Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII
- Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII tập trung thảo luận Luật Cán bộ, công chức và Luật Giao thông đường bộ(sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) đã có ý kiến tham gia về Luật Cán bộ, công chức như sau:
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết tham gia ý kiến về Luật Cán bộ công chức tại kỳ họp.
|
Trước hết tôi nhất trí về tên gọi của luật là Luật Cán bộ, công chức. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, tôi nhất trí như giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Về những điều cụ thể tôi xin tham gia ở Điều 11 về nghĩa vụ của cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý. Tôi đề nghị điều này cần bổ sung thêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, vì lâu nay chúng ta vẫn nói đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra những việc như tham nhũng, tiêu cực … ở cơ quan, đơn vị đó thì quy trách nhiệm cho người đứng đầu như thế nào. Trong dự thảo luật theo tôi ở điều này cần bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cho cụ thể hơn.
Điều 13 về quyền của cán bộ, công chức, về tiền lương và chế độ khác liên quan đến tiền lương. Vấn đề này mặc dù Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình về việc giải quyết vấn đề tiền lương phải gắn với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước nhưng tôi vẫn băn khoăn nên chăng có những quy định cụ thể trong luật về những chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, điều này tôi nghĩ là hết sức quan trọng. Vừa qua như Luật Bảo hiểm xã hội và hướng dẫn của Chính phủ, có lần tôi cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội liên quan đến việc khi cán bộ, công chức làm việc ở miền núi, hải đảo có phụ cấp khu vực mà họ đã đóng bảo hiểm xã hội rồi nhưng khi nghỉ hưu sau ngày 01/01/2007 lại không được hưởng. Đến nay theo trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn đang xin ý kiến Chính phủ để giải quyết vấn đề này. Cho nên nếu chúng ta quy định được những vấn đề cụ thể cho cán bộ công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn này là hết sức cần thiết.
Điều 15, về các quyền khác của cán bộ, công chức. Tôi nhất trí là việc thực hiện các chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, không có nghĩa là dành cho cán bộ, công chức đặc quyền, đặc lợi mà đây là điều kiện bảo đảm để cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Khoản 3, Điều 15 tôi xin đề nghị bổ sung thêm cụm từ là "theo quy định của pháp luật".
3. "Hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại theo quy định của pháp luật" ghi như vậy cho rõ. Vì không phải tất cả các cán bộ, công chức đều hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở và phương tiện đi lại như nhau, mà phải theo quy định của pháp luật cán bộ công chức ở vị trí nào được hưởng như thế nào, chứ không phải tất cả cán bộ, công chức đều được hưởng như nhau, nên phải ghi như thế cho nó rõ ràng, minh bạch trong luật.
Điều 48, về chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức. Tại Khoản 2, tôi đề nghị nên sửa lại cho dễ hiểu hơn, trong dự thảo luật ghi "đào tạo tiền công vụ", đây là từ Hán-Việt, chúng ta ghi là "tiền công vụ" thì sẽ có một số người rất khó hiểu. Tôi đề nghị sửa lại là
2. "đào tạo trước khi thực hiện công vụ" thì có được không. Nếu mà ghi đào tạo "tiền công vụ" thì rất là khó và theo như Điều 2 quy định "công vụ là hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan..
* Tham gia ý kiến với Luật Giao thông đường bộ ( sửa đổi), đại biểu Giàng A Chu có ý kiến như sau:
Về cơ bản chúng tôi nhất trí với Dự thảo luật và các ý kiến đã phát biểu trước tôi. Chúng tôi xin tham gia một số vấn đề cụ thể:
Thứ nhất, chúng tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Triệu Mùi Nái. Hiện nay ý thức thực hiện pháp luật của người Việt Nam chúng ta rất kém, nhất là ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, nếu cứ kém như thế này, chúng ta có xây dựng bao thứ luật tôi nghĩ tính thực thi cũng không cao. Tôi xin dẫn chứng, thực tế hiện nay rất nhiều những người tham gia giao thông đường bộ cứ mạnh ai người đó đi và không có ý thức nhường nhau, kể cả các phương tiện theo quy định của Điều 22 là các phương tiện ưu tiên cũng không thực hiện được.
Vừa qua chúng tôi chứng kiến mấy xe chữa cháy các chiến sỹ phải cho một người xuống dẹp đường sau đó xe chữa cháy mới đi được. Nếu tình hình này mà tiếp diễn thì chúng tôi nghĩ kể cả cứu hộ, kể cả chiến sự xảy ra thì cũng không có cách nào khác. Cho nên chúng tôi đề nghị tại Điều 4 về nguyên tắc hoạt động của giao thông đường bộ, Khoản 5 ý đầu tiên Ban soạn thảo nên điều chỉnh để làm sao đưa ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông của người Việt Nam vào đây. Đó là người tham gia giao thông phải xây dựng ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn giao thông cho mình và cho người khác. Nếu không tự giác mà vẫn như thế này thì luật của chúng ta tính thực thi rất thấp.
Ý kiến thứ hai, về Điều 8 các hành vi bị cấm, tại Khoản 8 tôi nhất trí như nhiều đại biểu phát biểu nhưng thưa Quốc hội, nếu quy định nồng độ trên hơi thở thì vùng đồng bào dân tộc thiểu số đôi khi người ta cũng không hiểu, tôi đề nghị đã gọi là luật thì nói để cho mọi người dân người ta có thể chấp hành được ngay, hiểu ngay. Do đó chúng tôi đề nghị trước khi vào nói như thế này thì phải nói thẳng là cấm những người say rượu, bia điều khiển xe ô tô, xe máy, xe chuyên dùng thì nói luôn như thế. Thực chất nếu mà cũng có ý kiến đề nghị cấm uống nhưng mà ở dưới này còn để một nồng độ cho phép. Cho nên chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo phải dùng từ ngữ như thế nào đó để mặt bằng dân trí của các vùng chúng ta có thể thực hiện được Khoản 8 này.
Và chúng tôi qua nghiên cứu cũng đề nghị Ban soạn thảo có thêm một khoản ở Điều 8 này về cấm chăn thả gia súc mà không có người chăn dắt sẽ làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ. Tôi đề nghị chuyển nội dung Điều 34 vào khoản này thì chúng tôi thấy như thế phù hợp, hiện nay nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tình trạng thả rông gia súc song rồi không có người chăn dắt, chạy ngang, chạy dọc. Đôi khi gây tai nạn giao thông chính là do vấn đề thả rông gia súc. Vấn đề này chúng tôi đề nghị luật phải điều chỉnh.
Báo Yên Bái
Các tin khác
Ngày 5-11, kết thúc phiên giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư XDCB sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết sẽ không ra một nghị quyết riêng về vấn đề này, nhưng “các giải pháp khắc phục những tồn tại sẽ được đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp về nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2009”.
YBĐT – Nhân kỷ niệm 46 năm ngày Báo Yên Bái ra số báo đầu tiên (5/11/1962 - 5/11/2008), sáng 5/11, Báo Yên Bái đã tổ chức Tổng kết và trao giải thưởng cho 3 cuộc thi: Phóng sự, Làm theo lời Bác và ảnh “Yên Bái trên đường đổi mới” lần III-năm 2008.
YBĐT - Thực hiện phương châm “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, những năm qua, Báo Yên Bái đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tờ báo Đảng về cả nội dung lẫn hình thức.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, chiều 4-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và TP Hà Nội, triển khai các biện pháp cấp bách đối phó với thiên tai.