Ngành tòa án Yên Bái: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”
- Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2010 | 9:18:40 AM
YBĐT - Với truyền thống vẻ vang, ngành Tòa án Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “ Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”.
Bà Đinh Thị Hoan - Chánh án TAND tỉnh (người đứng bên trái) trao đổi nghiệp vụ với thẩm phán, thư ký của Tòa Hình sự.
|
Cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (DCCH), ngày 13 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C thành lập các tòa án quân sự, đánh dấu sự ra đời của ngành tòa án (TA) Việt Nam.
Theo Sắc lệnh này, ở Bắc bộ, tòa án quân sự được thiết lập tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi ở Trung bộ. Các vụ án xảy ra tại tỉnh Yên Bái lúc bấy giờ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự Thái Nguyên.
Đáp ứng yêu cầu xây dựng và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước nói chung và tòa án nhân dân (TAND) nói riêng, ngày 24 tháng 01 năm 1946, Sắc lệnh số 13 về tổ chức các TA và ngạch thẩm phán được ban hành. Đây là sắc lệnh đầu tiên quy định đầy đủ về tổ chức các tòa án, quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn các ngạch thẩm phán và quy định về tổ chức giải quyết các tranh chấp, xử phạt vi cảnh ở cơ sở. Theo Sắc lệnh, có tòa thượng thẩm ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ; tòa đệ nhị cấp (ở các tỉnh); tòa sơ cấp (ở các quận, huyện); ban tư pháp (ở cấp xã).
Đến năm 1950, sau gần 5 năm hoạt động, tổ chức TAND được đổi mới bằng Sắc lệnh số 85/SL ngày 22 tháng 5 năm 1950. Theo Sắc lệnh này, về tổ chức “Tòa án sơ cấp nay gọi là TAND huyện. Tòa án đệ nhị cấp nay gọi là TAND tỉnh. Hội đồng phúc án nay gọi là tòa phúc thẩm. Phụ thẩm nhân dân nay gọi là Hội thẩm nhân dân”. Để xét xử việc hình và việc hộ, Sắc lệnh này đã mở rộng phạm vi thẩm quyền của ban tư pháp xã về việc phạt vi cảnh, nhằm giải quyết mau chóng tại xã một số việc ít quan trọng về mặt trị an...
Đến tháng 4/1958, Quốc hội nước Việt Nam DCCH đã quyết định thành lập TAND tối cao, ngày 24/12/1958, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư 556 cụ thể hoá nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật bao gồm: công an, công tố và TA. Trên cơ sở hiến pháp năm 1959, ngày 14 tháng 7 năm 1960, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND. Những quy định về TAND tiếp tục được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức TAND năm 1981, năm 1992, năm 2002, trên cơ sở đó ngành TA ngày càng được củng cố, kiện toàn. Chế độ bổ nhiệm thay thế cho chế độ bầu thẩm phán được thực hiện đảm bảo cho công tác xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Thực hiện tiến trình cải cách tư pháp (CCTP), ngày 02/06/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020. Bộ Chính trị xác định “Tổ chức các cơ quan tư pháp và chế định bổ trợ tư pháp hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc; trong đó xác định TA có vị trí trung tâm và việc xét xử là hoạt động trọng tâm”.
Hiện nay, hệ thống tổ chức ngành TA bao gồm: TAND Tối cao, 20 đơn vị thuộc TAND Tối cao, 63 TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 694 TAND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Tòa án Quân sự Trung ương, 09 đơn vị tòa án quân sự quân khu, 17 tòa án quân sự khu vực.
Hiện nay, toàn ngành có 126 người. Trong đó, thẩm phán 49 người, thư ký 53 người, thẩm tra viên 03 người, chức danh khác 21 người. Số cán bộ có trình độ chuyên môn đại học là 110 người, cao đẳng 02 và trung cấp là 10 người, trình độ khác 04 người. Số cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân là 17 người, trung cấp 53 người. Hàng năm, TAND Yên Bái giải quyết từ 1.500 đến 1.700 vụ án các loại. |
Ở Yên Bái, trong những năm đầu giành chính quyền về tay nhân dân, ông An Văn Tùng, nguyên là Tri phủ Trấn Yên được cử đến làm công tác xét xử ở Tòa đệ nhị. Trong thời gian này, ngành TA Yên Bái chỉ có TA cấp tỉnh, biên chế 3 đến 4 cán bộ và thường hoạt động bí mật trong dân, chủ yếu xét xử những tên phản động, có nhiều nợ máu với nhân dân.
Những phiên tòa nổi bật, có tiếng vang như vụ “Đội khố đỏ”, vụ Hoàng Văn Thêm làm gián điệp, biệt kích... với những bản án nghiêm khắc, góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vùng Tây Bắc.
Trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1980, khi Luật Tổ chức TAND ra đời, Viện Công tố tách ra khỏi TA để thành lập ngành kiểm sát nhân dân. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy và TAND tối cao, ngành TA Yên Bái được kiện toàn về tổ chức từ tỉnh đến các TAND cấp huyện. Trong giai đoạn này cơ cấu, tổ chức không chia thành các tòa chuyên trách, chỉ có ủy ban Thẩm phán và hai bộ phận chuyên môn là Tổ Hình sự và Tổ Dân sự.
Ngoài ra, còn có bộ phận giúp việc là Văn phòng và Thi hành án. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành TA Yên Bái vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân; bảo vệ thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa và trật tự, trị an xã hội.
Trong thời kỳ đổi mới, ngành luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhân dân giao phó, kịp thời đưa ra xét xử nhiều vụ án về kinh kế, tham ô, cố ý làm trái chế độ chính sách của Nhà nước, những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản của công dân.
Đối mặt với tình trạng tội phạm ngày một nguy hiểm, tinh vi trong nền kinh tế thị trường, các cấp TA Yên Bái đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát kịp thời đưa ra xét xử những vụ án lớn, trọng điểm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương như vụ Vũ Thị Nhường cùng đồng bọn tham ô và cố ý làm trái gây thất thoát của Nhà nước trên 3 tỷ đồng, vụ Nguyễn Văn Tiềm vận chuyển 43 kg thuốc phiện, vụ Nguyễn Văn Mạnh vận chuyển 4000 ống thuốc Seduxen, vụ Nguyễn Văn Soàng tham ô tài sản, cố ý làm trái gây thất thoát hơn 4 tỷ đồng và nhiều vụ án giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng khác.
Bằng các bản án nghiêm khắc, ngành TA đã góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, duy trì ổn định trật tự an toàn xã hội. Thông qua hoạt động xét xử, đặc biệt là tổ chức tốt nhiều phiên tòa lưu động tại địa bàn nơi xảy ra tội phạm đã không ngừng nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến về nhận thức pháp luật, ý thức đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong quần chúng nhân dân.
Trong công tác xét xử hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất việc xử oan, sai. Các vụ án hành chính, kinh doanh - thương mại, lao động cơ bản đã giải quyết đúng pháp luật, bảo đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và công dân, đồng thời giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Công tác thi hành án hình sự luôn được quan tâm chú trọng và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đều được đưa ra thi hành kịp thời, việc xét giảm án, đặc xá theo đúng quy trình, thủ tục do pháp luật quy định.
Cùng với việc thực hiện tốt công tác xét xử và thi hành án hình sự, ngành TA Yên Bái thường xuyên tăng cường, củng cố và thực hiện tốt công tác xây dựng ngành, công tác hội thẩm nhân dân. Đội ngũ cán bộ, công chức, hội thẩm nhân dân luôn phấn đấu học tập, tu dưỡng, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, có tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ pháp chế XHCN; đoàn kết thống nhất thực hiện tốt nhiệm vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành trong giai đoạn mới.
Thực hiện chủ trương CCTP theo Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, ngành TA Yên Bái cùng ngành tư pháp đã thực hiện tốt lộ trình giao thẩm quyền xét xử mới cho các TAND cấp huyện. Từ 01/01/2009, tất cả 9 đơn vị TAND cấp huyện trong tỉnh đã được giao thẩm quyền xét xử mới.
Bên cạnh công tác xét xử, các đơn vị TA trong tỉnh luôn tích cực hưởng ứng và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Trong những năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, công chức, tập thể TA đã lập nhiều thành tích trong phong trào thi đua được Chính phủ, Chủ tịch nước, TAND tối cao, UBND tỉnh Yên Bái tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. TAND tỉnh Yên Bái hai lần vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Nhìn lại chặng đường 65 năm đã qua, cũng như kết quả đã đạt được trong những năm thực hiện CCTP, ngành TA Yên Bái đã lớn mạnh và trưởng thành cùng sự phát triển của đất nước. Với truyền thống vẻ vang, ngành TA Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “ Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng sự chỉ đạo của TAND tối cao, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, ngành TA Yên Bái và mỗi cán bộ, công chức TA tiếp tục đoàn kết, phấn đấu rèn luyện, học tập và cố gắng hơn nữa, vượt qua khó khăn, thử thách thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
Đinh Thị Hoan - Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Yên Bái giám sát một số ngành và địa phương trong tỉnh/Nhà máy thủy điện Mường Kim chính thức phát điện, hòa lưới điện quốc gia/ UBND tỉnh Yên Bái triển khai kế hoạch công tác chuẩn bị phục vụ cho Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ VIII... và một số thông tin khác.
Theo chương trình nghị sự, trong ngày làm việc đầu tiên diễn ra vào hôm nay (13-9), UBTVQH sẽ xem xét định mức phân bổ ngân sách nhà nước áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2011- 2015 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020.
Hội nghị toàn quốc về hoạt động HĐND và UBND nhiệm kỳ 2004 – 2011 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ tổ chức ngày 11-9 tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì hội nghị.
Ngày 11.9, tại Hà Nội, Ban Dân vận T.Ư đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15.10.1930 - 15.10.2010); Đại hội thi đua yêu nước trong hệ thống dân vận của Đảng và biểu dương điển hình “Dân vận khéo”.