Cần tăng mức trợ cấp cho người cao tuổi
- Cập nhật: Thứ bảy, 6/6/2009 | 12:00:00 AM
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nên hạ độ tuổi hưởng trợ cấp của người cao tuổi từ 85 tuổi như hiện nay xuống 80 tuổi với nam và 75 tuổi với nữ.
Người cao tuổi luôn sống vui, sống khoẻ, sống có ích.
|
Chiều 5/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật người cao tuổi.
Các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo luật, đó là: nguyên tắc việc hỗ trợ, giảm giá một số dịch vụ cho người cao tuổi; người cao tuổi nước ngoài ở Việt Nam có được hưởng các chính sách hỗ trợ; đối tượng người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước; về hệ thống tổ chức và vị trí của Hội người cao tuổi Việt Nam trong hệ thống chính trị…
Có nên hành chính hoá?
Theo Điều 24 dự thảo Luật, Hội người cao tuổi Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội được tổ chức ở 4 cấp: trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Một số đại biểu cho rằng Hội người cao tuổi là tổ chức xã hội, do đó không nên quy định trong dự thảo Luật về hệ thống tổ chức của Hội người cao tuổi. Hệ thống tổ chức của Hội nên quy định trong Điều lệ của Hội.
Nghiêng về ý kiến này, đại biểu Trần Văn Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, nên qui định Hội người cao tuổi là tổ chức xã hội, vì đây là nơi tụ họp, gặp gỡ của các cụ cao tuổi. Không nên hành chính hoá các tổ chức chính trị-xã hội. Các cụ đã cơ bản hoàn thành nghĩa vụ với đất nước cho nên khi về già thì chỉ cần sống vui, sống khoẻ, sống có ích.
Một số đại biểu thống nhất với Ban soạn thảo cho rằng dự thảo Luật cần khẳng định Hội người cao tuổi là tổ chức chính trị- xã hội và với một lực lượng hội viên đông đảo như hiện nay, tỷ lệ và xu hướng già hoá dân số đã hiện hữu ở nước ta thì việc tổ chức bộ máy Hội ở bốn cấp là phù hợp. Bên cạnh đó, dù có tự lực đến mấy thì Hội vẫn cần có sự trợ giúp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động của bộ máy quản lý.
Về việc cho người cao tuổi vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, một số đại biểu cho rằng nên cân nhắc kỹ. Bởi hiện nay, số cụ cao tuổi vẫn làm kinh tế chiếm số ít, không phải là phổ biến. Nếu qui định như trong dự thảo luật sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nhiều người lợi dụng người cao tuổi để vay vốn, sử dụng sai mục đích.
80 tuổi được nhận “lương”
Nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng, nên hạ độ tuổi hưởng chính sách của người cao tuổi từ 85 tuổi hiện nay xuống còn 80 tuổi với nam và 75 tuổi với nữ. Theo đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 72 tuổi và nếu đợi đến năm 80 tuổi thì là quá xa. Đại biểu cũng cho rằng, cần nâng mức hỗ trợ từ 120.000 lên 200.000 đồng/tháng trượt giá thị trường.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Hợp (đoàn Hải Dương) cho rằng, số các cụ 80 tuổi trở lên ngày càng đông. Điều này chứng minh điều kiện, cuộc sống của người dân được nâng cao. Tuổi 80 là tuổi thượng thọ vì vậy đề nghị cần có một khoản lương cho các cụ. Số tiền này không cao nhưng là nguồn động viên với các cụ. Đó là sự trân trọng, mang ý nghĩa tinh thần.
Điều 15 dự thảo Luật quy định về mặt nguyên tắc việc hỗ trợ, giảm giá một số dịch vụ cho người cao tuổi. Nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của qui định này.
Theo ý kiến của đại biểu Trần Văn Vinh (đoàn Hải Phòng) dự thảo Luật nên quy định theo 3 nhóm đối tượng để hỗ trợ, đó là: Người cao tuổi không có thu nhập mà cô đơn hoặc còn vợ còn chồng mà không còn người có nghĩa vụ phụng dưỡng; Người cao tuổi tàn tật hoặc bị bệnh không có khả năng tự phục vụ; Người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội thuộc độ tuổi do Chính phủ quy định.
Đại biểu cũng cho rằng, Luật nên thiết kế theo hướng gia đình có trách nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi chứ không nên dựa vào Nhà nước. Nhà nước chỉ hỗ trợ người cao tuổi khi nào thực sự cần thiết.
Còn đại biểu Danh Út (Kiên Giang) thì cho rằng, “Người cao tuổi phải nuôi dưỡng trẻ em có bố mẹ chết vì HIV và người cao tuổi ở vùng sâu vùng xa nên được nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.
Về việc hỗ trợ người cao tuổi nước ngoài sống ở Việt Nam, theo một số đại biểu thì không nên qui định trong luật, bởi có rất nhiều cái chung không cần thiết đưa vào trong luật mà vẫn được thực hiện (ví dụ như việc hỗ trợ người cao tuổi khi đi máy bay, tham gia các phương tiện công cộng…).
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, Luật cần bổ sung một số quyền lợi, nghĩa vụ của người cao tuổi chứ không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hưởng những hỗ trợ. Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nói: “Dường như chúng ta quên mất quyền được học tập của người cao tuổi. Học tập lâu dài là yếu tố để người cao tuổi phát huy tiềm năng trí tuệ và sự đóng góp của mình”.
55 hay 60 tuổi được coi là người cao tuổi
Điều 2 của dự thảo Luật quy định: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”.
Một số ý kiến cho rằng qui định như vậy là thiếu thống nhất với quy định của Bộ luật lao động, Luật cán bộ, công chức quy định độ tuổi về hưu của nam là 60 tuổi, nữ 55. Như vậy, những phụ nữ trong khoảng thời gian từ 55 tuổi đến 60 tuổi sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Đại biểu Ngô Quang Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, Luật không cần thiết phải qui định độ tuổi như vậy mà do điều lệ hoạt động của Hội quy định. Nếu quy định tuổi 60 thì với nữ giới những người sau 55 tuổi về hưu muốn tham gia hội thì lại bị vướng. Vì vậy đề nghị đối với nam là 60 và 55 tuổi với nữ giới.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng không nên quá quan tâm về độ tuổi. Nếu người nào dưới 60 tuổi có nguyện vọng tham gia Hội thì chỉ cần viết đơn xin tham gia.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 3/6, đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với ngành Giao thông vận tải về tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Ngày 3.6, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận tổ về Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014.
Chính phủ dành thời gian tập trung thảo luận tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày.
Nhân Tháng hành động vì trẻ em 2009 và ngày Quốc tế Thiếu nhi, chiều 1.6 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gặp mặt thân mật 50 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nỗ lực vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập.