Huy động mọi nguồn lực, từng bước đưa Trạm Tấu thoát khỏi huyện nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/8/2010 | 9:54:16 AM

YBĐT - Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, sự quan tâm của các ngành, Đảng bộ và nhân dân huyện Trạm Tấu quyết tâm vượt khó, đưa Trạm Tấu thoát khỏi huyện nghèo, vững bước đi lên trên con đường đổi mới.

Ngô Ngọc Tuấn  - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu nói chuyện với đồng bào Mông xã Bản Công về làm đường giao thông nông thôn và sản xuất vụ lúa xuân để xóa đói giảm nghèo.
Ngô Ngọc Tuấn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu nói chuyện với đồng bào Mông xã Bản Công về làm đường giao thông nông thôn và sản xuất vụ lúa xuân để xóa đói giảm nghèo.

Thông tin liên quan:

>Trạm Tấu hướng tới mục tiêu xóa nghèo bền vững

>Tập trung xây dựng các mô hình chi bộ thôn, bản, đảng viên tiêu biểu trong xoá đói giảm nghèo

>Tà Xi Láng phát huy vai trò "đầu tàu" của đảng viên

>Trạm Tấu: Phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước

Năm năm qua, Đảng bộ huyện Trạm Tấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ huyện và nghị quyết đại hội cấp trên trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, vươn lên đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện.

Nền kinh tế của huyện tiếp tục ổn định và có những bước phát triển khá: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; có 21/26 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết Đại hội. Sản xuất nông - lâm nghiệp tiếp tục giành những thắng lợi quan trọng. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã huy động được các nguồn lực; nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị được tăng cường. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể bước đầu đã có những đổi mới, tạo được phong trào quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Nhân dân các dân tộc trong huyện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị - kinh tế, an ninh - quốc phòng.

Đạt được những kết quả đó là nhờ Đảng bộ đã vận dụng sáng tạo đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương, đặc biệt là Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu; Nghị quyết 30a của Chính phủ về một số giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững đối với 62 huyện nghèo cùng với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự cố gắng của các cấp, các ngành và nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong việc tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện, Đảng bộ huyện bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 với những điều kiện thuận lợi đối với sự phát triển toàn diện của huyện. Đó là Trạm Tấu là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước được Nhà nước tập trung hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Sau Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ, Tỉnh ủy tiếp tục có kế hoạch Phát triển xanh, xây dựng các mục tiêu “Năm có, năm không” giai đoạn 2010 - 2015.

Đảng bộ huyện đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Tăng cường đoàn kết, tiếp tục đổi mới, huy động tổng hợp mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao một bước đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thực hiện toàn diện các mặt công tác, sớm đưa huyện Trạm Tấu thoát khỏi huyện nghèo” với các chỉ tiêu chủ yếu là: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 15% trở lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 10 triệu đồng trở lên; tổng sản lượng lương thực đạt 16.800 tấn vào năm 2015; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong 5 năm đạt 2.000 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 xuống dưới 20%; 100% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 70% trở lên đạt trong sạch, vững mạnh; 70% chính quyền xã, thị trấn vững mạnh; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ hàng năm đạt từ 80% trở lên.

Để thực hiện được các chỉ tiêu trên trong nhiệm kỳ, Đảng bộ sẽ tập trung lãnh đạo 5 chương trình lớn:

Một là: Chương trình chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông - lâm nghiệp, đưa sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện bước vào nền sản xuất hàng hóa bằng một số đối tượng chủ lực là sản xuất ngô thành hàng hóa và đến năm 2015 tạo được vùng trồng cây cao su ở những nơi phù hợp, trồng 300 ha cây sơn tra ở các xã vùng cao. Trạm Tấu coi sản xuất lâm nghiệp là bước đột phá trong sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện.

Hai là:  Chương trình phát triển công nghiệp với tốc độ cao bằng việc đưa nhanh các thủy điện đang đầu tư vào sản xuất, bổ sung quy hoạch các dự án đang khảo sát và dự án mới; đẩy nhanh tiến độ đầu tư để có sản phẩm đá xẻ và quặng chì vào năm 2012, mở mới một số điểm khai thác khoáng sản thông thường đã có trong quy hoạch.

Ba là: Triển khai vững chắc, có chất lượng chương trình giáo dục ở các cấp, các ngành học; gắn chặt giáo dục phổ thông với hướng nghiệp dạy nghề; nâng cao một bước chất lượng trong dạy và học ở các trường nội trú và bán trú trên địa bàn huyện.

Bốn là: Tổ chức một cuộc vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và về việc thay đổi, xóa bỏ các tập quán không còn phù hợp trên địa bàn.

Năm là: Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình “3 không” đến từng hộ nông dân vùng cao: “Không phá rừng, không đốt rừng làm nương; không trồng, không hút thuốc phiện; cư trú theo quy định và sản xuất theo quỹ đất đã được bố trí, không di dịch cư tự do”.

Các giải pháp lớn sẽ được áp dụng bao gồm:

Ưu tiên hàng đầu là tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và rà soát quy hoạch phát triển kinh tế trên địa bàn huyện gắn với quy hoạch, sử dụng đất và thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy nhằm xác định rõ đối tượng cây trồng, vật nuôi và quy mô tổ chức thực hiện; từng bước thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch dân cư bảo đảm tính tập trung tương đối, tái cấu trúc lại cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trên cơ sở quy hoạch, sử dụng đất, tiếp tục tổ chức khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang để sản xuất lương thực, đưa tổng diện tích đất gieo trồng cây lương thực lên trên 5.000 ha, tích cực chuyển diện tích sản xuất lúa nước từ 1 vụ lên 2 vụ; tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả, tổ chức vận động nhân dân làm chuồng cho 70% số đàn gia súc và trồng mới 800 ha cỏ ở tất cả các xã, thị trấn; bảo vệ tốt 38.749,2 ha rừng phòng hộ, trồng mới 7.400 ha rừng (trong đó có 3.000 ha rừng sản xuất).

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giao đất, giao rừng, cho thuê rừng sản xuất để bảo đảm 100% diện tích rừng đều có chủ và được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định; tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình “Phát triển xanh huyện Trạm Tấu”; bổ sung cây cao su vào cơ cấu cây đa dụng ở những nơi có điều kiện; tăng cường quản lý đất đai theo luật và hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn huyện; triển khai điều chỉnh đất sản xuất nông - lâm nghiệp, bảo đảm mọi công dân đều có đất để sản xuất.

Trong đầu tư cơ sở hạ tầng, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch để trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt hàng năm chủ động thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư kịp thời, đúng luật; huy động nguồn lực đầu tư phát triển giao thông nông thôn, các công trình xây dựng cơ bản phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân; thực hiện tốt việc sử dụng lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên.

Trong tổ chức thực hiện cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành để các công trình đã được đầu tư thực sự phát huy hiệu quả; tổ chức thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy chế về quản lý, vận hành, sử dụng các công trình sau đầu tư, nhất là cấp xã.

Tận dụng tiềm năng, tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch để phát triển hệ thống thủy điện, khai khoáng, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực khác để xây dựng các công trình thủy điện và khai khoáng trên địa bàn huyện; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư du lịch, thương mại, dịch vụ tổng hợp phù hợp với điều kiện nhằm đáp ứng các nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Đẩy nhanh việc đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là sản xuất nông - lâm nghiệp như giống cây, con mới và giống tiến bộ kỹ thuật đi cùng với quy trình thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chống xói mòn đất, cải tạo đất, từng bước đưa công nghệ sinh học vào sản xuất; lựa chọn tổ chức thực hiện một số đề tài, nhiệm vụ khoa học cụ thể gắn với thực tế của huyện nhằm nghiên cứu, thực nghiệm để có giải pháp khắc phục một số vấn đề chưa được giải quyết trên địa bàn; nghiên cứu, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió ở những vùng đặc biệt khó khăn.

 Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong huyện gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội; ra các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề để từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp và mô hình giảm nghèo bền vững; chú trọng giáo dục tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và bồi dưỡng kiến thức sản xuất, nâng cao năng lực xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.

Tăng cường công tác vận động quần chúng nhân dân, đưa phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thực sự đi vào chiều sâu; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh; nâng cao năng lực, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng bộ đối với lực lượng vũ trang; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xóa bỏ triệt để tình trạng tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, đặc biệt coi trọng xây dựng các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nhất là tổ chức cơ sở Đảng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ; đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, bố trí cán bộ đúng người, đúng năng lực; lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ người Mông có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực công tác để đưa vào quy hoạch, tạo nguồn cán bộ kế cận; có kế hoạch chiến lược đầu tư lâu dài đối với những học sinh có học lực khá tại các trường nội trú, bán trú ngay từ cấp học trung học cơ sở để đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật… nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho tương lai.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, sự quan tâm của các ngành, Đảng bộ và nhân dân huyện Trạm Tấu quyết tâm vượt khó, đưa Trạm Tấu thoát khỏi huyện nghèo, vững bước đi lên trên con đường đổi mới.

Ngô Ngọc Tuấn- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu

Các tin khác
Cao Phạ hôm nay. (Ảnh: Đức Hồng)

YBĐT - Với những thành tích đã đạt được, năm 1998, xã Cao Phạ được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là phần thưởng cao quí dành cho Đảng bộ, chính quyền xã, dành cho những người con của núi rừng Khau Phạ đã lập được nhiều chiến công hiển hách, chung tay xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp.

Ruộng bậc thang của đồng bào Mông ở xã Xà Hồ (Trạm Tấu).

YBĐT - Ngày 23/7/2010, tại kỳ họp thứ 18, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã thông qua 4 nghị quyết, trong đó có 1 nghị quyết thường kỳ và 3 nghị quyết chuyên đề. Xin giới thiệu tóm tắt nội dung cơ bản của 3 nghị quyết chuyên đề này.

Nhân dân tỉnh Louang Namtha nồng nhiệt chào đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Sáng 25/8, tại Phủ Chủ tịch ở thủ đô Vientiane, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã diễn ra lễ tiễn chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kết thúc các hoạt động ở Vientiane, tiếp tục đi thăm các địa phương của Lào.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các trưởng
đoàn dự hội nghị Bộ trưởng kinh
tế Asean lần thứ 42

Sáng 25-8, tại TP Ðà Nẵng, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 (AEM 42) đã khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu khai mạc. Dự hội nghị có Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-văn, Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN và các đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Ấn Ðộ, Nga, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch AEM 42, chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục