Ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch cần phải có quy hoạch phát triển ngành đến năm 2015
- Cập nhật: Thứ năm, 20/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngày 20/11, đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH - TT & DL) kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2008.
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc phát biểu tại hội nghị.
|
Đến nay, ngành đã hoàn chỉnh việc sát nhập Sở, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế của Sở vàcác đơn vị sự nghiệp theo Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 21/7/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái; đồng thời chủ động tham mưu với tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện văn hoá thể thao và du lịch của tỉnh và đất nước.
Các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch 10 tháng qua được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đa dạng, phong phú, các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc trong tỉnh từng bước được bảo lưu, phát huy tác dụng, một số lễ hội dân gian được phục dựng đưa vào sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 149.082/164.755 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá; 1.455/2342 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hoá; 1.281/1560 cơ quan đơn vị đăng ký xây dựng đơn vị văn hoá; 1.516/ 2442 khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư tiên tiến; 27 xã ra mắt xây dựng xã văn hoá.
Ngành đã xây dựng kế họach tập huấn luật chống bạo lực gia đình, chỉ đạo xây dựng điểm 5 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 5 nhóm phòng chống bạo lực gia đình tại huyện Văn Yên. Qua phong trào một số cơ sở, vật chất, thiết chế hoạt động văn hoá ở thôn, bản được hình thành từ tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân...
Tuy đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng qua đánh giá của ngành cho thấy vai trò quản lý nhà nước của các phòng Văn hoá-Thông tin huyện thị còn yếu, chưa chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương về quản lý và tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao và du lịch ở cơ sở; Việc quản lý băng đĩa còn chưa thực sự hiệu quả, băng ngoài luồng vẫn tồn tại ở một số cơ sở dịch vụ; Tổ chức lễ hội ở một số địa phương chưa phát huy được yếu tố văn hoá truyền thống còn nặng tính hình thức; Các sản phẩm du lịch còn chạy theo lợi nhuận chưa chú ý tới hàm lượng văn hoá dẫn tới mất thương hiệu trên thị trường; Đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn thiếu, chưa được thưởng thức các sinh hoạt văn hoá chuyên nghiệp.
Việc đưa các hoạt động văn hoá thể thao về cơ sở của các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện chưa được chú trọng, nhiều đơn vị còn ngại khó. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” chưa thực sự đi vào đời sống nhân dân ở vùng cao, tỉ lệ gia đình văn hoá bình bầu chưa sát, còn chạy theo thành tích, ý nghĩa giáo dục chưa cao. Một số tập quán sinh hoạt ở vùng cao như việc chăn thả gia súc dưới gầm sàn, môi trường mất vệ sinh, tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại. Cơ sở vật chất của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang bị xuống cấp trầm trọng lại phân tán xa nơi trung tâm văn hoá chính trị của tỉnh.
Các dự án đầu tư về xây dựng cơ sở vật chất của ngành, của thôn, bản tạm thời bị đình hoãn gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở khi thực hiện Nghị quyết số 11 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Kinh phí cho hoạt động phong trào văn hoá, thể dục thể thao ở cơ sở còn quá ít, sự hỗ trợ của địa phương, sự vận động xã hội hoá còn hạn chế...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Xuân Lộc ghi nhận thành tích mà toàn ngành đạt được trong thời gian qua. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng ngành VH-TT &DL cần tập trung khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển ngành đến năm 2015 với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của một sở đa ngành, trong đó cần làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ của mình thể hiện thống nhất, đầy đủ ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở, xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác VH – TT &DL từng cấp bao gồm cả lực lượng chuyên nghiệp, chuyên trách và quần chúng, của các tổ chức kinh tế, xã hội; cần quy hoạch về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá, TDTT. Ngành cần xác định nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện quy hoạch.
Các đơn vị sự nghiệp trong ngành cũng phải có quy hoạch chi tiết, có định hướng phát triển doanh nghiệp trong ngành. Ngành cần phát huy thế mạnh, nguồn lực của ngành, của tỉnh tổ chức nâng cao chất lượng chỉ tiêu về VT-TT trong năm 2008, nhất là các chỉ tiêu liên quan đến nâng cao đời sống, sinh hoạt cho nhân dân. Cần tập trung cao trong hoàn thiện, đổi mới công tác quản lý nhà nước cấp tỉnh, tăng cường tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...
Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng giải đáp những kiến nghị và chia sẻ với những khó khăn của ngành VH – TT & DL đang cần vượt qua trong thời gian tới.
Khánh Linh
Các tin khác
Để công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả thì cần phải có chế độ khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
YBĐT - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU của Tỉnh uỷ về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế – xã hội huyện Trạm Tấu, giai đoạn 2006 – 2010, bức tranh kinh tế – xã hội của huyện đã thêm nhiều gam màu sáng.
"Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi pháp luật, cải cách hệ thống ngân hàng để công khai thu nhập của cán bộ", Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trao đổi với báo chí về Chiến lược phòng chống tham nhũng được Chính phủ bàn thảo ngày 18/11.
Trong phiên họp giữa tháng hôm 18-11, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến Tờ trình Chính phủ về Ðề án cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình.