Phát huy truyền thống của ngành tổ chức xây dựng Đảng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống (14/10/1930 - 14/10/2008), Ngành Tổ chức xây dựng Đảng là dịp ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của ngành, thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, phấn đấu vươn lên xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân.
Đồng chí Phạm Văn Cường - Ủy viên Thường vụ - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, trao giấy khen cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2007. (Ảnh: Trường Phong)
|
Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức coi trọng, chăm lo công tác tổ chức và cán bộ. Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 5/1925), mở các lớp huấn luyện, đào tạo những người cộng sản Việt Nam, gieo những hạt giống đỏ đầu tiên cho cách mạng. Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về công tác tổ chức của Đảng (ngày 1/12/1941) đã nhấn mạnh: "Biết tổ chức tức là có thêm cán bộ, có vũ khí, có tài chính, tất cả những điều kiện cần thiết cho công cuộc cách mệnh dân tộc giải phóng".
Mười lăm năm vận động cách mạng (1930-1945), Đảng ta đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, bất chấp sự đàn áp của kẻ thù, gắn bó với quần chúng, vào xí nghiệp, hầm mỏ, về khu phố, làng mạc để giác ngộ, tập hợp quần chúng đi theo tiếng gọi và mục tiêu của Đảng, phấn đấu cho độc lập - tự do khát vọng ngàn đời của dân tộc. Từ 200 đảng viên khi mới thành lập, đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuy chỉ với 5000 đảng viên, nhưng có đường lối chính trị đúng đắn và nghệ thuật tổ chức tài tình, tập hợp được đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng xung quanh Đảng, nên mới mười lăm tuổi, Đảng ta đã lãnh đạo tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, của đường lối độc lập, tự chủ của Đảng ta về cách mạng Việt Nam, đó cũng là thành tựu to lớn của công tác tổ chức cán bộ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, nước ta tạm thời bị chia cắt, miền Bắc đi lên xây dựng CNXH, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Công tác tổ chức ở miền Bắc lúc này tập trung vào kiện toàn tổ chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể; thực hiện "bốn tốt" ở các chi, Đảng bộ cơ sở gắn với cuộc vận động "ba xây, ba chống"; đào tạo cán bộ nhất là cán bộ xuất thân từ công, nông, học sinh miền Nam tập kết. Ở miền Nam, công tác tổ chức tập trung xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên để lãnh đạo và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước độc lập, thống nhất, đi lên CNXH, công tác tổ chức tập trung vào xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thống nhất trong cả nước; điều động hàng vạn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn cho miền Nam.
Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, niềm tin của nhân dân suy giảm. Ngành tổ chức xây dựng Đảng đã cùng với toàn Đảng tiến hành công cuộc đổi mới, công tác đổi mới về tổ chức và cán bộ, tạo cơ sở cho việc tiến hành đổi mới toàn diện, từng bước khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị.
Bước vào thời kỳ đổi mới (từ năm 1986), công tác tổ chức xây dựng Đảng đã bám sát thực tiễn, thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh kiện toàn sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị; góp phần tạo nên thành tựu to lớn, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời tạo ra bước trưởng thành mới của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
78 năm qua, là một bộ phận hợp thành của công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức đã góp phần to lớn vào những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự là một chính Đảng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân.
Ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của ngành, chúng ta thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đó là: Giữ vững bản chất giai cấp công nhân và tăng cường tính tiên phong của Đảng là yêu cầu cơ bản, có tính nguyên tắc đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị và tổ chức. Bởi chỉ có giữ vững bản chất giai cấp công nhân, luôn luôn thể hiện tính tiền phong về tư tưởng và hành động thì Đảng mới luôn luôn là một đảng cộng sản chân chính, mới hoàn thành được vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Hai là, công tác xây dựng Đảng về tổ chức phải xuất phát từ đường lối chính trị của Đảng và kết hợp chặt chẽ với công tác xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng. Ba là, nhận thức và thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Bốn là, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; bồi dưỡng phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng, quyền làm chủ và lợi ích thiết thực của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Năm là, nâng cao chất lượng công tác cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo và hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng; bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Sáu là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố các cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, của công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, sự hợp tác, giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, 78 năm qua ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Yên Bái đã từng bước trưởng thành, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ cấp ủy giao phó, đã tập trung tham mưu cho cấp ủy và tổ chức triển khai thực hiện tốt, đồng bộ công tác đánh giá, quy hoạch đào tạo, luân chuyển, sử dụng, bổ nhiệm và chính sách cán bộ. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số trên 22.000 cán bộ, công chức các cấp, trong đó số cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 58,1%, tăng 25,5% so với năm 1997. Đội ngũ cán bộ của tỉnh ngày càng phát triển và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở được coi trọng, với phương châm hướng về cơ sở, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với cơ sở. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay toàn Đảng bộ có 3,8 vạn đảng viên, sinh hoạt ở 571 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 309 Đảng bộ, 262 chi bộ cơ sở, với tổng số 2.683 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Đã gắn đề án phát triển chi bộ thôn, bản giai đoạn 2006 - 2009 với công tác xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên, đến nay 100% tổ dân phố, thôn, bản có đảng viên; 100% tổ dân phố, 92,56% thôn, bản có chi bộ. Hiện toàn tỉnh còn 122 thôn, bản chưa có chi bộ riêng sinh hoạt ở 57 chi bộ ghép.
Sau khi khảo sát tình hình cán bộ cơ sở, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ cơ sở, giai đoạn 2006 - 2008, kết quả 540 (100%) cán bộ chủ chốt cơ sở xã, phường, thị trấn (bí thư, phó bí thư thường trực, phó bí thư, chủ tịch UBND) được bồi dưỡng nâng cao kiến thức cơ bản về xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước và quản lý kinh tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương.
Công tác bảo vệ chính trị nội bộ thường xuyên nắm vững tình hình chính trị nội bộ, tình hình hoạt động của các thế lực thù địch; đã chuẩn bị cho cấp ủy kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ dự định đề bạt, bố trí vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, công tác phát triển Đảng góp phần giữ vững an ninh chính trị, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm, trước Đảng, trước dân của những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng đánh giá khách quan, trung thực, nghiêm túc tự phê bình cho thấy công tác tổ chức xây dựng Đảng còn nhiều tồn tại, hạn chế: Công tác xây dựng Đảng về tổ chức chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đội ngũ cán bộ xét cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, chưa ngang tầm với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp ủy giao phó, thời gian tới, công tác tổ chức xây dựng Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tập trung chỉ đạo các tổ chức Đảng triển khai thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 6 (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên"; thực hiện tốt công tác phát triển Đảng, chú trọng phát triển Đảng ở vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, phấn đấu đến hết năm 2009 đạt 100% thôn, bản có chi bộ; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 10 của Ban Bí thư Trung ương "Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ"; củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, yếu kém từng mặt, phấn đấu đến năm 2009 không còn tổ chức Đảng yếu kém; phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức triển khai thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ cho cơ sở theo tinh thần Kết luận Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Về công tác cán bộ, từ nay cho đến năm sau 2010 phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ doanh nghiệp, lực lượng vũ trang ở tất cả các cấp, các ngành đảm bảo tiêu chuẩn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, đủ về số lượng, đồng bộ và cân đối về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiếp, tính kế thừa giữa các thế hệ cán bộ và giữ vững ổn định chính trị ở địa phương, bảo đảm có đủ nguồn cán bộ để mỗi nhiệm kỳ có thể đổi mới khoảng 30% số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể ở mỗi cấp, mỗi ngành; phấn đấu đến năm 2010 số cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên bằng khoảng 2,5% dân số, đến năm 2020 bằng khoảng 4% dân số toàn tỉnh.
Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, làm tốt công tác thẩm tra, xác minh giúp cấp ủy kết luận, bảo vệ cán bộ và đề xuất giải pháp, chính sách xử lý, sử dụng, quản lý cán bộ phù hợp với giai đoạn cách mạng mới.
Thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xây dựng, rèn luyện đạo đức, nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Phát huy truyền thống 78 năm qua, ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh Yên Bái quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức, cán bộ, trưởng thành cả về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; xây dựng cơ quan tổ chức cấp ủy vững về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phạm Văn Cường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy
Các tin khác
YBĐT-Ngày 9/10/2008, Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng lần thứ 13, nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khai mạc hội nghị.
YBĐT - Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên phát huy tốt vai trò của khối đại đoàn kết các dân tộc, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo đà cho kinh tế - xã hội (KTXH) của địa phương phát triển.
Tiếp xúc cử tri hai quận 1 và 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 7/10, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ trăn trở trước thực tế người dân vẫn có quá nhiều bức xúc về vấn đề đất đai, an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường đến sự quan liêu, yếu kém của hệ thống công quyền...
YBÐT - Sáng 7/10, Cơ quan thường trú Ðài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc tại tỉnh Sơn La tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập đài và công bố Chương trình phát thanh tiếng Mông. Dự có đồng chí Vũ Văn Hiền - Uỷ viên Trung ương Ðảng, Tổng giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.