Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội nghị giải trừ quân bị 2009
- Cập nhật: Thứ hai, 19/1/2009 | 12:00:00 AM
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998 Việt Nam đảm nhận vị trí quan trọng này.
Ngày 19/1, Việt Nam bắt đầu đảm nhận cương vị Chủ tịch đầu tiên của Hội nghị giải trừ quân bị. Chính vì vậy, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình; thể hiện đường lối nhất quán, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, làm bạn với các quốc gia trên thế giới. Với cương vị mới này, Việt Nam sẽ phải chuẩn bị những nội dung gì để làm tốt trách nhiệm chủ tịch đầu tiên, cũng như cùng các thành viên khác hoạch định kế hoạch hoạt động cho năm 2009?
Hội nghị Giải trừ quân bị là diễn đàn đa phương duy nhất để thương lượng về vấn đề giải trừ quân bị trên thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài, quan hệ quốc tế nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp, diễn đàn này có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và hòa bình trên thế giới.
Đảm nhiệm cương vị chủ tịch đầu tiên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 2009, Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình. Ông Lê Hoài Trung, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) cho biết: “Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam vì hội nghị có một chương trình nghị sự rất rộng. Việt Nam lại là nước làm Chủ tịch đầu tiên cho nên phải xây dựng chương trình nghị sự, nỗ lực phối hợp với các nước, với Liên Hợp Quốc để làm sao có được công việc thuận lợi cho công việc cả năm của hội nghị giải trừ quân bị. Đặc biệt, khi năm 2009 dự báo sẽ có nhiều diễn biến quan trọng trong hội nghị giải trừ quân bị, trong đó có việc kiểm điểm việc thực hiện Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Hội nghị giải trừ quân bị được thành lập vào năm 1979 theo thoả thuận của các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Tiền thân là Ủy ban Giải trừ Quân bị (năm 1960) với 10 thành viên, đến nay, hội nghị Giải trừ Quân bị đã có 65 thành viên chia thành nhiều nhóm, trong đó có nhóm Tây Âu và các nước khác, nhóm các nước Không liên kết…
Chương trình nghị sự thường trực của Hội nghị Giải trừ quân bị gồm 10 đề mục, tuy nhiên do quá rộng, nên hằng năm hội nghị Giải trừ Quân bị thường thông qua chương trình nghị sự hẹp hơn bao gồm 7 nội dung, trong đó có việc thảo luận những biện pháp ngăn ngừa chạy đua hạt nhân-giải trừ quân bị hạt nhân; vấn đề chống chạy đua vũ trang trong vũ trụ; đảm bảo an ninh cho các nước không có vũ khí hạt nhân…
Đáng chú ý, hầu hết các điều ước quốc tế đa phương quan trọng được ký kết từ sau Chiến tranh Thế giới II đến nay là kết quả của các cuộc thương lượng tại Hội nghị giải trừ quân bị và các tổ chức tiền thân, trong đó có Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT); Công ước về cấm vũ khí vi trùng, Công ước về cấm vũ khí hoá học và gần đây nhất là Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện ký vào năm 1996.
Chuẩn bị đảm nhiệm cương vị Chủ tịch đầu tiên của hội nghị Giải trừ Quân bị năm 2009, Việt nam đã có những bước chuẩn bị tích cực. Cho tới nay, phái đoàn Việt Nam tại Geneve (Thụy sỹ) đã tiến hành tham vấn với tất cả các nước thành viên của hội nghị Giải trừ quân bị để nắm bắt quan diểm của các quốc gia, phương thức làm việc cũng như những ưu tiên của các nước, các nhóm nước với các vấn đề đó, nhằm chuẩn bị tích cực cho một năm làm việc của Hội nghị.
Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán, đường đối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của mình trong quan hệ quốc tế. Đó là bảo vệ hòa bình, ủng hộ giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, chống phổ biến các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Việc Việt Nam gia nhập, thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực giải trừ quân bị, cam kết vì một khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân. Mới đây là việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện và sẽ ký Nghị định thư bổ sung với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về đảm bảo hạt nhân…là những ví dụ cho thấy điều đó.
Trong năm 2009, trên cương vị mới Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện chính sách này, giúp các thành viên hội nghị Giải trừ Quân bị dung hòa các quan điểm khác biệt, đồng thuận, nhất trí xây dựng một nền hòa bình, không vũ khí hạt nhân. “Quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân là rất rõ ràng. Việt Nam ủng hộ những biện pháp quốc tế chống phổ biến vũ khí hạt nhân- điều đã được khẳng định trong Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 mà Việt Nam là thành viên.
Ông Lê Hoài Trung cho biết: “Đó là đảm bảo hợp tác quốc tế cho chuyển giao công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Lập trường của Việt Nam rất được hoan nghênh. Chúng tôi nghĩ đó cũng là điểm mạnh để Việt Nam có thể trao đổi với các nước, mặc dù các nước cũng có những quan điểm khác nhau về vấn đề này”.
(Theo VOV)
Các tin khác
Tổng Bí thư dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9.
*Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Bình và Phạm Duy Cường chúc tết tại huyện Mù Cang Chải và Văn Yên.
YBĐT - Ngày 16 và 17/1, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến làm việc, chúc tết Đảng bộ, nhân dân thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.
Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội nghị giải trừ quân bị gồm 65 quốc gia thành viên, trong đó có 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân, tại Geneva trong kỳ họp đầu (19/1/2009-15/2/2009).
Ngày 16-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu tại hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 6 (khóa VI) nhằm đánh giá về kết quả công tác mặt trận năm 2008 và chương trình hành động năm 2009 cũng như phối hợp công tác giữa mặt trận và Chính phủ.