Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII: Ưu đãi tối đa cho công nghệ cao
- Cập nhật: Chủ nhật, 19/10/2008 | 12:00:00 AM
Ngày 18.10, Quốc hội (QH) đã thảo luận về dự án Luật Đa dạng sinh học và dự án Luật Công nghệ cao.
|
Dự án Luật Công nghệ cao được soạn thảo theo hướng huy động mọi nguồn lực để đầu tư, áp dụng đồng bộ các chính sách khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về thuế, đất đai và các cơ chế tài chính khác cho hoạt động công nghệ cao. Điều 5 dự luật nêu rõ: tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa. Sẽ thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để tài trợ, đầu tư cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị dự luật phải làm rõ: “Ưu tiên phát triển công nghệ cao là ưu tiên cho đầu vào hay ưu tiên cho đầu ra?”. Theo ông Thuyết, nếu dồn sức ưu tiên cho đầu vào, chúng ta sẽ bị tổn thất lớn về kinh tế, vì đây là lĩnh vực có độ rủi ro rất cao. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nên ưu tiên cho đầu ra: Nhà nước có thể mua giá cao các sản phẩm công nghệ cao, hỗ trợ các doanh nghiệp mua công nghệ cao. “Và ngay cả đầu vào, chúng ta cũng phải xác định ưu tiên cái gì, nghiên cứu hay là nhập khẩu ?” – ông Thuyết nói.
Đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam), ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, cho rằng có nhiều chính sách ưu tiên cho công nghệ cao nhưng dự luật chưa đưa ra được chính sách cụ thể để thu hút nhân tài từ nước ngoài về. Trong khi việc phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt ở lĩnh vực này. Còn đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) lưu ý: Điều quan trọng nhất để phát triển được công nghệ cao là phải loại bỏ được cơ chế xin-cho trong các dự án, đề tài nghiên cứu. Nếu còn tình trạng cứ phải quen biết mới xin được dự án, đề tài thì không thể khuyến khích được nhân tài.
Bảo tồn đa dạng sinh học: Nhà nước có trách nhiệm trước
Dự án luật Bảo tồn đa dạng sinh học quy định: động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; chỉ được nuôi, trồng tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ cho nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã. Cấm nuôi sinh sản để khai thác các bộ phận cơ thể, giết thịt, tiêu thụ động vật hoang dã thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; cấm quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng: “Chỉ nên cho phép nuôi một số loài động vật có hệ số sinh sản cao như trăn, rắn. Không nên quy định nuôi sinh sản các loại động vật như hổ, tê giác, bò tót... có hệ số sinh sản thấp, nếu cho phép nuôi rất dễ dẫn đến tình trạng bị lợi dụng”.
Bên cạnh đó, một vài điều khoản của dự luật có nội dung mâu thuẫn. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) dẫn chứng: “Khoản 4, Điều 12 quy định: có giải pháp ổn định cuộc sống của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn. Nội dung này mâu thuẫn với điều 6 là không cho xây dựng nhà ở trái phép trong khu bảo tồn”. Ông Nhơn cho biết, thực tế hiện nay ở nhiều nơi đang xảy ra tranh chấp về việc xây nhà ở tại khu bảo tồn, khiến cho việc quản lý rất khó khăn. Ông Nhơn cũng đề nghị: Luật chỉ cho phép dân cư sinh sống trong vùng đệm, bao quanh tiếp giáp khu bảo tồn, không nên mở rộng như dự thảo.
Trong khi đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) kiến nghị: “Điều 4 quy định: Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, không thấy trách nhiệm của Nhà nước. Theo tôi, bảo tồn đa dạng sinh học, trước tiên phải là trách nhiệm của Nhà nước, vì Nhà nước thu thuế của dân nên phải có trách nhiệm trước, rồi mới đến dân”.
Theo TNO
Các tin khác
Sau 2 ngày thi sôi nổi và hấp dẫn, tối 18-10, tại Hội trường Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo TƯ đã tổ chức trọng thể Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Chung khảo toàn quốc “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể sáng 16-10, tại Thủ đô Hà Nội và dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 15-11. Khác với các kỳ họp trước, phiên họp trù bị đã được tổ chức ngắn gọn ngay trước phiên họp chính thức đầu tiên của QH.
YBĐT - Công tác kiểm tra có vị trí quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra và giữ gìn kỷ luật của Đảng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã có Quyết nghị số 29-QN/TW thành lập Ban kiểm tra Trung ương, cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Bộ Chính trị khóa 8 đã đồng ý lấy ngày 16/10/1948 là ngày truyền thống ngành kiểm tra của Đảng.
YBĐT - Ngày 14 tháng 10 năm 2008, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nghiêm Đình Vì - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đã lên thăm và làm việc với tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Chỉ thị 54 của Ban Bí thư Trung uơng Đảng về tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới.