Lạm phát chưa qua, lại lo giảm phát
- Cập nhật: Thứ tư, 29/10/2008 | 12:00:00 AM
Sáng 28-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Những tồn tại trong điều hành, những quyết định thiếu chính xác của Chính phủ đã được các vị đại biểu thẳng thắn nhìn nhận và đề xuất các giải pháp.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị phải có phương án dự phòng kiểm soát lạm phát
|
Mặc dù Chính phủ đã và đang quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhưng xem xét thực tế vốn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn từ năm 1990 đến nay, đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) khẳng định nguồn vốn này đang ngày càng ít dần. Dù giá trị tuyệt đối có tăng nhưng theo đại biểu Kim Anh, tỉ trọng lại giảm rất mạnh: “Trước năm 1990 còn được 20%, năm 2007 chỉ còn 8%, cả khu vực nông thôn là 14% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước”.
Vì vậy, đại biểu Dương Kim Anh cho biết cơ sở vật chất, kỹ thuật nông nghiệp và hạ tầng nông thôn luôn thiếu thốn, xuống cấp, lạc hậu, nhất là cơ sở chế biến nông sản, hệ thống thủy lợi... gây lãng phí, thất thoát sau thu hoạch rất lớn.
Nông dân “nghèo kép”
Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), hiện đang tồn tại tình trạng “nghèo kép”, tức là chất nghèo đã bị nhân lên nhiều lần tại các khu công nghiệp tập trung. Theo ông Đáng, người dân nông thôn phải ra thành phố để tìm kế sinh nhai nhưng họ đang phải tự gánh chịu quá nhiều thiếu thốn. Ông Đáng phân tích sự “nghèo kép”: “Giường bệnh, chỗ học, nhà văn hóa được xây dành cho một người giờ phải phục vụ mười người. Cung không đủ cầu, giá tăng trong khi lương công nhân thấp, những người “nghèo kép” dễ lâm vào các tệ nạn xã hội”.
Khẳng định những người nông dân phải ly hương, thành người nhập cư khó khăn nhất, yếu nhất, ông Huỳnh Ngọc Đáng kiến nghị Nhà nước phải ưu tiên xây hạ tầng cho các khu công nghiệp như vùng núi, Chính phủ phải thật quan tâm tình trạng “nghèo kép” và giảm loại nghèo này.
Đề cập một khó khăn nổi cộm khác của nông dân, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) đưa ra câu hỏi lớn của nhiều bà con: “Đền bù giải phóng mặt bằng kiểu gì mà dùng hết tiền đó không mua nổi một nửa mảnh đất của chính mình vừa bị giải tỏa?”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Thái (Ninh Thuận) cũng đánh giá bất cập của Luật đất đai là nguyên nhân trực tiếp gây khiếu kiện, bức xúc.
Cẩn trọng giảm phát
Coi giảm phát là một tình huống nghiêm trọng cần tránh trong khi nền kinh tế Việt Nam lạm phát chưa lui, giảm phát đã có dấu hiệu tới, nhiều đại biểu Quốc hội đã nghiêm túc cảnh báo.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), thế giới đang lo lắng đại khủng hoảng nên áp lực tâm lý rất lớn, Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Ông Lịch băn khoăn trước tình hình thế giới khó khăn như thế, còn trong nước báo cáo của Thủ tướng có nêu thành công chống lạm phát nhưng nguyên nhân sâu xa gây lạm phát vẫn còn nguyên. Sắp tới dự báo đầu tư gián tiếp, FDI có thể giảm, thiểu phát có thể xảy ra, ông Lịch đề nghị phương án dự phòng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện giảm phát với bảy nhóm vấn đề: mọi tình huống phải cố tăng trưởng 2009 trên 6%, chủ động duy trì lạm phát 9-10% nếu giảm phát xảy ra, rà soát đầu tư, giảm lãi suất, kích cầu nông thôn, thực hiện tốt “tam nông”.
Đồng thời Nhà nước phải tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể chỉ để ngân hàng thương mại làm. Hỗ trợ, theo ông Lịch, phải công bằng với tiêu chí cụ thể: ưu tiên doanh nghiệp dùng nhiều lao động, chế biến nông sản và xuất khẩu.
Nếu hiện nay vẫn chỉ chạy theo con số tăng trưởng, theo ông Lịch, chất lượng tăng trưởng sẽ ngày càng kém, chưa nói các vấn đề phát sinh như môi trường, xã hội.
Với nguy cơ từ giảm phát, đại biểu Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) cho rằng Chính phủ nên kiểm soát tận gốc rễ nguyên nhân của lạm phát. Thực tế chứng minh lạm phát còn bắt nguồn từ hiệu quả đầu tư thấp của nhiều dự án đầu tư công, sự đầu tư tràn lan của các tập đoàn nên ông Lầu kiến nghị: phải rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các tập đoàn kinh tế ngay. Nếu để doanh nghiệp nhà nước tiếp cận vốn ào ạt trở lại thì bao công sức chống lạm phát trong hai quý đầu năm, theo ông Lầu, sẽ vô nghĩa.
Nên xem lại cách điều hành
Đề cập cách thức điều hành của Chính phủ, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) băn khoăn những dự báo thiếu chiến lược, ví dụ như quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo khi giá thế giới lên cao, trên 1.200 USD/tấn. Theo ông Tiếp, dừng xuất khẩu, áp thuế xuất khẩu gạo khi gạo đang lên rồi thắt chặt tiền tệ cào bằng... đã gây ra nghịch lý xuất khẩu tăng, sản lượng tăng nhưng đời sống nông dân giảm. Với ví dụ trên, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị Chính phủ nên có tổng kết để điều hành có chiến lược hơn.
Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng bên cạnh thành công, còn nhiều bất cập chưa được nêu nghiêm túc trong báo cáo của Chính phủ. Việc bắt 70% nông dân phải gánh trách nhiệm an ninh lương thực, không được bán gạo khi giá lúa cao, ông Việt cho là không công bằng. So sánh với nông dân, ông Việt cho rằng nông dân cũng đang bơi trên biển nhưng khi khó khăn, chỉ các doanh nghiệp được Nhà nước cho phao vì “khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp tăng, giá thế giới giảm, doanh nghiệp giảm nhỏ giọt. Nông dân thì ngay khi giá vật tư tăng cao, họ vẫn đâu có thể tăng giá?”.
Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) tiếp tục phân tích: “Thiếu sót Chính phủ đã chỉ ra nhưng vẫn chung chung”. Theo ông Nhượng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ rõ thiếu sót, khuyết điểm này là của ngành nào, địa phương nào, cá nhân nào. Nên nêu rõ như thế vì như vậy “người dân tin tưởng những thiếu sót đó sẽ được khắc phục trong thời gian tới” - ông Nhượng nói.
(Theo Tuổi Trẻ)
Các tin khác
YBĐT - Vững mạnh về chính trị, một trong 5 tiêu chuẩn xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện theo Chỉ thị 917/1999/CT-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được cấp uỷ, lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái coi trọng giữ vững và nâng cao.
Ngày 28-10, tại Thủ đô Moscow, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Nga; dự lễ khai trương và trao giấy phép hoạt động cho Văn phòng đại diện Ngân hàng liên doanh Việt - Nga tại Moscow, chứng kiến lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Nga; đi thăm Tập đoàn công nghiệp khí đốt Gazprom.
Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 26-10, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam đã tới Thủ đô Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 26 đến 29-10, theo lời mời của Tổng thống D.Medvedev
YBĐT - Trong 2 ngày 24-25/10, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác của Tỉnh uỷ đã có chuyến thăm và làm việc tại thị xã Nghĩa Lộ, trực tiếp nắm bắt tình hình về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của xã Nghĩa Lợi, phường Trung Tâm và toàn thị xã.