UBTVQH khai mạc phiên họp thứ 24: Hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trong viễn thông
- Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2009 | 12:00:00 AM
Sau lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào sáng 28.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về hai dự án Luật viễn thông và Luật tần số vô tuyến điện.
Sau khi đã thảo luận tại phiên họp thứ 22 của UBTVQH (11.8.2009), xin ý kiến các đoàn đại biểu QH, đến nay dự Luật viễn thông vẫn còn hai nội dung có những ý kiến khác nhau: phạm vi điều chỉnh; cạnh tranh cũng như các quy định nhằm phát triển thị trường viễn thông.
Xung quanh các quy định về cạnh tranh, Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ và Môi trường của QH Đặng Vũ Minh cho biết, ngoài việc quy định các doanh nghiệp viễn thông phải tuân thủ các yêu cầu về chống cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật cạnh tranh, Thường trực UB này và Ban soạn thảo dự luật thống nhất bổ sung các quy định nhằm hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh mang tính đặc thù trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, yêu cầu các doanh nghiệp nắm giữ phương tiện viễn thông thiết yếu, doanh nghiệp thống lĩnh thị trường phải thực hiện chế độ thống kê, kế toán riêng đối với dịch vụ thống lĩnh thị trường, xác định giá thành dịch vụ. Các nội dung này được Ban soạn thảo Dự luật bổ sung, chỉnh sửa vào các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 19.
Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận không tán đồng với dự luật quy định: “Việc thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật cạnh tranh trong hoạt động viễn thông phải được sự chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Theo ông Thuận, quy định như vậy là phá vỡ tính đồng bộ của luật, vì Luật cạnh tranh đã quy định là Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối thực hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến cạnh tranh. Ủy viên UBTVQH Nguyễn Văn Thuận cũng không thỏa mãn với các quy định của Điều 4 dự luật: “Ưu tiên phát triển viễn thông đối với nông thôn, vùng sâu, vùng xa”… Ông Thuận cho rằng, luật phải nói rõ là ưu tiên phát triển cái gì. “Viễn thông là một khái niệm rất rộng, viết như vậy là chính sách không rõ ràng”, ông Thuận lên tiếng.
Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho biết, các quy định cụ thể ưu tiên phát triển cái gì sẽ được cụ thể hóa trong Nghị định hướng dẫn luật của Chính phủ.
Cùng với việc mở rộng đối tượng được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông, dự luật còn quy định theo hướng Nhà nước nắm cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia.
Lo phình bộ máy
Dự luật đề nghị thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành viễn thông thuộc hệ thống tổ chức Thanh tra Thông tin và truyền thông.
Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng và Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cho rằng quy định như vậy là không phù hợp với quy định của Luật thanh tra, phình bộ máy tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng giải thích: “Đây chỉ là cách thể hiện, chứ cơ quan chủ trì soạn thảo không có ý là đề xuất thành lập hai cơ quan thanh tra tồn tại song song”.
Điều 16, dự luật quy định, người sử dụng dịch vụ viễn thông có các quyền và nghĩa vụ: Được lựa chọn doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông để giao kết hợp đồng và sử dụng các dịch vụ viễn thông, trừ các dịch vụ bị cấm; được quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng dịch vụ; được quyền sử dụng các dịch vụ viễn thông với chất lượng và giá cước theo hợp đồng đã giao kết với doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông; được quyền bảo đảm bí mật thông tin riêng theo quy định… Điều 12 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông gồm: thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông… |
Các tin khác
Trong tuần qua, đoàn cán bộ cao cấp tỉnh Yên Bái đã tới thăm và làm việc tỉnh Viêng Chăn (Lào). Ngày 22/9, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ 6, khu vuẹc I năm 2009 kết thúc tốt đẹp. Yên Bái triển khai Luật BHYT.
9 giờ sáng nay 28/9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ VII họp phiên khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Tiếp tục các hoạt động tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 64 Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ), chiều 25-9 theo giờ địa phương (sáng 26-9 giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa họp thường niên lần thứ 64 Đại hội đồng LHQ (ảnh).
Sáng nay (26/9, theo giờ Hà Nội), tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết đã phát biểu tại Phiên thảo luận chung khoá họp thứ 64 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc.