WITFOR 2009: Việt Nam coi CNTT và truyền thông là ngành kinh tế mũi nhọn

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/8/2009 | 12:00:00 AM

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới WITFOR Việt Nam 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, Việt Nam coi CNTT và truyền thông là một công cụ hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Công nghệ thông tin WITFOR 2009.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Công nghệ thông tin WITFOR 2009.

Đúng 9 giờ sáng 26/8,Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới WITFOR Việt Nam 2009 đã chính thức được khai mạc với sự tham gia của các đại biểu, chuyên gia CNTT đến từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đại diện của các tổ chức quốc tế và mọi miền đất nước và Việt Nam.

 

CNTT: Công cụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế

 

Đánh giá cao Diễn đàn CNTT thế giới lần này đã chọn chủ đề “Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Đây là chủ đề thiết thực, rất có ý nghĩa trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra”.

 

“Diễn đàn lần này là cơ hội để chúng ta thảo luận một cách toàn diện và sâu sắc về các chính sách, kinh nghiệm, cơ hội hợp tác phát triển, ứng dụng CNTT trong việc giải quyết các thách thức đối với sự phát triển bền vững trong đó có phát triển nông nghiệp và nông thôn, cơ sở hạ tầng truyền thông, giáo dục, y tế, bình đẳng giới, môi trường, Chính phủ điện tử, cơ hội kinh tế, chính sách hỗ trợ, mô hình hợp tác về công nghệ thông tin, việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguồn tài nguyên thiên nhiên, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đói nghèo và khủng hoàng kinh tế toàn cầu” - Thủ tướng nói.

 

Theo Thủ tướng, những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT cùng với nhiều ngành công nghệ cao khác đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. CNTT đặc biệt là Internet đã làm cho thế giới gần gũi hơn, tăng cường sự hiểu biết, giao lưu hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới.

 

Việc ứng dụng và phát triển CNTT góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này lại càng có ý nghĩa đặc biệt đối với các nước đang phát triển. CNTT thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, giúp Chính phủ nâng cao năng lực quản lý điều hành, người dân dễ dàng tiếp cận với kinh tế và tri thức, doanh nghiệp giảm chi phí và nâng cao hiệu suất hoạt động.

 

Với riêng Việt Nam, CNTT và truyền thông cũng là một công cụ rất quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 

Theo đánh giá của Thủ tướng, nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển. CNTT đã có bước phát triển khá nhanh, duy trì được tốc độ phát triển cao. Năm 2008, doanh thu của ngành CNTT-TT đạt trên 10 tỷ USD, tỷ lệ sử dụng Internet đạt khoảng 25% và phổ cập điện thoại ở mức cao. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng và nâng cao hiệu quả kinh tế của Việt Nam, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của người dân, đẩy nhanh sự hội nhập với thế giới.

 

WITFOR 2009: Cơ hội chia sẻ thông tin toàn diện

 

Năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn. Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, WITFOR là một trong những diễn đàn thế giới có uy tín nhất về CNTT và truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông hân hạnh được đăng cai tổ chức diễn đàn lần thứ tư với chủ đề “Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững”. Đây là chủ đề phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thông tin của thế giới và Việt Nam, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển ổn định và bền vững kinh tế - xã hội.

 

Cũng chính vì thế mà diễn đàn lần này sẽ tập trung vào không chỉ các mặt liên quan mật thiết đến ứng dụng công nghệ thông tin như: chính phủ điện tử, hạ tầng truyền thông, kinh nghiệm và chính sách phát triển công nghệ thông tin hay phần mềm mã nguồn mở, mà còn trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như: nông nghiệp, y tế, môi trường, giáo dục cũng như vai trò phụ nữ và sự phát triển công nghệ thông tin…

 

“Diễn đàn sẽ là nơi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CNTT trên thế giới cùng gặp gỡ, tìm hiểu và nắm bắt cơ hội hợp tác kinh doanh. Đối với các viện nghiên cứu, các trường đại học và học sinh, sinh viên, qua Diễn đàn sẽ được giao lưu, tiếp cận với các chương trình nghiên cứu để học hỏi trong lĩnh vực CNTT-truyền thông của các tổ chức quốc tế và nước tiên tiến trên thế giới - Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói.

 

Trong thời gian 3 ngày diễn ra WITFOR 2009, từ hôm nay, 26-28/8/2009, hơn 100 diễn giả quốc tế, 30 diễn giả Việt Nam sẽ trình bày các bài tham luận và trao đổi cùng 1.500 đại biểu tại 7 phiên họp toàn thể và 32 phiên họp song song của 8 Uỷ ban chuyên môn.

 

Các phiên họp toàn thể, bao gồm bài phát biểu của Lãnh đạo Chính phủ, quan chức cao cấp quốc tế và báo cáo của các diễn giả nổi tiếng thảo luận các vấn đề chiến lược, chính sách vĩ mô liên quan đến vai trò của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội trong thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT; hợp tác nhà nước - tư nhân; CNTT phục vụ phát triển bền vững; xu hướng công nghệ tương lai và các vấn đề bình đẳng giới.

 

Với những mục tiêu trên và xoay quanh chủ đề xuyên suốt là “Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững”, diễn đàn lần này sẽ bao gồm 7 phiên họp toàn thể, cùng 32 phiên họp chuyên đề của 8 tiểu ban chuyên môn đi sâu thảo luận các vấn đề kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực khác nhau.

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 99 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911- 25/8/2009), chiều 24/8, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo các bộ, ban, ngành đến thăm, chúc mừng Đại tướng.

Chủ tịch nước thăm và tặng quà công nhân công ty Nam Việt Á.

Sáng 24-8, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cùng đoàn đã đi thăm Dự án Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Nam Việt Á làm chủ đầu tư.

YBĐT - Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà các cán bộ tiền khởi nghĩa nhân dịp kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9; Ban Chỉ đạo Tây Bắc đó tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; 10 ngày bắt được 7 vụ cướp tài sản trên địa bàn thành phố Yên Bái... là những tin tức nổi bật trong tuần qua.

Đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Ban chỉ đạo Tây Bắc.

YBĐT - Ngày 23/8, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập (24/8/2004-24/8/2009) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Dự hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Hà Thị Khiết - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây nguyên, lãnh đạo 16 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục