65 năm Yên Bái trưởng thành cùng đất nước
- Cập nhật: Thứ năm, 2/9/2010 | 4:27:57 PM
YBĐT - 65 mùa thu trôi qua kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, mỗi người dân Yên Bái không khỏi hân hoan tự hào về một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, với lớp lớp người đã góp sức mình làm nên những mùa thu cách mạng rực rỡ nắng vàng!
Các địa phương vùng cao của tỉnh Yên Bái ngày thêm đổi mới
|
Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Yên Bái là một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc có vị trí chiến lược trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Quyết không chịu kiếp sống nô lệ, nhân dân các dân tộc Yên Bái cùng nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Các cuộc khởi nghĩa của đồng bào Kinh, Tày, Dao... ở Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên và ở nhiều nơi khác đã liên tục đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, cướp ruộng đất, làm cho thực dân Pháp khiếp sợ.
Điển hình là cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam quốc dân Đảng do chí sĩ yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa không thành công, nhưng tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên cường của các nghĩa sỹ đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cổ vũ, bồi đắp thêm lòng yêu nước của nhân dân cả nước, đồng thời góp tiếng vang lớn trên thế giới.
Mùa xuân năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đầu những năm 40 của thế kỷ XX, một số cơ sở cách mạng đã được xây dựng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái; nhiều tổ chức cứu quốc được thành lập.
Ngày 7/5/1945, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đã ra đời ở thị xã Yên Bái. Ngày 30/6/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư, mở ra bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương. Ngày 6/7/1945, lực lượng vũ trang Yên Bái ra đời làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.
Sau khi được thành lập, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa giải phóng các châu: Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái. Yên Bái vinh dự, tự hào là một trong những địa phương giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất.
Sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của nạn “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ, củng cố lực lượng vũ trang, tránh được sự xô xát với quân Tưởng, cô lập bọn phản động Việt Quốc, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, chúng đã thôn tính 2/3 diện tích tỉnh ta. Thực hiện đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” kết hợp vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng hậu phương, quân và dân Yên Bái đã đóng góp sức người, sức của và phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều chiến dịch như Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951).
Đặc biệt, trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 đã đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái.
Ngay sau giải phóng, Yên Bái lại dồn sức vào thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là mở con đường huyết mạnh nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc và huy động sức người, của cải của toàn dân, góp phần to lớn cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Yên Bái bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đã tạo chuyển biến quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày 25/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Đảng và Chính phủ về thăm Yên Bái.
Thực hiện lời dặn của Người, Yên Bái quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và không ngừng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tích cực khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thiết lập quan hệ sản xuất mới, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội mà tiêu biểu là công trình xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thuỷ điện Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống anh hùng, Yên Bái đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng cả nước chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân Yên Bái vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng vạn thanh niên các dân tộc đã xung phong tòng quân, lên đường đánh giặc, hàng ngàn người con thân yêu của quê hương Yên Bái đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, quân và dân Yên Bái - Hoàng Liên Sơn trực tiếp chiến đấu dũng cảm, lần lượt làm thất bại các âm mưu phá hoại, xâm lược, gây mất ổn định của các thế lực phản động bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia. Ghi nhận công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống kẻ thù xâm lược của quân và dân Yên Bái, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quí “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho tỉnh Yên Bái; 82 mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều tập thể, cá nhân được được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động…
Sau gần 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1991), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Trước đây, với lối sản xuất theo tập quán tự nhiên, độc canh cây lúa, phá rừng, làm nương rẫy và làm ruộng một vụ, làm không đủ ăn, người dân đói nghèo, lam lũ quanh năm. Còn hôm nay, Yên Bái đã có một nền nông nghiệp khá phát triển, người nông dân không những đủ ăn mà đã có tích luỹ, từng bước làm giàu, đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các cơ sở chế biến công nghiệp và thị trường.
Hầu hết diện tích ruộng đã được gieo cấy hai vụ, trong đó có nhiều diện tích đưa lên sản xuất ba vụ/năm, sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 320 kg/năm. Chăn nuôi, thuỷ sản và lâm nghiệp đang trở thành những ngành sản xuất chính. Yên Bái cũng là tỉnh sớm đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại, hiện nay toàn tỉnh có trên 1.000 trang trại. Sản phẩm nông, lâm sản của tỉnh không những tiêu thụ trong nước mà đã có một số sản phẩm nổi tiếng được xuất khẩu đi nhiều nước.
Công nghiệp từ chỗ sản xuất thủ công, đến nay Yên Bái đã có một nền công nghiệp khá phát triển, là một trong số các tỉnh dẫn đầu khu vực về giá trị sản xuất công nghiệp. Toàn tỉnh đang có trên 7.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 17 khu, cụm công nghiệp với diện tích đất quy hoạch trên 2.000 ha, xi măng 1,2 triệu tấn/năm, bột đá 450 nghìn tấn, nguyên liệu gốm sứ và nhiều mặt hàng nông, lâm sản là các sản phẩm chủ lực…
Từ chỗ hoạt động mua bán hầu như chưa có, chủ yếu là trao đổi các sản phẩm tự sản xuất, thu hái tại địa phương để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, đến nay hệ thống thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng cao, sản phẩm đa dạng, chất lượng được nâng lên. Hệ thống chợ từ thành thị đến nông thôn phát triển khá nhanh, các siêu thị, cửa hàng tự chọn xuất hiện ngày càng nhiều ở thành phố, thị xã và các khu dân cư tập trung, các dịch vụ vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông, điện, nước… phát triển nhanh chóng.
Trước đây giao thông chủ yếu là đường mòn, đường thuỷ dọc sông Hồng, sông Chảy, toàn tỉnh chỉ có một tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh chủ yếu để phục vụ cho người Pháp, đường ô tô đi lại được không quá 2 km. Giờ, Yên Bái đã có một hệ thống giao thông khá đồng bộ, gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với gần 5.000 km đường bộ, đảm bảo đi lại thuận tiện và nhanh chóng, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, là một trong các tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng đường giao thông nông thôn. Yên Bái còn có 4 cây cầu lớn vượt sông Hồng. Đường sắt và đường thuỷ cũng phát triển mạnh, phục vụ giao thương trong và ngoài tỉnh.
Từ một thị xã Yên Bái nhỏ bé, hoang tàn sau chiến tranh, hôm nay Yên Bái đã trở thành thành phố đầu tiên ở vùng Tây Bắc - một thành phố phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh. Cùng với đó là mạng lưới đô thị phát triển đồng bộ ở các địa phương trong tỉnh, với thị xã Nghĩa Lộ và nhiều thị trấn, thị tứ ngày càng hiện đại.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Yên Bái đã đổi thay toàn diện và tích cực. Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ được coi trọng và có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống giáo dục phát triển toàn diện, mạng lưới trường lớp học đã đến tất cả các xã trong tỉnh, bình quân 4 người dân có một người đi học. Mạng lưới y tế phát triển mạnh tới tận thôn, bản, với tỉ lệ 7 bác sỹ/một vạn dân, toàn tỉnh có trên 70% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đảm bảo nâng cao chất lượng sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Văn hóa, thông tin phát triển mạnh cả về loại hình và chất lượng.
Ngày đầu thành lập, Đội Du kích Âu Cơ gồm 23 chiến sỹ, được trang bị 11 khẩu súng trường, 1 khẩu súng trung liên và một số vũ khí thô sơ, giờ đây tỉnh đã xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, mà nòng cốt là các lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Yên Bái chỉ với vài đảng viên, đến nay hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái được xây dựng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đảng bộ tỉnh có 12 Đảng bộ trực thuộc, 570 tổ chức cơ sở Đảng, 3.044 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và trên 40.000 đảng viên, tất cả các thôn, bản đều có chi bộ.
Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. Đảng bộ luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Những ngày này Yên Bái đã tổ chức thành công đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp huyện thị, thành phố và đang tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII diễn ra trong tháng 10 năm 2010 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
65 mùa thu cách mạng đi qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã làm nên những kỳ tích anh hùng. Một Yên Bái đang vững bước đi lên trên nền truyền thống để trở thành tỉnh phát triển toàn diện trong sự nghiệp đổi mới CNH-HĐH đất nước.
Minh Đức
Các tin khác
Mỗi người con đất Việt từ châu thổ sông Hồng đến đồng bằng Cửu Long và những vùng cao nguyên, đồi núi hay hải đảo, thậm chí sinh sống cách dải đất hình chữ S này tới nửa vòng trái đất đều rất tự hào: Hôm nay, ngày Tết Độc lập lần thứ 65 của dân tộc. Chặng dài hơn nửa thế kỷ qua đang khẳng định "Vị thế Việt Nam" trên con đường mới. Con đường của dựng xây, hội nhập và phát triển. >>>Kỷ niệm trọng thể 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong rằng trong tương lai, Bộ Giáo dục-Đào tạo tiếp tục làm tốt công tác của mình để Việt Nam có thêm ngày càng nhiều Ngô Bảo Châu, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam, khoa học Việt Nam tiên tiến, ngang tầm quốc tế.
YBĐT - Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945- 2/9/ 2010), sáng ngày 1/9, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đoàn đại biểu của tỉnh đã đến viếng nghĩa trang liệt sỹ trung tâm tỉnh và dâng hương, đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2010-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư chúc mừng đến các thày giáo, cô giáo, cán bộ viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước.