theo Cách mạng để giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho Tổ quốc”.

Trong dòng người đứng chờ viếng ông Sáu, chúng tôi nghe được cuộc trò chuyện của một số cô bác: “Hồi tối coi tivi tui mới biết, trong những năm làm Thủ tướng, ông Sáu Dân đã có khoảng 200 chuyến đi cơ sở, đến khắp mọi vùng miền, gặp gỡ mọi tầng lớp nhân dân. Trung bình, cứ 9 ngày ông lại đi một lần. Nghe nói những ngày cuối đời, ổng còn dự định đi thăm Hà Lan tìm hiểu kinh nghiệm ngăn lũ của một đất nước thấp hơn mực nước biển để về tính cho dân mình. Chỉ mới đây thôi…”. Chuyện của người dân kể ông Sáu chẳng bao giờ hết, dường như mọi người vẫn muốn tin rằng: Ông Sáu vẫn còn đó. Ông chỉ lại vừa bắt đầu một chuyến đi xa…

Một cựu Thanh niên Xung phong tên Mỹ Liên, người có mặt trong buổi sáng ra quân 28-3-1976, đầy khí thế, giờ đã là một doanh nghiệp làm ăn khấm khá ở nước ngoài, cứ loay hoay mãi trước quyển sổ tang. Chị khóc sụt sùi, nói: “Muốn viết rất nhiều về chú Sáu nhưng không biết thể hiện lòng yêu kính với chú thế nào qua chữ nghĩa cho đủ”. Chị nhớ lại: “Thời mới giải phóng, một bộ phận thanh niên mà gia đình “có vấn đề” về lý lịch như chúng tôi cảm thấy rất e ngại và có cảm giác mình là người thừa của xã hội, khi ấy, chính chú Sáu đã mở cho chúng tôi một lối đi để chúng tôi thấy mình sống có nghĩa, được tham gia vào công việc xã hội qua môi trường của lực lượng Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh, do chú khai sinh. Chính chú Sáu đã tạo một sức bật mới cho thanh niên như chúng tôi, thời mới giải phóng”.

Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nhiều lần lau nước mắt khi viết sổ tang: “Từ nay đâu còn nữa những buổi hàn huyên, tâm sự và được nghe những lời dạy dỗ của chú. Chú dạy cách làm người, dạy cách ở đời cũng như làm cách mạng những lúc gian nguy. Lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, chúng con nguyện tạc dạ sống theo gương chú cho xứng đáng một kiếp người. Xin chú hãy yên lòng nơi chín suối, ngàn thu…”.

Ông Nguyễn Cao Kỳ và gia đình đã đến viếng linh cữu nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trao đổi ngắn với chúng tôi trong khi chờ viếng, ông Nguyễn Cao Kỳ nói: “Trong các vị lãnh đạo cao cấp Việt Nam mà tôi đã gặp và làm việc thì ông Võ Văn Kiệt đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc. Tôi nghĩ rằng ông là một người đáng quý với tư tưởng đổi mới, ông luôn nhìn về tương lai và tin tưởng vào tuổi trẻ Việt Nam. Tôi đến đây để nhìn lại lần cuối khuôn mặt quen thuộc của người đã giúp tôi xây cây cầu đại đoàn kết giữa người Việt trong và ngoài nước”.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Sáng 14/6, lễ viếng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

YBĐT - Ngày 13/6, đồng chí Hà Hùng Cường - Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng đoàn công tác đã lên thăm và làm việc tại Yên Bái. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các ngành trong khối nội chính và một số ban ngành của tỉnh đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1997.

Báo chí thế giới đã đồng loạt có những bài viết về nguyên thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, người được đánh giá là nhà lãnh đạo kiệt xuất thời kỳ Đổi mới, sau khi ông qua đời ở tuổi 86.

Ông Võ Văn Kiệt.

Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX đã từ trần hồi 7 giờ 40 phút ngày 11-6-2008, thọ 86 tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục